Theo Thông tư số 35 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), từ ngày 1-12, các tổ chức, cá nhân không được chiếm dụng gầm cầu làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Với việc triển khai thực hiện thông tư này, Hà Nội quyết tâm chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng gầm cầu để buôn bán, lập bãi đỗ xe.
Gầm cầu thành bãi giữ xe
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều vị trí gầm cầu đang bị chiếm dụng làm bãi trông giữ xe. Tình trạng tận dụng khoảng trống dưới các gầm cầu làm bãi giữ xe, buôn bán diễn ra trong một thời gian dài gây mất trật tự an toàn giao thông, nguy cơ cháy nổ rất cao. Mặc dù lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã nhiều lần ra quân, dẹp bỏ nhưng sau một thời gian thì đâu lại vào đó.
Tại cầu vượt đường Văn Cao - Hoàng Hoa Thám (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ), gầm cầu được trưng dụng để làm bãi giữ ô tô, xe máy ngày và đêm. Các xe đỗ tràn lên dải phân cách, len lỏi giữa các cây xanh gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Tới đây, bãi đỗ ô tô dưới gầm cầu vượt nút giao Láng-Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) sẽ phải dẹp bỏ
"Điểm trông xe này cho cả phương tiện leo lên dải phân cách, đè nát hết cỏ, cây xanh. Chúng tôi đã kiến nghị lên cơ quan chức năng nhiều lần nhưng bãi xe vẫn tồn tại" - ông Nguyễn Văn Thành (người dân có nhà trên đường Văn Cao) phản ánh.
Thượng tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng Cảnh sát trật tự Công an TP Hà Nội, cho biết trên địa bàn TP Hà Nội có 13 điểm đang sử dụng gầm cầu làm nơi giữ xe. Trong số này có 9 điểm được cấp phép tạm thời để đáp ứng một phần nhu cầu giao thông tĩnh.
Như tại quận Hoàn Kiếm, dưới gầm vòng xuyến cầu Chương Dương có 2 bãi giữ xe thuộc phường Lý Thái Tổ và phường Hàng Buồm phục vụ cho tuyến phố đi bộ mở rộng sang không gian khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội. Một số gầm cầu khác như cầu Vĩnh Tuy, cầu Long Biên, cầu vượt Ngã Tư Vọng, cầu Mai Dịch cũng đang được bố trí làm các điểm giữ xe.
Bốn điểm trông xe dưới gầm cầu không được cấp phép mà cơ quan chức năng TP Hà Nội sắp tới sẽ xử lý gồm: gầm cầu Chương Dương (phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm), gầm cầu vượt Văn Cao; gầm cầu Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm); gầm cầu vượt Cầu Giấy - Láng (quận Đống Đa).
Mất an toàn giao thông
Nói về hiện trạng sử dụng gầm cầu để kinh doanh, một cán bộ Công an TP Hà Nội cho rằng cả những nơi được cấp phép lẫn trái phép đều gây mất trật tự an toàn giao thông nên nhất thiết phải thu hồi, dẹp bỏ.
Điển hình là thời gian qua, do Bệnh viện Bạch Mai đang xây dựng điểm trông giữ xe nên xuất hiện điểm giữ xe ở gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng để phục vụ người dân đến khám chữa bệnh. Việc phương tiện ra vào bãi đỗ dưới gầm cầu ít ảnh hưởng đến tình hình giao thông chung ở điểm nút giao thông trọng điểm này.
Đặc biệt, theo thượng tá Trần Đình Nghĩa, điểm giữa xe tại gầm cầu vượt Mai Dịch cần sớm thu hồi giấy phép. Lý do là vì điểm này nằm trên tuyến bảo vệ, thường xuyên có đoàn khách quốc tế và các lãnh đạo Đảng, nhà nước đi từ sân bay Nội Bài về Hà Nội, do đó phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, bảo đảm giao thông và mỹ quan đô thị.
Đối với bãi xe không phép dưới gầm cầu Chương Dương, lãnh đạo phường này cho biết bãi xe này đã hoạt động hàng chục năm nay, do Hội Người cao tuổi của phường quản lý.
Lãnh đạo phường Phúc Tân khẳng định nếu TP Hà Nội có phương án giải tỏa và quản lý phía UBND phường sẵn sàng phối hợp để chấm dứt hoạt động của bãi xe này.
TP HCM cũng bị chiếm dụng
Tại TP HCM, nhiều gầm cầu cũng bị trưng dụng thành bãi giữ xe, để vật liệu xây dựng, thậm chí là hàng quán buôn bán. Đơn cử như khu vực dưới cầu Ông Lãnh (quận 1) là nơi họp chợ, người mua kẻ bán nhộn nhịp, xe cộ chen chúc. Ngay dưới gầm cầu có 2 bãi giữ xe qua đêm, mỗi khi xe ra vào nếu không quan sát kỹ có thể xảy ra tai nạn bất kỳ lúc nào. Tương tự, khu vực gầm cầu của các cây cầu khác như: Calmette (quận 1), Chữ Y, Nguyễn Tri Phương, Chà Và (quận 5) cũng là nơi gửi xe của các chung cư gần đó. Một số gầm cầu dọc Quốc lộ 1 cũng được nhiều chủ đầu tư sử dụng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc thi công các dự án.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, thực hiện theo Thông tư số 35, tới đây sở cũng triển khai các biện pháp chấn chỉnh, thu hồi.
Theo thông tư trên, bên cạnh quy định không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác, các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ.
S.ĐÔNG
Bình luận (0)