Đến 18 giờ ngày 6-4, Việt Nam có 245 trường hợp mắc Covid-19 (153 người từ nước ngoài, chiếm 62,4%; 92 người lây nhiễm thứ phát, trong đó 62 người thuộc ổ dịch nội địa). Gần 24 bệnh nhân đã âm tính 2 lần với SAR-CoV-2, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh trong vài ngày tới.
Nhiều hy vọng
Ngày 6-3, Việt Nam bước vào giai đoạn 2 của đại dịch Covid-19 khi ca bệnh thứ 17 được phát hiện. Sau đó, số bệnh nhân Covid-19 liên tục tăng nhanh từ việc giám sát số người nhập cảnh là khách nước ngoài, du học sinh, người Việt đi du lịch về, Việt kiều…
Sau 30 ngày ở giai đoạn 2 (từ ngày 6-3 đến 6-4), Việt Nam ghi nhận 229 ca mắc Covid-19. Số ca bệnh tập trung nhiều nhất vào ngày 22-3 với 19 ca, hầu hết là người nhập cảnh. Đáng chú ý, từ ngày 4-4, số ca mắc giảm đột ngột xuống còn 3 ca và ngày 5-4 chỉ còn 1 ca. Số ca mắc giảm trong 2 ngày liên tục đã chứng minh việc người dân thực hiện cách ly xã hội theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ đã đem lại những tin vui ban đầu về cuộc chiến chống dịch Covid-19 và hy vọng một ngày rất gần không còn phát hiện ca nhiễm mới.
Ngày 6-4, 4 bệnh nhân mắc Covid-19 ở Tây Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ được xuất viện. Trong ảnh: Đại diện Bệnh viện Lao phổi Cần Thơ chúc mừng bệnh nhân 154 xuất việnẢnh: MINH TRUNG
Việt Nam hiện xếp hàng thứ 97 trong tổng số hơn 207 nước có ca mắc Covid-19 và là 1 trong 3 nước có số ca mắc trên 200 người mà không có ca tử vong.
Đánh giá về tình hình sức khỏe bệnh nhân trong giai đoạn 2, bác sĩ (BS) Vũ Đình Phú, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết giai đoạn 1, BV chỉ tiếp nhận 8 ca bệnh, đều là thanh niên trẻ tuổi, sức đề kháng tốt nên bệnh nhẹ, không có ca nào phải can thiệp thở ôxy, thở máy. Đến giai đoạn 2, BV tiếp nhận gần 80 bệnh nhân Covid-19. Bệnh nhân đông, nhiều người cao tuổi, người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư... Do đó, đã có nhiều trường hợp nặng phải thở ôxy, 5 ca phải thở máy và 1 ca phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo).
"Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng hết sức điều trị. Đến nay, có 3 bệnh nhân bỏ được thở máy, 1 bệnh nhân được "cai" ECMO và 2 bệnh nhân khác tiến triển tốt" - BS Phú nói.
"Mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch"
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng 6-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Việt Nam đã kiểm soát và làm giảm sự gia tăng của dịch bệnh Covid-19.
Tính từ ngày phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên thì đã qua 2,5 tháng. Thời điểm đó, Việt Nam là một trong số vài nước bị lây nhiễm. Tới nay, khi dịch bệnh đã lan ra toàn thế giới, nhiều nước phát hiện ca bệnh sau Việt Nam đã tăng vọt lên vài chục ngàn ca, thậm chí vài trăm ngàn ca (như Mỹ) thì nước ta có 245 người nhiễm bệnh, chưa có người tử vong.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh. Điều đó nhờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo rất sâu sát, đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc rất đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng. Trên hết là nhờ có sự tham gia của nhân dân với tinh thần "mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch".
Thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia, Phó Thủ tướng cảm ơn nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế. Rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ những cụ già tới các em nhỏ, đã có muôn vàn hành động hết sức ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh cho cuộc chiến chống dịch.
"Dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Phía trước vẫn còn rất nhiều gian khó và tiềm ẩn không ít rủi ro. Chúng ta quyết không được chủ quan, lơi lỏng. Nếu toàn dân đồng lòng, toàn dân chống dịch, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dập "đám lửa nhỏ" không để bùng lên "đám lửa lớn"
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của trung ương, nhất là Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội; đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát, sàng lọc, phát hiện sớm, quản lý chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, dập dịch.
Đánh giá về số ca mắc Covid-19 có xu hướng giảm, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định "với con số này chưa đánh giá được điều gì". Bởi thời gian ủ bệnh đến 14 ngày nên phải sau 2 tuần nữa mới đánh giá được.
Nguồn: Bộ Y tế
"Dù số ca mới có giảm nhưng chúng ta không được chủ quan mà cần phải quyết liệt hơn nữa" - PGS Phu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia y tế này cũng cho rằng không một quốc gia nào có thể trì hoãn được giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng. Tương tự, tại Việt Nam, điều này cũng sẽ xảy ra sớm hay muộn. Nhưng Việt Nam nhờ kiểm soát tốt dịch trong giai đoạn đầu mà trì hoãn được giai đoạn này lâu hơn, trong khi nhiều quốc gia từ khi có 100 ca lên 1.000 ca chỉ mất 7 ngày.
PGS-TS Trần Đắc Phu đánh giá ở giai đoạn này, Việt Nam đã kiểm soát và xét nghiệm người nhập cảnh nhiều, nhưng lượng xét nghiệm trong cộng đồng chưa nhiều. Do đó, cần đẩy mạnh xét nghiệm trong cộng đồng, từ đó có cơ sở đánh giá được tình hình dịch. Nguyên tắc dập dịch của Việt Nam vẫn là phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng dập dịch mạnh mẽ, dập "đám lửa nhỏ" không để bùng phát lên thành "đám lửa to". Nếu dịch lan quá mạnh, không khoanh vùng được sẽ tạo sức ép rất lớn lên hệ thống y tế. Khi đó, tỉ lệ tử vong sẽ tăng cao do BS không thể dồn sức, tập trung cứu các bệnh nhân nặng.
Theo chuyên gia này, mối quan tâm chính hiện nay của nước ta là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu Việt Nam không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như ở các nước. Chẳng hạn như bệnh nhân 237 người Thụy Điển trong tháng 2, 3 đi lại nhiều nơi ở Hà Nội, TP HCM và Ninh Bình.Đặc biệt, bệnh nhân tới 4 cơ sở y tế ở Hà Nội. Hiện chưa xác định được nguồn lây của bệnh nhân này.
"Giai đoạn này, người dân không được chủ quan, đặc biệt tuân thủ cách ly xã hội. Càng hạn chế tiếp xúc bao nhiêu thì càng phòng bệnh tốt bấy nhiêu và mới có thể bảo đảm chống dịch Covid-19 thành công" - ông Phu nói.
Chủng virus SARS-CoV-2 thay đổi
PGS-TS Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết các nhà khoa học của viện đã phân tích và nhận thấy virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã có sự thay đổi với các thể khác nhau.
Ở giai đoạn 1, 16 ca bệnh Covid-19 của Việt Nam chủ yếu liên quan đến Vũ Hán - Trung Quốc. Còn giai đoạn 2, các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ châu Âu chiếm đa số. Có sự khác biệt về chủng virus đối với ca bệnh Covid-19 từ châu Á và châu Âu. Đến nay, giới khoa học đã phát hiện ra 8 chủng Virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu.
Báo chí thế giới đề cao Việt Nam
Truyền thông quốc tế đã có nhiều bài viết đề cao các biện pháp mà Việt Nam thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Trang csis.org của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ nhận định Việt Nam nổi lên như một hình mẫu toàn cầu trong việc hành động sớm và ngăn chặn tích cực đại dịch Covid-19. Dù là nước đang phát triển với nguồn lực hạn chế nhưng Việt Nam đã có phản ứng nhanh chóng, mạnh mẽ và cho đến nay có thể nói là thành công khi nhiều người được chữa khỏi và chưa có trường hợp nào tử vong nào.
Thời báo tài chính Anh Financial Times khen Việt Nam đã cho thấy mô hình dập dịch ở một quốc gia có nguồn lực hạn chế nhưng đứng đầu là những lãnh đạo đầy quyết tâm. Thành công của Việt Nam phải kể đến sự chung tay của đội ngũ y bác sĩ và quân đội. Bên cạnh đó, Bộ Y tế liên tục cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để người dân nắm rõ và phòng tránh.
Theo báo Asia Times (Hồng Kông), Việt Nam đã nhận được sự khen ngợi cả trong và ngoài nước khi có những quyết sách nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch. Những biện pháp quyết liệt của Việt Nam đã truyền đi tinh thần quyết tâm với sự đồng lòng của cả nước. Tạp chí The Diplomat nhấn mạnh Việt Nam minh bạch thông tin về tình hình dịch bệnh và cho phép công bố thông tin rộng rãi trên Facebook. Hãng tin Bloomberg đề cập đến biện pháp của Việt Nam mở rộng khu cách ly để đón người Việt trở về nước từ các quốc gia bị ảnh hưởng. Hãng Deutsche Welle (Đức) cho rằng thành công của Việt Nam được thể hiện qua 4 biện pháp chính là cách ly tập trung, giám sát ở mọi cấp độ, khẩu hiệu chiến tranh và hưởng ứng các quy định.
X.Mai
Bình luận (0)