Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết).
"Núp bóng" ngày càng tinh vi
Theo Nghị quyết, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới.
Đáng chú ý là hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, BHXH, môi trường... Việc phát triển tổ chức và phát huy vai trò của tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn khó khăn.
Người lao động bị mất quyền lợi khi chủ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Hải Phòng bỏ trốn Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết là tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030. Trong đó, mục tiêu cụ thể phấn đấu vốn đầu tư đăng ký giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỉ USD (30-40 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 200-300 tỉ USD (40-50 tỉ USD/năm). Vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 100-150 tỉ USD (20-30 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 150- 200 tỉ USD (30-40 tỉ USD/năm)...
Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh
Nhiệm vụ của Nghị quyết là nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng vốn mỏng, chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng". Nghiên cứu bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Hoàn thiện đồng bộ các quy định của pháp luật về đầu tư, chứng khoán và quản lý ngoại hối theo hướng phân định rõ giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp; thống nhất giữa pháp luật doanh nghiệp và quản lý ngoại hối về tài khoản mua bán, chuyển nhượng cổ phần.
Đặc biệt là xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Có chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động Việt Nam; sử dụng người lao động Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở các quốc gia tiên tiến.
Nghị quyết cũng yêu cầu nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và ĐBSCL.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với đầu tư nước ngoài. Phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, có tính đến các yếu tố đặc thù; có hướng dẫn và chỉ đạo rõ về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nội dung sinh hoạt,... cho các tổ chức Đảng tại doanh nghiệp FDI.
Nghị quyết cũng đặt ra việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài. Trong đó, nghiêm cấm việc cấp, điều chỉnh, quản lý, đàm phán dự án đầu tư nước ngoài, ban hành quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư... trái thẩm quyền, trái quy định pháp luật. Việc đàm phán, thỏa thuận các cam kết bảo lãnh chính phủ (GGU), ký hợp đồng BOT, bao tiêu sản phẩm... phải thực hiện đúng quy định pháp luật.
Trung Quốc đầu tư lớn nhất
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2009, vốn FDI từ Trung Quốc chỉ chiếm 1,1% tổng số vốn FDI vào Việt Nam với 180,4 triệu USD và tăng lên 2 tỉ USD vào 2012. Chỉ 5 năm sau đó, năm 2017, vốn từ Trung Quốc tăng gấp 5 lần, lên 10 tỉ USD.
Tính riêng 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1,78 tỉ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Xếp thứ 2 là Hàn Quốc với gần 1,5 tỉ USD; tiếp đến là Nhật Bản 1,1 tỉ USD; Hồng Kông (Trung Quốc) 991,6 triệu USD; Singapore 942,9 triệu USD...
TS LÊ ĐĂNG DOANH,chuyên gia kinh tế:
Cần áp dụng chuẩn mực quốc tế
Tôi đánh giá cao nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng thu hút dòng vốn FDI và cho rằng đây là phản ứng kịp thời, cần thiết trong tình hình dòng đầu tư nước ngoài nói chung bị giảm sút nhưng đầu tư tài chính, mua cổ phần, cổ phiếu và đầu tư từ Trung Quốc tăng lên đáng kể. Cũng phải nhắc lại thực trạng đóng góp của FDI vào ngân sách không tương xứng nếu so sánh với những gì họ đạt được ở nước ta. Hoạt động chuyển giá phổ biến, thông qua việc nâng giá đầu vào, thường xuyên báo lỗ, thậm chí lỗ hơn 10 năm. Tuy lỗ triền miên nhưng vẫn mở rộng sản xuất.
Qua đó, có thể thấy quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài còn một số vấn đề cần rốt ráo chấn chỉnh. Có tình trạng một số địa phương muốn tranh thủ dòng vốn FDI để nhanh chóng nâng cao tăng trưởng, tăng nguồn thu ngân sách của mình cho nên đã có những ưu đãi, quản lý lỏng lẻo với khối này. Còn có tình trạng đối xử không thỏa đáng với người lao động, tuyển dụng ở độ tuổi trẻ và "thải ra" ở độ tuổi hết khả năng ứng tuyển vào công ty khác nhưng không hề có trách nhiệm với người lao động.
Chúng ta cần áp dụng những chuẩn mực quốc tế, đúng pháp luật, công khai minh bạch để tránh bị doanh nghiệp (DN) FDI lợi dụng những sơ hở không đáng có, gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt, tuy chào đón nhưng cũng cần nghiêm túc chọn lọc dòng vốn FDI để mang lại hiệu quả, giá trị gia tăng cao cho đất nước.
Ông PHẠM VĂN HÒA, đại biểu Quốc hội:
Không cần dòng vốn chất lượng thấp
Thời gian qua, không phủ nhận dòng vốn FDI mang lại hiệu quả không nhỏ trong phát triển kinh tế đất nước và Việt Nam luôn luôn mong muốn thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn có giá trị. Tuy nhiên, đã nảy sinh những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh mà chúng ta không quản lý được.
Nghị quyết sẽ không làm hạn chế việc kêu gọi đầu tư nước ngoài, không đi ngược lại chủ trương "trải thảm đỏ" đón nguồn vốn từ bên ngoài của chúng ta. Chúng ta sẵn sàng mời DN FDI vào nhưng phải bảo đảm được những vấn đề an ninh, chủ quyền quốc gia, không vì bất cứ lý do nào mà xem nhẹ điều này. Nghị quyết cũng có ý nghĩa quan trọng trong quản lý chặt chẽ dòng đầu tư nước ngoài. Không làm khó nhà đầu tư nhưng chúng ta cũng phải giữ thế chủ động để bảo đảm hai bên cùng có lợi, bảo đảm ích nước lợi nhà. Chúng ta cần những nhà đối tác làm ăn đàng hoàng chứ không cần dòng vốn chất lượng thấp.
Ông NGUYỄN VĂN TOÀN, Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài:
Ưu tiên phát triển công nghệ nguồn
Xuất phát từ thực tế, nghị quyết đã nhấn mạnh việc phát huy thế mạnh của vốn FDI, khắc phục được điểm yếu cố hữu mà chúng ta đã bàn đến rất nhiều. Chẳng hạn, câu chuyện chuyển giá, rút vốn về nước, sự lỏng lẻo của liên kết giữa khu vực FDI với khu vực trong nước dẫn đến giá trị gia tăng để lại rất thấp. Việc tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa của DN Việt Nam trong chuỗi đầu tư FDI còn thấp, công nghệ cũng không phát triển được bao nhiêu, bản thân DN không tận dụng hay học hỏi được nhiều.
Nghị quyết cũng rất kịp thời khi đặt vấn đề ưu tiên nổi trội cho phát triển công nghệ nguồn và các cơ sở nghiên cứu phát triển. Vấn đề tiếp theo là Chính phủ phải có chính sách phù hợp, kịp thời để thu hút được nguồn vốn chất lượng cao từ các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ và châu Âu hiện khá tốt nhưng tiếc là đầu tư lại không tương xứng. 28 quốc gia châu Âu chỉ đầu tư vào Việt Nam 25 tỉ USD sau 30 năm chúng ta thu hút FDI, trong khi Đức mỗi năm đầu tư ra nước ngoài 60 tỉ USD, Pháp đầu tư 50 tỉ USD. Như thế, tiềm năng để thu hút dòng đầu tư từ các quốc gia này còn rất lớn. Chính sách như thế nào, môi trường như thế nào sẽ quyết định hiệu quả thu hút FDI của chúng ta. Các quốc gia phát triển tôn trọng tính minh bạch, bảo hộ đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ. Tóm lại, thu hút đầu tư không phải bằng mọi giá mà có chọn lọc, có kiểm soát, có hạn chế và đặc biệt lưu tâm đến vấn đề an ninh quốc phòng.
Phương Nhung ghi
Bình luận (0)