Chiều 28-2, một nguồn tin từ Hội đồng Chức danh giáo sư (HĐCDGS) ngành y tế cho biết sau khi rà soát việc bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hội đồng này đã tạm để lại một số hồ sơ trong số 1.226 hồ sơ GS, PGS đủ điều kiện được công nhận GS, PGS năm 2017.
Đưa về cơ quan chủ quản xem xét
Hội đồng cũng đã rà soát rất kỹ những trường hợp có đơn kiện, dù nặc danh. Các trường hợp này đều được đưa về cơ quan chủ quản để xem xét, trả lời.
Cùng ngày, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cho biết tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng trong việc rà soát GS, PGS là rất quyết liệt, yêu cầu rà soát thực sự nghiêm túc nên HĐCDGS nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phải rà soát thật kỹ. Về việc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ báo cáo kết quả rà soát trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1-3, ông Dũng cho hay kết quả rà soát sẽ được Bộ GD-ĐT báo cáo Thủ tướng, có thể không phải báo cáo tại phiên họp.
Tin từ HĐCDGS ngành y cho biết kết quả rà soát cho thấy Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hoàn toàn đủ tiêu chuẩn phong GS. Các thành viên hội đồng đánh giá rất cao những đóng góp của bà với ngành y tế nước nhà. GS-TSKH Phùng Đắc Cam, thành viên HĐCDGS ngành y, cho biết HĐCDGS ngành y đã rà soát và thấy không có bất cứ hồ sơ GS, PGS nào "có vấn đề". Hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa điểm để xét duyệt hồ sơ. Cụ thể, về tiêu chí giảng dạy, bà Tiến đào tạo 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ lấy bằng và đang đào tạo 3 nghiên cứu sinh; tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Y Dược TP HCM kiêm chủ nhiệm 2 bộ môn, giảng dạy tại Viện Dinh dưỡng quốc gia; có 2 cuốn chuyên khảo, 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn...; được trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp; thỉnh giảng 2 nhiệm kỳ của ĐH Oxford (Anh)...
Đừng thành "thợ giảng", phải có công trình nghiên cứu
Trước nhiều ý kiến trái chiều trong việc công nhận chức danh GS, PGS cho những người quản lý, GS-TSKH Phạm Ngọc Đính, thành viên HĐCDGS ngành y, cho biết trong ngành y, những người làm chuyên môn giỏi mới được xem xét và cân nhắc bổ nhiệm làm quản lý. Khi làm quản lý họ vẫn tiếp tục làm chuyên môn và tham gia nghiên cứu. Những người đứng đầu ngành phải là người làm nghiên cứu khoa học. Những người được phong hàm GS, PGS bản chất họ là nhà khoa học chứ không phải nhà giáo. Vì thế, một số GS ngành y tế đề xuất nên xem xét lại tiêu chí quy định về giờ giảng đối với các hồ sơ GS thuộc lĩnh vực nghiên cứu và những người làm công tác quản lý đối với ngành y. "Đừng biến những nhà nghiên cứu khoa học phải trở thành "thợ giảng" và biến trường ĐH thành trường phổ thông cấp 4. Đội ngũ GS, PGS phải là những người làm nghiên cứu khoa học, phải có công trình nghiên cứu, đào tạo ra các nhà khoa học" - một GS nêu quan điểm.
GS-TS Lê Thị Hợp, thành viên HĐCDGS ngành y, cho biết thời gian qua, dư luận cũng xì xào chuyện tại sao PGS chuyên ngành A lại đứng tên sách chuyên ngành B. "Chẳng hạn, tôi là chuyên gia dinh dưỡng nhưng đứng tên trong sách nói về bệnh ung thư, bởi dinh dưỡng cũng là một yếu tố quan trọng để phòng bệnh ung thư. Hay tại sao một lãnh đạo lại có tên trong nhiều cuốn sách bởi có thể ý tưởng, đề cương đó là của lãnh đạo. Thường nhà khoa học xây dựng đề cương từ sơ bộ, chi tiết, tập hợp một nhóm làm việc theo quan điểm của người đứng đầu" - GS Hợp giải thích.
Bộ trưởng không nhất thiết phải GS
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng bộ trưởng cũng không nhất thiết phải có chức danh GS khi chỉ làm công tác quản lý, không giảng dạy. Thậm chí, ngay cả chủ tịch HĐCDGS nhà nước cũng không nhất thiết phải là GS. Người làm công tác quản lý thay mặt nhà nước để phong chức danh GS không có nghĩa họ phải là chức danh này.
Bình luận (0)