xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rác cồng kềnh đang... thả nổi!

Bài và ảnh: Ý LINH

Cứ vào dịp cuối năm, không khó để bắt gặp những điểm tập kết rác cồng kềnh tự phát ở TP HCM khiến ai nhìn cũng... gai mắt

Khi nhu cầu thay mới đồ dùng trong gia đình để chuẩn bị đón Tết tăng cao cũng là lúc rác cồng kềnh tràn xuống phố. Ghi nhận dọc các tuyến đường nội đô từ quận 3, 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú như Trường Chinh, Cộng Hòa, Trường Sa, Hoàng Sa, Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám, 3 Tháng 2… không khó bắt gặp những địa điểm tập kết rác cồng kềnh tự phát. Nhiều nơi, mền, gối, tủ, ghế cũ… còn bị đẩy tràn xuống kênh rạch.

Phí vứt bỏ gần bằng giá mua

Cuối năm, sắm tấm nệm mới, chị Nguyễn Thị Thùy Dung (ngụ quận 8, TP HCM) mang tấm nệm cũ ra trước nhà cho người thu gom rác tiện mang đi. Nhưng 1 tuần sau, tấm nệm vẫn ở nguyên vị trí đó. Chị hỏi thăm mới hay, người thu gom rác dân lập không thu gom nệm. Không tin đã hết cách, chị lên mạng tìm hiểu thì biết được người dân có nhu cầu xử lý nệm cũ, bàn ghế cũ… có thể gọi đến Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM.

Rác cồng kềnh đang... thả nổi! - Ảnh 1.

Bãi rác cồng kềnh tự phát chắn ngay con đường ra vào một khu dân cư tại quận 6, TP HCM

Chị Thùy Dung liên hệ với công ty, một nữ nhân viên tiếp nhận thông tin và cho biết sẽ có người thu gom chuyên nghiệp gọi báo giá cho chị. Đến trưa hôm sau, một người đàn ông xưng là người của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP liên lạc lại với chị. Người này không đề cập đơn giá cụ thể, chỉ hỏi về kích cỡ, độ dày, mỏng của tấm nệm chị muốn vứt và địa chỉ cụ thể. Sau đó, báo giá xử lý tấm nệm là 1,1 triệu đồng. Chị Dung chới với: "Phí vứt nệm cũ bằng giá sắm nệm mới rồi!". Bên kia điện thoại, người đàn ông giải thích: "Phí xử lý cao vì chúng tôi chở bằng xe tải, chở một tấm nệm hay thêm một cái tủ thì bên tôi cũng mất một chuyến đi. Nhưng giá này là rẻ rồi vì nếu nhà chị nằm trong hẻm thì giá hơn 2 triệu đồng". Không có khả năng chi trả khoản tiền này, chị Dung vội từ chối dịch vụ.

Cũng muốn vứt bỏ chiếc sofa cũ, bà Kiều Hồng Hạnh (ngụ quận Phú Nhuận) gọi điện thoại đến Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM. Tương tự chị Thùy Dung, bà Hồng Hạnh cũng đợi liên lạc và nhận được báo giá 1 triệu đồng. "Chiếc sofa người quen cho, xài chưa tới 6 tháng mà phải tốn cả triệu đồng để vứt thì quả là khó chấp nhận" - bà Hồng Hạnh nói.

Lộ diện người "tiêu thụ"

Đến sáng 4-2 (tức 23 tháng chạp) chiếc nệm vẫn nằm trước cửa nhà. Đang lúc chưa biết xử trí sao thì chị Thùy Dung được người hàng xóm mách nước gọi ve chai và trả họ khoảng 300.000 đồng là được. "Như lời người hàng xóm nói, trưa cùng ngày, thấy một chị nhặt ve chai chạy xe đạp, tôi gọi vào và thỏa thuận giá 300.000 đồng thì chị ấy lập tức đồng ý" - chị Thùy Dung cho biết.

Rác cồng kềnh đang... thả nổi! - Ảnh 2.

Rác cồng kềnh vứt trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TP HCM gây mất mỹ quan đô thị

Cũng như chị Thùy Dung, thay vì tốn 1 triệu đồng, bà Hồng Hạnh chỉ tốn 350.000 đồng để người nhặt ve chai đem chiếc sofa đi xử lý. "Biết vậy tôi đã nhờ những người ve chai ngay từ đầu để khỏi bị xốn mắt cả tuần" - bà Hồng Hạnh nói.

Theo Sở TN-MT TP HCM, rác cồng kềnh, rác thải xây dựng chiếm khoảng 20% rác thải sinh hoạt; đồng nghĩa với mỗi ngày, TP HCM có hơn 1.800 tấn rác cồng kềnh được thải ra.

Vậy những người nhặt ve chai đem rác cồng kềnh đi đâu để xử lý? Trả lời câu hỏi này, một người thu gom rác dân lập ở Phú Nhuận khẳng định: "Họ sẽ lén đem đến những điểm tập kết rác cồng kềnh tự phát để bỏ hoặc lén lút bỏ đâu đó chứ không đem vào nơi để xử lý". Bởi theo người này, việc xử lý rác cồng kềnh rất tốn công sức.

Thấu hiểu về việc này, anh Nguyễn Hưng còn kể câu chuyện và gửi kèm clip để chứng minh việc nhiều người nhặt ve chai, nhận đổ rác xây dựng bằng xe ba gác máy nhận đổ rác cồng kềnh nhưng lại mang ra kênh, rạch đổ. Theo đoạn clip anh Nguyễn Hưng ghi lại, cứ lợi dụng buổi trưa, tối, nhiều người đã dùng xe máy, xe đạp, xe ba gác chở rác cồng kềnh đến đoạn bờ sông đối diện khu Trung Sơn, cách cầu Him Lam khoảng 150 m đổ thẳng xuống mé kênh rồi nhanh chóng rời đi. "Đó là rác xây dựng, nệm, ghế da… Tôi nghĩ những người này nhận đổ rác cho những nhà đang sửa chữa, cần xử lý loại rác này. Đáng bức xúc là họ nhận xử lý nhưng lại mang đổ thẳng xuống kênh, gây ô nhiễm như thế" - anh Nguyễn Hưng nói.

Các cơ quan chuyên môn nói gì?

Về việc giá thu gom rác cồng kềnh quá cao, ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên Môi trường (TN-MT) TP HCM, nói từ trước đến nay, dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải cồng kềnh là thực hiện theo cơ chế thị trường. "Nghĩa là đơn vị cung ứng dịch vụ và người dân sẽ tự thỏa thuận về dịch vụ bao gồm giá cả. UBND quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm" - ông Tuấn Anh nói.

Từ tháng 9-2020, UBND TP đã chỉ đạo giao cho các công ty dịch vụ công ích xây dựng đề án và tổ chức cung ứng dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh; xây dựng đơn giá và xử lý chất thải rắn cồng kềnh sau khi thu gom. Để người dân tiếp cận được dịch vụ, các đơn vị liên quan phải có trách nhiệm công bố công khai cho người dân biết số điện thoại liên hệ và cách thức thu gom để người dân dễ dàng thuận lợi trong việc tiếp cận dịch vụ. "Thế nhưng, từ lúc ra thông báo về đơn giá, đường dây nóng, địa điểm tiếp nhận rác cồng kềnh đến nay chưa từng có trường hợp nào liên hệ với đơn vị để xử lý rác cồng kềnh" - một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích huyện Hóc Môn cho hay.

Phân tích về việc các công ty dịch vụ công ích ế khách, bà Lâm Thị Hồng Phúc, Trưởng Phòng TN-MT quận Gò Vấp, cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến các chủ nguồn thải trên địa bàn quận chưa liên hệ với công ty dịch vụ công ích là do giá cao. "Trước thực tế trên, để quản lý hiệu quả, tránh phát sinh việc đổ trộm rác cồng kềnh, UBND quận Gò Vấp đang giao Phòng Tài chính Kế hoạch, TN-MT và UBND 16 phường, trong đó Phòng Tài chính Kế hoạch sẽ chịu trách nhiệm thẩm định đơn giá do công ty dịch vụ công ích đề xuất" - bà Phúc nói. 

Tiếng nói người trong cuộc

Theo anh Thanh, người thu gom rác dân lập ở huyện Hóc Môn, trước khi mang rác cồng kềnh đến trạm trung chuyển, người thu gom rác dân lập như anh phải tự rã nhỏ món rác cồng kềnh vì nếu để nguyên khi mang vào trạm sẽ bị từ chối. Chính vì vậy nên giá cả tùy vào sự thẩm định độ khó dễ của món hàng khi rã nhỏ. Chưa kể, giá cả còn phụ thuộc điểm nhận rác đến trạm trung chuyển xa hay gần. "Thường giá cả chúng tôi thu gom theo kiểu lấy công làm lời (không như giá công ty - NV) nhưng vẫn không thể cạnh tranh với những người thu gom rồi đem vứt trộm nên khách rất ít nhờ xử lý" - anh Thanh nói.

Theo anh Thanh, vấn nạn đổ trộm rác cồng kềnh sẽ còn trầm trọng hơn, khi TP đang giảm dần các trạm trung chuyển rác. Theo đó, nhiều nơi như huyện Củ Chi, Bình Chánh, xe đổ rác dân lập phải di chuyển gần 20 km mới đến trạm trung chuyển nên giá sẽ không thể thấp hơn hiện tại.

"Không phải ghen ăn tức ở nhưng có một thực tế chúng ta cần phải làm ngay để giữ gìn bộ mặt đô thị TP, đó là phải quyết liệt hơn trong việc xử lý người đổ rác trộm với chế tài cao nhất" - anh Thanh đề xuất. Theo anh Thanh, việc phát hiện và xử lý người đổ trộm rác không khó khi hệ thống camera giám sát của TP cũng như của từng nhà dân ngày càng nhiều. Khi đó, chỉ cần trích xuất camera và thường xuyên theo dõi những nơi có nguy cơ bị đổ trộm sẽ dễ dàng tóm gọn những kẻ làm liều.

Th.Hồng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo