Ngày 15-2 tại TP HCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát sinh tranh chấp đất
Phát biểu tại hội nghị, bà Ung Thị Xuân Hương - nguyên Chánh án TAND TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM - cho rằng một trong những nội dung quan trọng đang được lấy ý kiến việc bỏ đối tượng là "hộ gia đình sử dụng đất".
Theo bà Hương, vấn đề "hộ gia đình sử dụng đất" gây tranh cãi rất nhiều. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định theo hướng bỏ đối tượng là "hộ gia đình sử dụng đất" vì việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất. "Việc này cũng gây khó khăn khi công chứng. Nói hộ gia đình nhưng không biết hộ là ai? Có nơi xác định hộ khẩu tại thời điểm đó, có nơi xác định hộ khẩu hiện tại. Có người khiếu nại vì không có trong hộ khẩu nhưng cũng là thành viên trong hộ gia đình, cùng làm kinh tế... Chúng tôi ủng hộ dự thảo lần này bỏ khái niệm "hộ gia đình" - bà Ung Thị Xuân Hương nói.
Bà Trịnh Thị Thanh Bình, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ - pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre, nói bà rất băn khoăn về vấn đề này trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc này "tưởng là nhỏ nhưng không nhỏ", vì gắn với tính nhân văn, trách nhiệm của nhà nước và quyền lợi, nghĩa vụ của công dân. Theo quy định của Luật Đất đai trước đây, phôi sổ đỏ của Bộ Tài nguyên và Môi trường in sẵn là cấp cho hộ gia đình, đến khi ai xin cấp, dù là vợ chồng hay cá nhân thì cũng ghi là hộ. "Từ chuyện này phát sinh hàng ngàn vụ tranh chấp đất. Người dân tranh chấp với nhau rồi kiện ra tòa. Việc ăn chặn, ăn giật, bội tín cũng từ câu "cấp cho hộ" này" - bà Bình nói.
Người dân làm hồ sơ thủ tục về đất đai tại TP HCM
Cơ quan nào giải quyết?
Điều 225 dự thảo quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất do TAND giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng mặc dù trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, song pháp luật nước ta luôn giao cho UBND là một trong những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Bởi vì đây là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về đất đai nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất, liên quan đến quá trình sử dụng đất rất thuận lợi. "Dự thảo đã sửa theo hướng bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND là đã thu hẹp bớt quyền của người dân, đã bỏ đi một cơ chế giải quyết có tính linh hoạt và có tính ưu việt riêng" - luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng xử lý tranh chấp là việc của tư pháp. Còn nếu nói cơ quan tư pháp không đủ người, không đủ biên chế thì ngành tư pháp phải có giải pháp. Nên thống nhất giao tòa án giải quyết tranh chấp đất đai.
Luật sư Tô Văn Chung, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về dân chủ - pháp luật Ủy ban MTTQ TP HCM, cho rằng UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho TAND giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu. Trong trường hợp không cung cấp được tài liệu, chứng cứ thì phải thông báo bằng văn bản cho tòa án biết, trong đó ghi rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu, chứng cứ. "Nếu quá thời hạn mà không được cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc văn bản trả lời thì tòa án đề nghị cơ quan quản lý cấp trên của UBND được yêu cầu chỉ đạo UBND cấp dưới thực hiện cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc trả lời bằng văn bản cho tòa án.
Cần có quy định riêng về đất công
Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng nhiều cán bộ ngại xử lý hồ sơ liên quan tới tài sản công và kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một chương riêng quy định về đất do nhà nước quản lý (hay gọi là đất công) vì vấn đề này rất hệ trọng trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới. Hiện nay, vấn đề này được điều chỉnh trong các luật khác nhau, ngoài Luật Đất đai còn có Luật Quản lý tài sản công, Nghị định 167 và hàng loạt văn bản liên quan và có sự không tương thích, nếu không muốn nói là xung đột giữa các đạo luật liên quan tới tài sản công.
Bình luận (0)