Cuối tháng 4-2018, nhiều người dân bức xúc phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động về tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép diễn ra rầm rộ ở khu vực sông Sê Pôn, đoạn qua xã Thuận (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nhưng không có cơ quan nào ngăn chặn, xử lý.
Móc ruột Sê Pôn
Theo ghi nhận của phóng viên, tại đoạn sông Sê Pôn đoạn qua xã Thuận, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra nhộn nhịp. Hàng chục xe tải phủ bạt chở cát đi khắp nơi. "Phục vụ" cho các xe tải này là những chiếc đò ngang khai thác dưới lòng sông ngày đêm. Cách đó khoảng 1 km là điểm tập kết cát ở Bản 2. Nhiều xe tải túc trực chuyển cát từ những chiếc đò ngang từ giữa sông khai thác cát đưa vào bờ. Những xe cát này được bán cho các công trình xây dựng trên địa bàn.
Ông Hồ Ta Cô, Chủ tịch UBND xã Thuận, cho biết sông Sê Pôn chảy qua địa bàn khoảng 9 km. Khoảng vài tháng trước, UBND xã có nhận thông tin về việc xảy ra khai thác, vận chuyển cát trái phép ở dọc sông nên đã phối hợp với Đồn Biên phòng Thuận kiểm tra. "Tuy nhiên, khi chúng tôi đến nơi thì không thấy ai khai thác cát. Nhiều khả năng có người đã thông tin nên họ ngưng khai thác" - ông Cô nói.
Theo ông Cô, trước đây, một số đối tượng có đưa máy móc khai thác cát ở khu vực Bản 2 (gồm 2 điểm khai thác) và một điểm ở Bản 5, mỗi ngày một điểm lấy được khoảng 10 xe cát. "Nhưng 2 tháng nay, trên địa bàn không xảy ra việc khai thác, vận chuyển cát trái phép từ sông Sê Pôn nữa" - ông Cô nói.
Dù ông chủ tịch UBND xã Thuận khẳng định chắc chắn như vậy nhưng theo ghi nhận của chúng tôi thì ngược lại, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra tại 3 điểm trên. Còn người dân địa phương thì cho rằng để khai thác cát công khai như vậy thì phải có người bảo kê.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Phước Định, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hướng Hóa, cho biết không có đơn vị nào được cấp giấy phép khai thác cát sỏi dọc sông Sê Pôn. Sau khi xem những hình ảnh, video khai thác vận chuyển cát trái phép ở sông Sê Pôn do phóng viên cung cấp, ông Định nói sẽ cho người về ngay cơ sở để kiểm tra.
Cát lậu tràn lan
Còn trên sông Trà Khúc (đoạn qua TP Quảng Ngãi, dài khoảng 7 km) hiện nay có gần 10 mỏ cát được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép khai thác cho các doanh nghiệp lớn. Tình trạng cấp phép khai thác cát tràn lan không những gây ảnh hưởng môi trường, thất thoát nguồn tài nguyên mà còn khiến người dân bức xúc. Đặc biệt các dự án khai thác cát lợi dụng danh nghĩa phục vụ dự án trọng điểm nhưng thực chất đưa cát bán ra bên ngoài. Tình trạng này diễn ra từ lâu nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi không xử lý.
Sáng 8-5, có mặt tại tuyến đường Hai Bà Trưng (TP Quảng Ngãi), chúng tôi chứng kiến hàng trăm lượt xe tải chở cát qua lại. Dù đây là tuyến đường trung tâm thành phố, có rất nhiều trụ sở cơ quan nhà nước cùng nhà dân sinh sống hai bên nhưng rất nhiều xe tải chở cát cơi nới, không che chắn làm cát vung vãi đầy đường, gây bụi bặm mịt mù. Một số xe khác, do chở cát vừa lấy dưới sông lên nên rỉ nước trên suốt tuyến đường. Xung quanh hai lề đường cát, đất dồn thành từng đống lớn, mỗi lần mưa xuống nhầy nhụa chẳng khác nào đường làng.
Ông Nguyễn Quang Ánh, một người dân ngụ ở đường Hai Bà Trưng, cho biết tình trạng xe tải chở cát lộng hành đã hoạt động mấy tháng qua. Người dân bức xúc phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng không thấy cơ quan nào xử lý. "Để chống chọi với bụi, nhiều người tưới nước ra mặt đường nhưng đang mùa nóng, tưới xong lại khô, bụi vẫn mịt mù. Nhà phải đóng cửa suốt ngày, quán xá dẹp nghỉ vì bụi quá, khách không tới" - ông Ánh cho biết.
Không chỉ tuyến đường Hai Bà Trưng, một số tuyến đường khác như Quang Trung, Phan Bội Châu, Trương Định… cũng luôn rầm rập những đoàn xe chở cát.
Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông triệt để xử lý nạn xe chở cát hoành hành. "UBND tỉnh cũng tổ chức một số cuộc họp về vấn đề này nhằm tìm hướng tháo gỡ. Tuy nhiên, do các mỏ cát nằm dọc theo đường Hai Bà Trưng, trong khi nhu cầu lấy cát phục vụ các dự án trong tỉnh lớn nên không thể cấm chạy hoàn toàn. Sắp tới, UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục họp, nhằm tìm giải pháp hữu hiệu hơn, xử lý triệt để vấn đề này" - ông Dũng nói.
Bán đất dưới mác cải tạo vườn
Chỉ vòng 18 tháng qua, UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã cấp phép cải tạo vườn đồi, hạ thấp độ cao mặt bằng đất cho 38 hộ cá nhân, doanh nghiệp cải tạo đất vườn đồi với lý do các khu đất này "trồng cây kém hiệu quả". Khi có giấy phép cải tạo đất, hầu hết các hộ dân biến đất vườn thành những "mỏ đất" rồi tha hồ khai thác bán cho các doanh nghiệp san lấp mặt bằng. Có hộ cho khai thác tới 22.000 m2, bạt cả quả đồi thành những hố sâu hoắm.
H.Phúc
Bình luận (0)