Từ nhỏ, tôi đã được bà nội kể về niềm tự hào của người con gái ngày xưa khi có "da trắng, răng đen", "Lấy chồng cho đáng tấm chồng/Bõ công trang điểm má hồng răng đen".
Kỳ công để có hàm răng đen bóng
Bà năm nay đã 85 tuổi mà hàm răng dường như chưa sứt mẻ chút nào. Bà khẳng định chắc nịch: nhờ ăn trầu và nhuộm răng đấy! Tôi không biết khoa học đã chứng minh hay chưa nhưng từ nhỏ đến lớn ở bên cạnh bà, lúc nào tôi cũng thấy bà ngồi bên cơi trầu, tay phe phẩy cái quạt, trong miệng có màu đỏ thẫm của bã trầu hòa quyện màu răng đen bóng, vậy mà rất ít khi bị bệnh về răng miệng. Hình ảnh đặc trưng đó của người phụ nữ Bắc Trung Bộ vẫn chưa bao giờ phai nhòa trong tâm trí tôi.
Ngày còn bé, tôi thắc mắc hỏi bà, bây giờ người ta chuộng hàm răng trắng sáng, còn thời của bà lại xem răng đen hạt na là tiêu chuẩn của cái đẹp. Lúc đó, bà chỉ giải thích đơn giản với tôi là: Nếu không nhuộm răng sẽ không lấy được chồng. Bây giờ tôi đã lớn, muốn tìm hiểu cặn kẽ hơn về tục ăn trầu và nhuộm răng đen nên đã khơi dậy ký ức thấp thoáng lúc nhớ lúc quên của bà nội. Lạ thật, có những chuyện vừa mới diễn ra thì quên rất nhanh, còn chuyện của 70 năm trước thì nhớ rõ mồn một.
Bà dõng dạc kể cho tôi nghe: Năm bà 15 tuổi, bà cố đã ra cửa hàng lớn mua gói thuốc nhuộm răng về cho bà, khoảng chừng mấy hào. Nghe rằng chỉ có đồng bào Mường mới làm được loại thuốc đặc biệt này. Còn quá trình nhuộm răng cũng công phu không kém bây giờ đi thẩm mỹ viện. Bà không nhờ người nhuộm mà tự làm theo chỉ dạy của người lớn. Bước một là vệ sinh răng thật kỹ, khi nào răng trơn láng thì mới đạt. Bước hai là dùng lá dừa, đo và cắt lá sao cho vừa hàm răng. Bước ba, phết thuốc vào 2 mảnh lá dừa đó, áp vào 2 hàm răng. Cứ giữ như vậy từ tối cho đến nửa đêm, không cho nước bọt chảy vào răng. Sau khi bóc mảnh lá dừa ra thì phải ngậm nước mắm, theo bà, làm như vậy để thuốc ngấm vào răng chắc hơn.
Cứ như vậy, 3 ngày nhuộm răng cho ra màu vàng cánh gián, 3 ngày nhuộm răng đen. Trong khi nhuộm và sau đó 10 ngày, tuyệt đối không nhai đồ ăn cứng, chỉ chan nước dưa chua vào cơm nuốt chửng. Bà nói rằng nếu không kiêng khem cẩn thận, răng sẽ không cho màu đen nhánh như mong muốn mà là màu hạt bầu, rất xấu. Quá trình nhuộm răng cũng không sung sướng gì, môi, lưỡi, lợi, vòm họng sưng tấy, răng thì lung lay cảm giác như sắp rụng. Nhưng qua được "cửa ải" này thì sẽ thành công cho hành trình "thẩm mỹ" của người thiếu nữ lúc bấy giờ.
Hai bà cháu của tác giả
Ký ức đẹp như cổ tích
Nghe bà kể, tôi thấy thú vị quá nên lên mạng tìm hiểu thêm về tục nhuộm răng của người Việt. Hóa ra tục lệ này đã có từ thời Hùng Vương, là nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Mỗi dân tộc lại có cách thức và chất liệu để nhuộm răng khác nhau. Công thức pha chế thuốc nhuộm thường là: bột nhựa cánh kiến, nước cốt chanh, nhựa của gáo dừa... Ai mà không nhuộm răng đen thì xem như không đẹp, khó lấy chồng. Tôi hỏi vui: Vậy sau khi nhuộm răng xong, bà đi lấy chồng luôn sao? Bà cười: Không lấy sao mà có anh...
Nhuộm răng đen với ăn trầu có liên quan đến nhau. Và như lời của ông bà ta, ăn trầu cùng giúp răng chắc khỏe, không bị lung lay. Vậy thì bà nội tôi chính là một minh chứng sinh động. Thấy bà ăn trầu, tôi hỏi:
- Trầu ngon không bà?
- Ngon!
- Nó ngon như thế nào hả bà?
- Thì nó cay cay, chan chát, đăng đắng, rồi ngọt nữa...
Nhiều lần tôi quấn quýt bên bà, nhờ bà tập cho ăn trầu. Vừa đưa đến đầu lưỡi thì tôi đã nhăn mặt, nhè ra rồi. Chắc có lẽ ngày nhỏ tôi sợ bị say, sợ bị đỏ miệng, sợ mùi cay nồng của lá trầu. Nhìn vào cơi trầu của bà cũng khá "bài bản", bắt buộc phải có những thành phần: lá trầu không, miếng cau (cau khô hoặc cau tươi), thuốc lào và vôi. Các bước ăn trầu nhanh chóng hơn nhiều so với nhuộm răng: lấy lá trầu, xé đôi, bôi vôi lên, xé vài cọng thuốc lào, lấy miếng cau, gói cả vào miếng trầu, cuối cùng là đưa vào hàm răng đen để thưởng thức hương vị hòa quyện. Bên cạnh bà còn có cái ống nhổ, một lúc lại nhổ toẹt nước trầu vào đó; có người còn nuốt cả nước trầu.
Sau nhà tôi có sẵn giàn trầu, nó quấn quanh thân cây bông gòn, bám cả vào tường nhà. Tôi thường hay phụ hái trầu để bà mang ra chợ bán. Bà dặn dò: Phải chọn lá nào không bị vàng, còn tươi xanh, không to quá, không bé quá, vậy ăn mới cay. Bán giỏ trầu được 2.000 đồng, bà cho tôi cả để ăn quà vặt. Lúc đó không còn gì sướng hơn, tôi nhảy cẫng lên, cảm giác như là tận hưởng thành quả lao động vậy. Bà không nhiều chữ, thời ấy chỉ học xong lớp vỡ lòng "bình dân học vụ" nhưng mỗi lúc nhai trầu, bà cao hứng đọc những câu ca dao, tục ngữ để răn dạy con cháu, vừa dễ hiểu, dễ nhớ vừa thấm lâu, thấm sâu. Đôi khi cọng thuốc lào vướng ở vành môi khiến bà đọc không rõ chữ hay nước trầu lem luốc trên má bà, tôi lại cười phá lên một cách ngây ngô. Ký ức đó đẹp như cổ tích!
Ngày nay không còn bao nhiêu người ăn trầu nên hàng trầu cau cũng hiếm dần. Trong ảnh: Một hàng trầu cau tại ngôi chợ nhỏ ở quận 6, TP HCM Ảnh: LƯƠNG ANH - LINH TRANG
Bà luôn là cô thiếu nữ ngày nào
Dân gian có câu "Miếng trầu là đầu câu chuyện", là khởi điểm của tình yêu nảy nở. Ngày nay, số người ăn trầu còn rất ít nhưng trầu là thứ không thể thiếu trong các dịp lễ tế, cưới hỏi và trở thành hồn cốt của văn hóa Việt Nam. Theo nhiều người, tục nhuộm răng đen bắt nguồn từ tục ăn trầu. Khi ăn trầu răng sẽ ố vàng, nên phải nhuộm cho răng thật đen để loại trừ màu sắc đó. Bà tôi nói răng đen mà còn nhai trầu thì răng càng bền, càng đẹp, càng dễ lấy chồng: "Miếng trầu ăn kết làm đôi/Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng".
Bây giờ số người ăn trầu còn ít lắm, các cụ già có hàm răng đen cũng dần đi về với tổ tiên. Làm sao để tìm thấy hình ảnh các cụ già ngồi quây quần trước sân, miệng bỏm bẻm nhai trầu nói chuyện xưa với đôi mắt nhìn xa xăm. Cây cau cao vút có thân trầu uốn quanh đã được thay bằng các ngôi nhà hiện đại, hàng trầu cau ở chợ cũng ít đi. Hiện thân của vẻ đẹp những năm đầu thế kỷ XX chính là các cụ đang có hàm răng đen và đang ăn trầu. Vẻ đẹp đó không hề có son phấn mà là cái màu ửng hồng trên mặt, trên nét môi của các cụ.
Tôi cảm thấy mình may mắn vì vẫn còn bà ở bên. Tôi luôn tự hào vì bà có vẻ đẹp chuẩn xưa. Dù bây giờ bà đã yếu, không còn ăn trầu nhiều, màu đen trên răng không còn bóng sáng, nếp nhăn hằn sâu hơn nhưng trong tôi, bà lúc nào cũng là cô thiếu nữ e ấp bên lũy tre làng, thấp thoáng hình ảnh của ca dao, tục ngữ, của miền quê Việt Nam. Tôi muốn được lăng xăng ra ngoài vườn hái trầu đem vào cho bà, ngồi ngắm bà, hỏi bà đủ thứ chuyện của ngày xửa ngày xưa. Tôi chỉ sợ một ngày bóng dáng ấy chỉ còn trong miền ký ức!
Tuổi thơ trọn vẹn bên bà
Thời gian thấm thoát trôi, ngày nào còn quấn quýt bên bà, ngồi ngắm bờ môi cong của bà mỗi khi nhai trầu, còn chọc ghẹo hàm răng đen như than của bà, nay tôi đã gần 30 tuổi. Học hành, công việc, mưu sinh khiến tôi xa nhà nhiều. Song dù ở nơi nào, tôi không bao giờ quên tuổi thơ bên bà, sống trong mái nhà có ba thế hệ. Tôi may mắn có bà đã mở mang tâm hồn tôi, cho tôi nhìn thấy nét văn hóa Việt trong quá khứ. Sự hiền từ của người ông, người bà chính là cây cao bóng cả để tuổi thơ chúng ta được lớn lên trọn vẹn.
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)