xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rất cần khai thông vận tải khách liên tỉnh

Bài và ảnh: THU HỒNG

Sau 2 ngày thí điểm mở lại vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định, chỉ có 10 tỉnh, thành đồng ý mở cửa các bến xe đi - đến TP HCM

Sau 2 ngày đi lại Bến xe Miền Đông (TP HCM) để mua 2 vé về tỉnh Quảng Ngãi, bà Phạm Thị Luận nói như mếu: "Không có tiền trả phòng trọ, vợ chồng tôi bị chủ đuổi đi. Cứ ngỡ từ ngày 13-10, bến xe bán vé lại nên ra bến mua vé. Nào ngờ, ra đây tìm đỏ mắt, không có quầy nào bán vé tuyến đi Quảng Ngãi".

Khách chờ xe, xe chờ khách

Bí quá, chồng bà Luận phải lân la bên ngoài Bến xe Miền Đông để tìm xe ngoài thì được một số "cò" ra giá 3 triệu đồng/vé về Quảng Ngãi. Không đủ tiền, 2 vợ chồng bà lắc đầu. Một "cò" khác hô giảm còn 2 triệu đồng/vé.

"Trong bóp tôi chưa đầy 2 triệu đồng. Thôi, đành ngồi ở bến xe tiếp tục chờ quầy vé nào mở bán thì về" - bà Luận buồn rầu.

Bên trong Bến xe Miền Đông ngày 14-10 cũng chỉ có quầy vé của hãng xe Kumho Samco mở bán với các tuyến từ TP HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk. Rất ít khách đến bến xe. Hai nhân viên quầy vé chủ yếu nhận đặt vé trước qua điện thoại. Một nhân viên nói từ sáng đến 11 giờ, "tôi và đồng nghiệp chỉ bán được một chuyến đi Đắk Lắk". Vé đi Vũng Tàu thì nhiều khách hơn, với 3 chuyến được bán ra.

Ngồi chờ đến tối để chạy ngược xe về Đắk Lắk, tài xế Lê Hữu Nam (nhà xe Hạnh Đương) cho biết nghe xe được chạy lại, chủ xe rất phấn khởi. 18 giờ ngày 13-10, chủ xe yêu cầu tài xế chạy xe không về TP HCM để đón khách. Tuy nhiên, từ 6 giờ sáng đến trưa chỉ có 9 khách đặt vé, đang chờ thêm khách để chạy về.

"Nếu khách ít quá, chủ xe lỗ nặng vì chiều đi đã không có khách rồi, chỉ mong chiều về xe đầy thì mới bù vốn, họ nói chạy thử 3-4 chuyến, không ổn sẽ tạm nghỉ" - anh Nam nói.

Vẫn trong tâm thế nghe ngóng hoạt động của các doanh nghiệp (DN) đi trước, một chủ xe tuyến TP HCM đi Tuy Hòa phân tích trong một tuần thí điểm, với tần suất số chuyến rất hạn chế, xe giường nằm nếu đầy khách thì bù vốn được nhưng xe ghế ngồi mềm chỉ chở không quá 50% số khách thì càng chạy càng lỗ. Chi bằng DN tạm dừng và chờ thêm nới lỏng quy định vận chuyển hành khách.

Rất cần khai thông vận tải khách liên tỉnh - Ảnh 1.

Thưa thớt nhà xe chạy lại trong thời gian thí điểm tại Bến xe Miền Đông

Cần các tỉnh thông thoáng

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, tính đến chiều 14-10 có 10 tỉnh, thành đồng ý thí điểm hoạt động xe khách liên tỉnh, gồm: Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nam, Khánh Hòa và Phú Yên. Các tỉnh chưa có văn bản thống nhất thì các DN vận tải và bến xe chưa thể mở lại tuyến.

Theo ông Tạ Chương Chín, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, trong ngày 14-10, bến xe chỉ có 3 tuyến từ TP HCM đến tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đắk Lắk hoạt động với tổng cộng 28 chuyến. Các tuyến khác vẫn phải chờ sự thống nhất của các tỉnh, thành mới mở dần lại.

"Nhiều hành khách có nhu cầu về quê sau thời gian kẹt lại ở TP HCM. Việc mở lại một số tuyến giúp DN phấn khởi nhưng cũng không khỏi lo lắng bởi tần suất chuyến hạn chế, hoạt động kinh doanh không hiệu quả, không thể dừng chân tại các trạm dừng để khách đi vệ sinh, nghỉ ngơi… Để hoạt động vận tải khách liên tỉnh đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của hành khách, các tỉnh nên thông thoáng, sớm mở cửa các bến xe" - ông Chín đề nghị.

Tương tự, đại diện Bến xe Miền Tây cho biết để giúp vận tải hành khách liên tỉnh dần hồi sinh, các tỉnh, thành nên chia nhỏ từng giai đoạn và nới lỏng dần các điều kiện trong tiêu chí đặt ra.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hành khách liên tỉnh và Du lịch TP HCM, đề xuất việc cho phương tiện chở 50% sức chứa chỉ nên áp dụng tức thời sau khi mở cửa lại, sau đó cần phải liên tục điều chỉnh theo tình hình cải thiện trong vòng 7-10 ngày, vì chở 50% số khách trở lại thì kinh doanh không có lãi. Riêng những phương tiện đã có vách ngăn hiện tại có thể cho phép họ vận chuyển ở mức 100% hoặc chí ít là 80%. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần nhanh chóng thực hiện nghị quyết của Chính phủ, giao quyền tự xét nghiệm nhanh cho các DN, HTX nhằm giảm chi phí và giảm thời gian đi lại.

"Để tạo điều kiện cho các DN hồi sinh sau dịch bệnh, các tỉnh, thành cần thống nhất bộ tiêu chí theo quy định của Bộ GTVT và mới đây nhất là Nghị quyết 128 của Chính phủ. Vùng nào "xanh, vàng" thì hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh phải thông thoáng, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu theo kiểu ngăn sông cấm chợ, gây khó khăn cho DN và người dân" - ông Tính đề xuất.

Ông Bùi Văn Nhiên, Giám đốc HTX Hữu Lộc (lưu thông các tuyến miền Tây), kiến nghị Chính phủ nên ưu tiên phủ vắc-xin cho các tỉnh trong tháng 11 và 12, để chậm nhất đến đầu năm 2022 hầu hết các tỉnh, thành đều mở cửa các bến xe phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Khi đó, hành khách chỉ cần tiêm 2 mũi vắc-xin là có thể thoải mái đi lại, không hạn chế. 

Được sử dụng ôtô cá nhân

Ngày 14-10, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản thống nhất với UBND TP HCM xung quanh việc người lao động đi lại làm việc giữa TP HCM và Đồng Nai.

Theo đó, Đồng Nai đã thống nhất bổ sung nội dung người lao động có thể di chuyển giữa TP HCM và Đồng Nai bằng ôtô cá nhân, theo phương án mà TP HCM đưa ra ngày 1-10. Quy định mới sẽ kèm điều kiện người trên ôtô cá nhân đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 (loại tiêm 2 mũi sau 14 ngày) hoặc F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng. Bên cạnh đó, phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 7 ngày.

Việc thay đổi trong tổ chức cho người lao động đi lại giữa TP HCM và Đồng Nai sẽ bắt đầu khi UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10 của Chính phủ. Trước đó, TP HCM và Đồng Nai liên tục phối hợp tổ chức việc đi lại của người lao động giữa 2 địa phương theo diễn biến tình hình trong phòng chống dịch bệnh. Những ngày qua, người lao động được di chuyển giữa 2 địa phương bằng ôtô đưa đón do DN tổ chức. Những người dân Đồng Nai "kẹt" trong dịch ở TP HCM trong những ngày qua cũng được tỉnh Đồng Nai tổ chức đón về và thực hiện cách ly theo quy định. Riêng người lao động đi lại bằng xe máy giữa 2 địa phương này đến nay vẫn chưa được phép.

X.Hoàng

3-box duoi 3

Bến xe Mỹ Đình vắng vẻ trong ngày 14-10


Thí điểm đi từ "vùng xanh" đến "vùng xanh"

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết ngoài 7 địa phương đã đồng ý chạy lại xe khách liên tỉnh trước đó (Điện Biên, TP HCM, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình) thì ngày 13-10 đã có thêm 8 tỉnh (Kon Tum, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Quảng Ninh) chấp thuận kế hoạch chạy lại xe khách liên tỉnh.

TP Hà Nội cũng đã cho phép thí điểm hoạt động vận tải hành khách. Theo đó, thống nhất với các tỉnh, thành để tổ chức các tuyến đi - đến 7 địa phương gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La bằng 5% số chuyến của các đơn vị hoạt động trên tuyến theo biểu đồ đã được công bố.

Ghi nhận tại các quầy vé ở Bến xe Mỹ Đình ngày 14-10, rất vắng vẻ vì mới có 7 tuyến xe khách được phép chạy lại. Nhiều người nhầm tưởng tất cả các tuyến xe liên tỉnh đã hoạt động, khi đến bến đành ngậm ngùi quay về vì chưa có xe hoạt động.

Như vậy, tính đến nay đã có 15 địa phương đồng ý thí điểm chạy lại vận tải khách liên tỉnh. Ngoài ra còn có 15 sở GTVT đang chờ UBND tỉnh đồng ý với kế hoạch khôi phục lại tuyến. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết vướng mắc nhất hiện nay là nhiều tỉnh đang rà soát lái xe được tiêm đủ liều vắc-xin hay chưa. Do vậy, một số tuyến dù đã khôi phục nhưng chưa thể chạy xe.

Trước đó, ngày 10-10, Bộ GTVT ban hành hướng dẫn tạm thời thí điểm mở lại vận tải khách liên tỉnh và đề nghị các địa phương căn cứ tình hình thực tế để thí điểm hoạt động trở lại vận tải hành khách đường bộ từ ngày 13 đến 20-10.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khẳng định người dân, DN đang rất mong mỏi vận tải khách tuyến cố định được hoạt động trở lại. Các sở GTVT cần chủ động đề xuất với ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương, lập phương án để sớm triển khai hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT. Làm sao từ ngày 13 đến 20-10 tổ chức thí điểm được một số tuyến theo kế hoạch. Trước mắt, thí điểm chọn một số tuyến dễ đi từ "vùng xanh" đến "vùng xanh" làm trước, sau đó thí điểm từ "vùng xanh" đến "vùng đỏ". Từ kết quả này để từng bước mở dần vận tải. Việc tổ chức vận tải, lựa chọn DN, bến xe là do sở GTVT các tỉnh, thành quyết định.

Lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng Bộ GTVT đã cân nhắc kỹ điều kiện y tế đối với hành khách bởi trong giai đoạn thí điểm điều kiện của hành khách phải chặt chẽ. Mở lại vận tải nhưng phải an toàn phòng chống dịch. "Nhiều tỉnh, thành phản ánh thiếu lực lượng lái xe đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nên khó mở lại vận tải khách liên tỉnh. Sau 7 ngày thí điểm sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng. Sở GTVT phải khảo sát và lập danh sách tình hình tiêm vắc-xin cho lái xe của các DN vận tải" - đại diện Vụ Vận tải nói.

Tin-ảnh: V.Duẩn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo