* Phóng viên: Được biết Viện Y Dược học dân tộc TP HCM vừa công bố thông tin nghiên cứu thành công thuốc điều trị COVID-19 Sunkovir có nguồn gốc y học cổ truyền (YHCT)?
TS-BS Trương Thị Ngọc Lan
- TS-BS Trương Thị Ngọc Lan: Lễ công bố về kết quả nghiên cứu thuốc này dự kiến được chúng tôi tổ chức vào ngày 25-4. Với việc được cấp số đăng ký lưu hành toàn quốc theo Quyết định số 82/QĐ-YDCT, có thể xem đây là thuốc nguồn gốc YHCT đầu tiên được cho phép điều trị COVID-19 ở Việt Nam.
* Có ý kiến nói Sunkovir được phát triển từ thực phẩm chức năng?
- Thật ra, trên thị trường đang lưu hành thực phẩm chức năng là "Kovir". Không thể tồn tại vừa là thuốc vừa là thực phẩm chức năng cùng một tên được. Cho nên dạng thực phẩm chức năng với tên "Kovir", còn dạng thuốc tên "Sunkovir". Công thức bào chế của Kovir và Sunkovir thì như nhau.
* Vậy bà khẳng định đây là thuốc hay thực phẩm chức năng?
- Tôi khẳng định đây là thuốc. Do mới được cấp phép vào ngày 12-4 nên chưa kịp sản xuất để lưu hành toàn quốc. Chứ thực phẩm chức năng Kovir đã được bán trên thị trường hơn chục năm nay.
* Thuốc này do doanh nghiệp nào sản xuất? Vai trò của Viện Y Dược học dân tộc TP HCM đối với công trình thuốc này như thế nào, thưa bà?
- Xin nói rõ sản phẩm thực phẩm chức năng Kovir ra đời từ năm 2013 với mục đích hỗ trợ chữa cúm. Việc phát triển thành thuốc Sunkovir do Công ty Sao Thái Dương thực hiện, còn Viện Y Dược học dân tộc TP HCM là đơn vị nghiên cứu lâm sàng. Với thuốc này, chúng tôi nghiên cứu tác dụng về điều trị COVID-19. Công ty Sao Thái Dương đặt hàng chúng tôi nghiên cứu, đến nay đã hoàn thành nên chuẩn bị công bố kết quả.
Chúng tôi công bố thuốc này không nhằm mục đích giới thiệu thuốc, mà là dịp để các báo cáo viên của chúng tôi thể hiện trải nghiệm trong giai đoạn máu, nước mắt, nguy hiểm tính mạng. Công trình đã qua 3 đợt nghiên cứu, bắt đầu nghiên cứu từ tháng 7-2021.
Thuốc Sunkovir do Viện Y học cổ truyền TP HCM nghiên cứu vừa được cấp phép lưu hành Ảnh: Nguyễn Thạnh
* Công dụng điều trị của Sunkovir cụ thể ra sao, thưa bà?
- Đây là thuốc có nguồn gốc nhân sâm bài độc và nó xuất phát từ thời nhà Tống, có công dụng chuyên chữa cảm, đặc biệt là cảm trên những bệnh nhân có sức đề kháng yếu. Bài gốc nhân sâm bài độc này cải thiện các triệu chứng của cảm cúm như ho, đặc biệt cúm mùa, các bệnh cảm. Trên cơ sở đó, chúng tôi nghiên cứu ra công dụng điều trị chữa COVID-19.
Chúng tôi nghiên cứu tổng cộng trên 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu - pha 2A nghiên cứu trên 66 bệnh nhân, pha 2B nghiên cứu trên 1.000 bệnh nhân và pha 3 nghiên cứu trên 537 bệnh nhân.
Về công dụng, thuốc này điều trị bệnh nhân ngay từ giai đoạn đầu, thể nhẹ, thể trung bình, bệnh nhân khi mới nhiễm được uống thì giảm nguy cơ trở nặng. Qua thử nghiệm lâm sàng, tất cả bệnh nhân mắc COVID-19 dùng thuốc này thì không trở nặng.
Còn đối với bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng thì phải tuân thủ điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Có dư luận cho rằng Công ty Sao Thái Dương liên kết với Viện Y Dược học dân tộc TP HCM để hợp thức hóa sản phẩm từ thực phẩm chức năng. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
- Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này theo đặt hàng của Công ty Sao Thái Dương, cũng như theo những quy định nghiên cứu khoa học của nhà nước. Nghiên cứu này bao gồm các kết quả thử tiền lâm sàng như thử độc tính cấp tính, thử độc bán cấp cũng như thử hiệu quả điều trị trên động vật.
Do đây là bài thuốc cổ phương nên được miễn điều trị pha 1. Vì vậy, quá trình nghiên cứu, chúng tôi thực hiện pha 2A, pha 2B, sau đó là pha 3. Tất cả các bước nghiên cứu này đều thông qua hội đồng đạo đức cấp cơ sở và đều báo cáo xin phép Sở Y tế, Bộ Y tế.
Tôi khẳng định nghiên cứu này tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng như thế giới. Cả 3 đợt nghiên cứu này của chúng tôi được đăng trên các tạp chí nghiên cứu khoa học trên thế giới.
Cũng xin nói thêm, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tháng 3-2021, Bộ Y tế đã ra Công văn số 1306/BYT-YDCT về hướng dẫn sử dụng YHCT trong hỗ trợ điều trị COVID-19. Đến tháng 10-2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4539/QĐ-BYT ngày 25-9-2021, cho phép tạm thời sử dụng y, dược cổ truyền để phòng chống dịch COVID-19.
Đây là cơ sở pháp lý để Viện Y Dược học dân tộc TP HCM triển khai các hoạt động chuyên môn trong phòng chống dịch bằng YHCT. Trong lúc "dầu sôi lửa bỏng", chúng tôi mong muốn có một sản phẩm YHCT để hỗ trợ điều trị hoặc điều trị COVID-19.
Cấp phép theo đúng quy trình
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền - Bộ Y tế, cho biết sản Sunkovir được cơ quan này cấp phép theo đúng quy trình sau khi doanh nghiệp cung cấp đủ hồ sơ pháp lý theo đúng quy định hiện hành.
Ông Thịnh nhấn mạnh về nguyên tắc, đối với thuốc YHCT sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ, hội đồng tư vấn sẽ xem xét, cho ý kiến, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp đăng ký lưu hành theo quy định.
D.Thu
WHO khuyến khích kết hợp Đông - Tây y trong điều trị COVID-19
Trung Quốc là một trong những quốc gia ứng dụng phổ biến YHCT trong điều trị COVID-19 từ thời gian đầu của đại dịch. Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí y học Acta Pharmaceutica Sinica B vào tháng 9-2021, một nhóm khoa học gia Trung Quốc cho biết có khá nhiều thuốc YHCT được ứng dụng rộng rãi trong điều trị COVID-19 các mức độ, bao gồm Jinhua Qinggan Granules, viên nang Lianhua Qingwen, thuốc dạng tiêm Xuebijing, các thang thuốc sắc như Qingfei Paidu, Huashi Baidu và Xuanfei Baidu…
Hầu hết các thuốc này đã được chứng minh tác dụng trong các bệnh đường hô hấp khác như cúm. Với COVID-19, chúng không hoạt động như thuốc kháng virus hay kháng thể đơn dòng mà nhắm vào việc hỗ trợ điều trị các triệu chứng, ví dụ giúp thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ phổi, giúp rút ngắn giai đoạn sốt... nhằm giảm số ngày nằm viện, đồng thời hỗ trợ bệnh nhân mau hồi phục. Nhiều phương thuốc cổ truyền nhằm tăng cường sức khỏe khác cũng được Trung Quốc sử dụng với mục đích phòng bệnh.
Đông - Tây y kết hợp cũng được thử nghiệm, ứng dụng ở một số quốc gia khác như Nhật Bản với thảo dược Maoto, được sử dụng như biện pháp điều trị dự phòng cho nhân viên y tế sau phơi nhiễm COVID-19. Triều Tiên cũng từng cho biết họ tăng cường phân phối các phương thuốc truyền thống khi làn sóng "bệnh sốt" đầu tiên được báo cáo.
Vào tháng 3-2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức cuộc họp chuyên gia nhằm đánh giá YHCT Trung Quốc trong điều trị COVID-19. WHO kêu gọi Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia thành viên khác của WHO; khuyến khích tất cả các quốc gia thành viên nghiên cứu, xem xét việc tích hợp Trung y cũng như các biện pháp can thiệp YHCT tương tự trong việc lập kế hoạch quản lý lâm sàng cho bệnh nhân mắc COVID-19.
A.Thư
Bình luận (0)