"Từ năm 2010, tòa án tuyên phía đương sự bên kia hoàn trả người thân của tôi 1,7 tỉ đồng. Cơ quan chức năng kê biên một căn nhà. Vậy mà, bản án đến giờ chưa thi hành xong" - ông Nguyễn Văn Hóa (nhận ủy quyền từ một đương sự trong vụ án dân sự) phản ánh tại chương trình Lắng nghe và trao đổi "Công tác thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn TP - Thực trạng và giải pháp" do HĐND TP HCM tổ chức sáng 4-8.
10 năm chờ thi hành án
Đến dự chương trình như ông Hóa, 10 người khác cũng nêu ra vụ việc THA kéo dài mà họ đã và đang gánh chịu thiệt thòi.
Đơn cử, ông Nguyễn Ngọc Minh trình bày năm 2002, gia đình ông mua một căn nhà mà không biết người bán còn sang nhượng tài sản cho người khác. Đến năm 2008, tòa án giao căn nhà cho gia đình ông. Song việc THA vẫn "giẫm chân tại chỗ". Ông Minh buồn bã: "Từ đó đến nay, gia đình tôi chịu cảnh ở trọ".
Bức xúc không kém là "món nợ" bà Trương Thị Nhanh đang vướng vào. Từ năm 2014, tòa án buộc ông Dương Văn Ngoan và bà Huỳnh Kim Thúy trả bà Nhanh 220 triệu đồng tiền mua đất. Thi hành bản án, chấp hành viên có xác minh tài sản đủ điều kiện THA ở huyện Nhà Bè (TP HCM). 4 năm trôi qua, bà Nhanh vẫn chưa thể nhận lại số tiền trên.
Chấp hành viên (giữa) làm việc với người dân trong một vụ việc thi hành án dân sự
Phó Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Đức Hải nhận xét thời gian qua, nỗ lực từ đội ngũ lãnh đạo, chấp hành viên tại các cơ quan THADS mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, TP vẫn tồn tại không ít trường hợp THA kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí lâu hơn thế. Một số vụ việc đủ điều kiện THA nhưng đương sự vẫn phải chờ.
Nhiều vướng mắc
Tại chương trình, đại diện cơ quan THA đã giải đáp thắc mắc và thông tin cụ thể quá trình giải quyết từng vụ việc. Theo đó, đa phần nguyên nhân THA chậm trễ là do vướng mắc giấy tờ, chờ cơ quan khác có liên quan đến tài sản trao đổi hướng xử lý…
Lắng nghe trường hợp bà Trương Thị Nhanh, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Nhà Bè Nguyễn Thanh Hà thông tin cơ quan THA xác minh người có nghĩa vụ trả tiền có một mảnh đất. Tuy nhiên, tài sản thuộc dự án đã có thông báo thu hồi; địa phương đang trình TP phê duyệt đơn giá hỗ trợ, bồi thường. Nhằm bảo đảm quyền lợi cho bà Nhanh, cơ quan THA tiến hành kê biên lô đất; đồng thời, cơ quan THA phối hợp chặt chẽ với ban bồi thường tại địa phương để theo dõi thông tin. Sau khi có quyết định về số tiền bồi thường, hỗ trợ, chi cục sẽ hoàn trả ngay bà Nhanh theo nội dung bản án.
Về trường hợp của ông Nguyễn Văn Hóa, chấp hành viên Nguyễn Thị Lương (Cục THADS TP HCM) cho biết năm 2011, cục đã kê biên một căn nhà ở phường 12 (quận 10, TP HCM) nhằm bảo đảm THA. Tại buổi kê biên, con gái đương sự phía bên kia xuất hiện và cho biết bà là người bỏ tiền xây căn nhà trên; đồng thời, khởi kiện yêu cầu xác lập quyền sở hữu tài sản. Do đó, cơ quan chức năng buộc phải hoãn THA. Vụ tranh chấp đó do TAND TP thụ lý. Hiện tòa án tiến hành trưng cầu chứng cứ. "Chúng tôi tiếp tục đeo bám và sẽ tổ chức THA ngay khi có phán quyết cuối cùng từ tòa án" - chấp hành viên khẳng định.
Tương tự, căn nhà của ông Nguyễn Ngọc Minh cũng chưa thoát tình trạng chờ cơ quan thứ ba trả lời. Theo ông Lê Văn Kiệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS quận 10, đơn vị chưa thể bán đấu giá tài sản trên do vướng thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Cụ thể, mảnh đất có căn nhà nằm trên khu đất do Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Quốc phòng quản lý. Cơ quan này có cho phép người dân xây nhà ở trên khu đất. Theo xác minh, UBND quận 10 không cấp giấy tờ sở hữu vì căn nhà xây sai quy hoạch. Hơn nữa, người xây nhà có sai phạm trong trường hợp được cấp nhà hai lần. Chủ tịch UBND quận 10 Trần Xuân Điền cho hay địa phương có văn bản trao đổi hướng xử lý vụ việc với Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng vẫn chưa phản hồi.
Nói thêm về những nguyên nhân dẫn đến THA chậm trễ, ông Phạm Huy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục THADS TP HCM, cho biết tình trạng đương sự chống đối cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc kéo dài. Trong thời gian qua, TP có 289 trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA. Ngoài ra, tình trạng kê biên nhà đất, bán đấu giá không có người mua; quy trình xử lý tài sản rườm rà khiến quá trình THA gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, ông Hoàng thừa nhận không ít vụ việc do cán bộ thiếu ý thức chấp hành kỷ cương, ngại khó, làm việc chưa khoa học; lãnh đạo một số đơn vị thiếu sâu sát…
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu lưu ý cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp cụ thể nhằm phát hiện, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án. Đối với công tác cưỡng chế, các đơn vị phải phối hợp nhịp nhàng, bảo đảm an toàn trong quá trình tổ chức cưỡng chế.
Đền 800 triệu đồng do thi hành án chậm
Theo ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP HCM, thực tế cho thấy một số cán bộ có nghiệp vụ hạn chế dẫn đến hậu quả một số vụ việc tổ chức THA chậm, có sai sót, vi phạm quy định về THADS. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, TP có 2 bản án thi hành chậm khiến cơ quan quản lý phải đền 800 triệu đồng, kỷ luật chấp hành viên.
Bình luận (0)