Trong những ngày nắng nóng gay gắt và đặc biệt với nhiệt độ lên tới trên dưới 40 độ C, AQI đo vào ngày 6-6 ở trong mức xấu và rất xấu, gây nguy hại cho sức khỏe người dân. Hầu hết các trạm quan trắc chất lượng không khí tự động trên địa bàn TP Hà Nội đều ghi nhận AQI ở ngưỡng 151-200 (rất xấu). Vào buổi chiều, khi mưa tạnh và trời có nắng nhẹ nhưng tại điểm quan trắc ở nhiều khu vực quận, huyện, AQI cũng ở mức 117-170 (tức là kém, rất xấu).
Đáng chú ý, thông qua ứng dụng Air Visual của Tổ chức Quan trắc chất lượng không khí thế giới, Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí vào sáng 6-6 vừa qua, khi AQI nhiều lúc vượt ngưỡng 200, thậm chí nhiều khu vực lên tới 220-235.
Đốt vẫn là cách nhiều nông dân Hà Nội chọn để xử lý rơm rạ sau thu hoạch Ảnh: NGÔ NHUNG
Chất lượng không khí ở Hà Nội những ngày hè nóng nực này bên cạnh những nguyên nhân lâu nay như xả thải của phương tiện giao thông cơ giới, nhà máy, bụi xây dựng… còn có nguyên nhân đáng kể mà cứ "đến hẹn lại lên". Đó là việc người dân ở khu vực ngoại thành đốt rơm rạ quá nhiều sau khi thu hoạch lúa, khiến khói bụi lan từ ngoại thành vào nội thành, kết hợp với nắng nóng trong những ngày qua làm không khí thêm ô nhiễm.
Việc người dân ngoại thành Hà Nội đốt rơm rạ đã thành vấn đề nan giải những năm gần đây khi rơm rạ sau thu hoạch lúa ngày càng ít được sử dụng để đun nấu hay ủ làm phân bón… Trong khi việc đốt rơm rạ vừa thuận tiện cho vụ gieo trồng kế tiếp và giúp diệt sâu bọ.
Thế nhưng, việc đốt rơm rạ quá nhiều đã khiến khói bay mù mịt khắp nơi và có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Khói từ rơm rạ bị đốt còn sản sinh ra khí CO2, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, khiến tình trạng ô nhiễm không khí càng thêm trầm trọng.
Hà Nội trước đó đã triển khai nhiều biện pháp với mục tiêu đến năm 2020 trở thành "Thành phố không đốt rơm rạ". Các giải pháp này từ thu mua rơm rạ để làm chế phẩm sinh học… cho tới tuyên truyền vận động không đốt và xử vi phạm hành chính. Thế nhưng, cứ đến vụ thu hoạch lúa là nhiều người dân lại đốt. Nguyên nhân chính là vẫn do chưa có giải pháp để xử lý hết rơm rạ sau thu hoạch lúa.
Rơm rạ cứ đến mùa lại đốt như thế thì xem ra người dân còn phải sống chung với ô nhiễm khói mù, ô nhiễm không khí.
Bình luận (0)