xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rừng bảo tồn Tà Cú bị đầu độc

Bài và ảnh: Hợp Phố

Hàng loạt cây rừng của khu bảo tồn bị đầu độc để lấy đất trồng thanh long. Hành vi này rất khó phát hiện bởi phải 2-3 tháng sau, khi cây chết mới phát hiện được

Ngày 6-5, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại một cánh rừng thuộc Tiểu khu 302a thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Tại đây, hàng chục cây sến, dầu, dong đồng… chết đứng và bị cắt hạ.

Giết cây bằng thuốc diệt cỏ

Bên cạnh những cây đã được đánh dấu kiểm tra thì một số gốc cây còn dấu mới bị cưa hạ. Đặc biệt, nhiều gốc bị khoan và bơm thuốc độc vào để cây chết. Nằm sát khu rừng bị đầu độc, hàng chục trụ đúc xi-măng đã tập kết sẵn, phục vụ cho việc trồng thanh long.

Chỉ tay về hướng một bãi đất trống, một người dân địa phương cho biết khu này từng là rừng bảo tồn đã bị đầu độc chết cách đây hơn 2 năm. "Giờ người ta đã đốt, ủi phẳng các gốc cây với ý định trồng thanh long" - người này nói. Cạnh các cánh rừng có cây bị chết, hàng ngàn trụ thanh long vừa được trồng, các giếng nước vừa được đào để phục vụ sản xuất.

Cuối tháng 4, Ban Quản lý Khu BTTN Tà Cú báo cáo có ghi nhận 2 vụ phá rừng do đơn vị này quản lý, trong đó có tình trạng đầu độc cây để chiếm đất sản xuất tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam. Vụ thứ nhất xảy ra vào tháng 1, tại khoảnh 5, Tiểu khu 302a, với diện tích rừng bị phá hơn 3.200 m², trong đó có gần 100 cây rừng bị khoan vào thân cây, sau đó dùng thuốc diệt cỏ đổ vào cho cây chết. Nhiều gốc cây có đường kính từ 15 - 30 cm chết khô, thân cây có dấu khoan.

Rừng bảo tồn Tà Cú bị đầu độc - Ảnh 1.

Một gốc cây rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú bị đục thân để đổ thuốc độc

Vụ thứ 2 xảy ra tại khoảnh 3, Tiểu khu 305a. Khu vực này có 29 gốc cây to chết khô do đầu độc. Trong năm 2019, Ban Quản lý Khu BTTN Tà Cú ghi nhận 41 trường hợp trồng thanh long, xây nhà trong khu bảo tồn với diện tích 24,5 ha.

Được biết, hành vi đầu độc cây rừng để lấy đất sản xuất tại đây đã xảy ra từ 3 năm qua. Năm 2018, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận gửi mẫu thuốc lấy từ thân cây bị đầu độc đến Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc Bảo vệ thực vật phía Nam và có kết luận: "Các mẫu cây đều phát hiện tồn dư hóa chất Glyphosate. Đây là hoạt chất sử dụng trong thuốc diệt cỏ phổ rộng không chọn lọc và nội hấp, hiệu lực trừ cỏ cao". Mẫu thuốc này được lấy từ khu rừng bị đầu độc rộng hơn 3.970 m², thuộc Tiểu khu 302a và 299, với gần 200 cây rừng bị "hạ sát".

Chưa rõ thủ phạm

Ông Võ Hữu Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Khu BTTN Tà Cú, cho biết do một số hộ gia đình có diện tích rẫy canh tác từ trước khi thành lập khu bảo tồn nên việc chồng lấn giữa đất sản xuất của dân với đất do đơn vị quản lý vẫn còn. Điều này dẫn tới việc các hộ dân phá rừng trồng thanh long trên diện tích rẫy cũ (đã sáp nhập vào khu bảo tồn) gia tăng.

"Giữa rẫy sản xuất của dân với rừng bảo tồn cách nhau chỉ một bước chân nên việc phá rừng lén lút, lựa thời điểm ban đêm, trời tối rất khó phát hiện. Đặc biệt là hành vi hủy hoại cây rừng, khoan lỗ và bỏ thuốc độc vào cho cây chết rất khó phát hiện, bởi từ khi bắt đầu bỏ thuốc phải đến 2-3 tháng sau cây mới chết, lúc đó mới phát hiện được" - ông Phương cho biết.

Điều đáng nói là hầu hết các vụ phá rừng tại đây đều chưa tìm được thủ phạm. Có những vụ đã được khởi tố hình sự do diện tích rừng bị phá vượt quá mức xử lý hành chính, như vụ phá rừng tại 2 xã Tân Thuận và Tân Thành (năm 2019) nhưng không tìm được thủ phạm để xử lý.

"Khu BTTN Tà Cú có diện tích rộng. Trong đó có gần 50 km chiều dài khu vực rừng giáp ranh với đất sản xuất của dân. Vì vậy, các vụ xâm lấn đất rừng vẫn còn nhiều. Trong khi nhiều vụ phá rừng đã được chúng tôi chuyển hồ sơ cho các cơ quan khác nhưng chưa xử lý được đối tượng nên việc răn đe vi phạm là rất khó" - ông Phương nói.

Khu BTTN Tà Cú là rừng đặc dụng của tỉnh Bình Thuận, thuộc diện được bảo vệ nghiêm ngặt, diện tích khoảng 10.000 ha, có thảm thực vật đa dạng cùng nhiều loại động vật hiếm, nhưng nay đang bị xâm hại nghiêm trọng. 

Phá rừng thông, chiếm đất mặt tiền

Tại tỉnh Đắk Nông, tình trạng đầu độc rừng thông để chiếm đất mặt tiền trên các tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 28 rộ lên từ giữa năm 2019. Tháng 10-2019, Công an huyện Đắk Song bắt giữ Huỳnh Bình, Nguyễn Đình Thân, Phan Công Dụng, Lê Mạnh Hùng và Phan Văn Đồng (cùng ngụ xã Nâm N’jang, huyện Đắk Song) để điều tra về hành vi hủy hoại rừng. Công an làm rõ nhóm đối tượng này rủ nhau phá rừng thông dọc đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Đắk Song, để chiếm đất mặt tiền. Để tránh bị phát hiện, đêm khuya các đối tượng dùng máy khoan lỗ trên thân cây rồi bơm thuốc diệt cỏ vào. Các đối tượng đã hủy hoại 1.159 cây thông loại trên 30 năm tuổi.

Sau khi nhóm đối tượng này bị bắt giữ, tình trạng đầu độc rừng giảm hẳn.

C.Nguyên

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo