Ba mươi năm trước, những cánh rừng sót lại dưới bóng dãy Hoành Sơn ở tỉnh Quảng Bình là nguồn củi cho hàng chục vạn dân. Cái đói vồ từng thân mạng, cái nghèo dồn từng xóm làng, ai cũng lên núi hái củi về bán, thành ra rừng cứ thế mà trọc. Giữa dòng thác chặt phá rừng ấy nổi lên một tư duy xanh lẻ loi của xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch khi lãnh đạo xã này quyết giữ bằng được chỏm rừng còn lại của quê hương họ - khu rừng dẻ tái sinh.
Rừng lên là làng còn
Ông Biền Ngân, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lưu, hồi tưởng: "Thời đó, tôi làm chủ tịch xã, dân nghèo xơ xác, cán bộ cũng nghèo xơ xác. Người người vào rừng kiếm ăn, kẻ lượm củi bán, kẻ chặt dẻ về đun. Chẳng mấy chốc, rừng hẹp dần. Lo hơn nữa là dân 10 xã láng giềng cũng ào lên tấn công rừng dẻ. Ai nhìn cũng xót".
Một góc rừng dẻ xã Quảng Lưu
Trắng đêm nghĩ lời dặn của những ông cha làm sao phục sinh được rừng dẻ để xóm làng không bị bão vùi, lũ dập vào mùa mưa, không hạn hán lúc nắng cháy vào mùa nắng, ông Biền Ngân bàn với cán bộ trong lãnh đạo xã quyết tâm đóng cửa rừng, đóng kiên quyết chứ để dân tự vào chặt phá thì rồi không chỉ Quảng Lưu mất làng mà 10 xã xung quanh cũng không còn manh giáp chống chọi thiên tai. Vui là vì ông nhận được sự đồng thuận rất cao của tập thể.
"Nhưng đóng cửa rừng đột ngột cũng sốc cho bà con. Nhưng không làm thế thì chắc chắn không giữ được rừng. Phải làm ngay, làm gấp. Ban đầu, tôi tuyển những người suy nghĩ như tôi, cần bảo vệ những chỏm rừng còn lại để tái sinh dẻ. Công cán là vài ba tạ thóc khi tới mùa. Đội giữ rừng lúc đó 12 người. Bữa ăn khoai sắn độn cơm, bữa ăn cháo cầm hơi nhưng đầy nhiệt huyết bảo vệ rừng. Rừng lên là làng còn, rừng xanh là cả 10 xã chung vui" - ông Ngân kể.
Lúc Quảng Lưu mới đóng cửa rừng, người dân ta thán nói xã cấm rừng để biển thủ tài nguyên rừng, chỉ mình cán bộ hưởng lợi, không cho dân hưởng. "Dân lúc đó nặng lời cũng phải, vì cả xã có mấy ngàn hecta rừng thì phải giữ hết để tái sinh. Đất lúa và hoa màu chỉ hơn 500 ha mà phải nuôi 7.000 miệng ăn thì đói nên ai cũng kêu. Nhưng xã vẫn quyết đưa việc giữ rừng vào nghị quyết Đảng bộ. Quyết tâm từng tuần, từng tháng, rồi dân cũng ngày càng ít chửi bới dần vì họ thấy cán bộ xã không biển thủ rừng sau 5 năm đầu tiên kiên trì cấm cửa" - ông Ngân bộc bạch.
Chung tay giữ rừng
May rừng dẻ tái sinh tốt. Năm năm đầu tiên từ khi đóng cửa, dẻ lên ngang đầu người, 5 năm tiếp dẻ cho hạt trên hơn 2.000 ha. Lúc đó, xã cho dân vào rừng với điều kiện không được cầm dao rựa, chỉ được thu hoạch hạt dẻ, địa phương không thu bất cứ khoản phí nào.
Ông Cao Ngọc Lâm, một người dân sống cạnh rừng dẻ, kể: "Cả mấy năm xã cấm rừng, dân bức, đùng cái cho vô rừng lượm hạt mà không cho đưa dao rựa đi là khó chịu lắm nên chỉ bọn con nít đi thôi. Chúng lượm từng mũ dẻ về rang ăn thấy ngon, thế là các bà, các cô vào lượm về bán".
"Nhưng thành công nhất của 10 năm đầu tái sinh rừng dẻ là Quảng Lưu không còn hạn hán, lũ lụt không bị nước cuốn mạnh, mấy cái hồ chứa đầy ắp trong mùa nắng khiến người dân nức lòng chung tay giữ rừng. Ai cũng nghĩ rừng có công lao chống hạn hán, điều tiết mưa lũ nhưng lâu nay chỉ nghe đồn chứ chưa tận mắt thấy. Nay hưởng lợi thì càng ra sức bảo vệ" - ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu) cho biết.
Nhờ rừng xanh giữ nước, dân không còn lo hạn hán
Đội giữ rừng dẻ xã Quảng Lưu đã trải qua 3 thế hệ. Lớp đầu tiên nay còn ông Nguyễn Văn Hợp là người ở thôn Vân Tiền lên núi Chóp Chài từ những năm 80 của thế kỷ trước theo giao ước với ông Biền Ngân: "Lãnh đạo dặn nếu không bảo vệ rừng dẻ thì đời con cháu phải di cư nơi khác kiếm đất làm ruộng. Ở lại chịu cực khổ, đói khát bước đầu nhưng sẽ có kết quả mùa màng tốt tươi thì hũ gạo sẽ không vơi. Tôi nghe vậy mà tin rồi lội bộ 20 cây số đường rừng lên dựng lều trại, trồng sắn, trỉa bắp tăng gia thêm. Lúc đó xã trả bằng thóc, có năm trả đủ, có năm không nhưng cứ tin giữ được rừng thì dân trong xã khá hơn nên tôi ở giữa rừng để tránh người các xã khác vào chặt phá" - ông Hợp kể.
Đội giữ rừng có 12 người, phải luân phiên đi tuần tra 7 ngày/tuần. "Sáng sớm giao việc đồng áng cho vợ con, bọn tôi đi giữ rừng. Ranh giới đi là giáp ranh với 10 xã, đi cả tuần như vậy. Tai mắt cho chúng tôi là bọn trẻ chăn trâu. Hễ nơi nào có người vào chặt phá là phải chạy bộ thật nhanh để giữ rừng" - anh Phan Đình Hộ, thành viên đội giữ rừng, kể. Đội trưởng Phan Văn Tuấn nói: "Có thời gian trồng cây keo có thu hoạch cao, người các xã gần đó đổ về rừng dẻ phát đốt. Chúng tôi phải đuổi, nhiều bữa bị vây khốn đốn, bị dọa giết là chuyện thường".
Ông Hợp cũng kể: "Năm 2004, có nhóm người vào chặt rừng dẻ trồng keo. Chúng tôi chốt chặn thì bị đánh đập. Cuối cùng phải làm đơn kiện, cơ quan chức năng vào cuộc bắt 3 người, án treo mỗi người 18 tháng".
Tiền tỉ ở đó
Rừng dẻ Quảng Lưu đã thật sự thành vàng vì đã cho dân tiền tỉ.
Ông Nguyễn Văn Tư, một người dân ở xã Quảng Lưu, kể: "Mỗi mùa, mỗi người đi lượm được chừng 3 tạ hạt dẻ. Thương lái đến mua được cả chục triệu đồng, đó là vàng từ rừng mà ra. Bao nhiêu năm qua, hàng chục tỉ đồng được rừng dẻ cho dân, con em được học hành cũng từ đó, chi phí đau ốm bệnh tật cũng nhờ hạt dẻ. Xã cho giữ rừng thật đúng mục đích thương dân".
Còn anh Phan Văn Nam, người được xã Quảng Lưu giao quản lý 24 ha rừng dẻ, nói: "Mỗi mùa thu vài tạ hạt dẻ, bán cũng thu tiền triệu. Tôi còn nuôi mật ong, làm ruộng ở đất trống. Dưới chân núi thì dựng nhà kiên cố ở luôn nên rừng thành vàng với gia đình tôi là vậy".
Ông Biền Ngân bấm đốt ngón tay rồi báo: "Sản lượng hạt dẻ mà người dân trong xã thu được mỗi năm là hơn 150-200 tấn. Với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, toàn xã thu hơn 6 tỉ đồng. Đó là mới riêng người dân xã Quảng Lưu, còn dân của 10 xã khác cũng vào thu hoạch nữa, con số tăng lên rất nhiều. Tiền tỉ là ở đó, vàng của rừng là từ dẻ".
Vườn tược xung quanh rừng dẻ cũng ngày càng xanh tốt
Nhưng còn một thứ vàng rất quý khác ở Quảng Lưu và dân 10 xã lân cận, như các bô lão ở đây nói với chúng tôi, chính là hơn 2.000 ha rừng dẻ đã giúp hàng vạn dân vùng này chống được biến đổi khí hậu, tạo hành lang xanh phát triển kinh tế và an cư. Ông Hợp tấm tắc: "Mùa hè, xung quanh đây không còn cạn kiệt nguồn nước, mùa mưa lũ không vùi dập khủng khiếp như khi rừng chưa hồi sinh. Bên trong rừng thì động vật, chim chóc trở về càng thêm vui".
Ông Châu Đình Pha, ngụ xã Quảng Châu (cũng gần rừng dẻ), cho biết: "Rừng dẻ Quảng Lưu giúp các xã lân cận rất nhiều việc, làm cho người dân sống tốt hơn với môi trường, tôn trọng màu xanh của rừng. Rừng được sống thì làng xóm bền chặt, ruộng vườn trù mật, con người sung mãn, rừng xanh thì cho cái quý hơn vàng là bảo vệ dân trước lũ ống, lũ quét".
Ông Nguyễn Hiền, nhà ở sát rừng dẻ xã Quảng Lưu, kể: "Lúc đầu, bọn tôi chửi cán bộ xã dữ lắm. Chửi sao cấm cửa rừng không cho dân vào. Sau đó mới hiểu họ giữ rừng là đúng. Tôi thấy đội giữ rừng nhiều khi không có cái ăn mà vẫn giữ, giữ của chung nhưng họ thiệt thòi nhiều".
Thể hiện ý chí, quyết tâm
Bây giờ không chỉ bảo vệ rừng dẻ, người dân xã Quảng Lưu còn trồng dặm thêm mỗi năm 4 vạn cây giống các loại và truyền cảm hứng cho người dân các xã lân cận làm theo nên rừng ngày càng "nở bung". Ông Đậu Minh Ngọc, Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch, cho biết: "Nhân dân xã Quảng Lưu đã tạo được vàng mười với rừng dẻ hồi sinh, khó nơi nào có được. Đây là thể hiện ý chí quyết tâm, sự đoàn kết để bảo vệ môi trường trong sạch bền vững không chỉ cho hôm nay mà con cho các thế hệ mai sau".
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Bình luận (0)