xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rùng mình khi qua đường tránh

NHÓM PHÓNG VIÊN

Sau vụ xe rước dâu gặp nạn, 13 người tử vong, nhiều địa phương cho rằng các tuyến đường tránh Quốc lộ 1 chật hẹp, tiềm ẩn tai nạn giao thông

15 giờ ngày 31-7, không phải là giờ cao điểm nhưng trên tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, xe cứ chen chúc nhau. Đường hẹp, không có dải phân cách, các xe khách liên tục tấp vào hai bên đường đón trả khách nên khu vực này rất lộn xộn. Anh Nguyễn Hồng Ân, tài xế chạy xe khách đường dài của nhà xe Cúc Tư (tỉnh Phú Yên), cho biết: "Đi về cả ngàn cây số không lo mấy nhưng lại sợ tuyến tránh này".

Tài xế nào cũng sợ

Không chỉ tài xế Ân, rất nhiều tài xế khác cũng hết sức lo ngại khi đi qua các tuyến đường tránh Quốc lộ 1 hiện diện dọc chiều dài đất nước. Như tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP Vinh, tỉnh Nghệ An, dài khoảng 24 km, được xem là "cung đường chết". "Đường tránh TP Vinh nhỏ, mặt đường vào những hôm trời mưa rất trơn, mỗi lần điều khiển ôtô chở hàng qua đây đều rất lo" - anh Nguyễn Văn Hoàn, một tài xế xe tải thường xuyên đi qua tuyến này, nói.

Rùng mình khi qua đường tránh - Ảnh 1.

Tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP Vinh hẹp, không có dải phân cách, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông Ảnh: ĐỨC NGỌC

Ông Nguyễn Việt Phương, Chi Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ II.2 - Cục Quản lý đường bộ II (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT), cũng thừa nhận: "Mặt đường tránh TP Vinh hẹp, đường hai chiều nhưng lại không có dải phân cách cứng, trong khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, tốc độ cao nên rất dễ xảy ra tai nạn".

Cũng như vậy, tuyến đường tránh qua TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cũng không có dải phân cách, nhỏ hẹp và đang xuống cấp. Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, cho hay: "Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng đôn đốc sửa chữa một số điểm hư hỏng xuống cấp trên tuyến đường tránh TP Đồng Hới để bảo đảm an toàn giao thông, tránh những sự cố đáng tiếc như tỉnh Quảng Nam vừa rồi".

Nói về tuyến đường tránh Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) - nơi vừa xảy ra vụ tai nạn thảm khốc 13 người chết rạng sáng 30-7, ông Trần Bường, Chủ tịch UBND xã Điện Minh (thị xã Điện Bàn), bày tỏ: "Tuyến đường này rất chật, ban đêm rất nguy hiểm, dễ bị tai nạn lắm. Cách đây nửa tháng, 2 mẹ con đi về ban đêm cũng bị tai nạn chết, ngày hôm qua thì 13 người chết. Địa phương kiến nghị nên mở rộng ra".

Tại tỉnh Quảng Ngãi hiện có một tuyến đường tránh qua thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức, có chiều dài 8,2 km. Do tuyến đường hẹp, không có dải phân cách trong khi lưu lượng phương tiện quá đông nên thường xuyên xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, trên tuyến đường này đã xảy ra hơn 10 vụ.

Trong khi đó, tuyến tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được thiết kế theo hình vòng cung và cũng thường xuyên xảy ra tai nạn nghiêm trọng. "Tôi ít bao giờ đi vào tuyến tránh vì đường nhỏ mà xe nhiều. Tuyến này không có dải phân cách nên các xe vượt nhau dễ gây tai nạn. Theo tôi, tuyến tránh này chỉ cho xe lưu thông một chiều thì an toàn hơn do đường quá hẹp" - tài xế Nguyễn Anh Vũ (ngụ TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) kiến nghị.

Một cán bộ CSGT ở khu vực trên cũng nhìn nhận: "Từ khi có tuyến tránh, tai nạn tăng nhiều vì đường hẹp. Nhiều điểm giao nhau cũng không có tín hiệu đèn, các cây cầu không có đường ngang cho dân đi bộ nên rất nguy hiểm mỗi khi qua đường".

Mở rộng là việc cấp bách

Trung tá Võ Văn Thịnh, Trạm trưởng Trạm CSGT Tuy An (đơn vị quản lý toàn tuyến Quốc lộ 1 qua địa phận Phú Yên), cho biết Phú Yên có 2 tuyến tránh Quốc lộ 1 và đều không có dải phân cách. "Xe vượt, lấn làn ở những đoạn không có dải phân cách dễ gây tai nạn thảm khốc, vụ ở Quảng Nam là một ví dụ" - trung tá Thịnh nói.

Vậy thì vì sao không dựng dải phân cách giữa để hạn chế tai nạn trên những tuyến đường tránh? Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, cho rằng các tuyến đường tránh đều hẹp, chỉ có 2 làn đường ôtô, không thể dựng dải phân cách giữa vì như vậy thì mỗi bên chỉ còn 1 làn đường, xe chạy cùng chiều không thể vượt. "Muốn dựng dải phân cách giữa thì buộc phải mở rộng đường. Ít ra cũng phải bằng Quốc lộ 1 hiện nay. Tuy nhiên, như vậy thì tiền đâu mà làm" - ông Trí giải thích và cho biết thêm quy định trên đã được xác định từ năm 2012, khi triển khai đề án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1. "Lúc đó, tôi cũng ra Bộ GTVT đấu tranh để tuyến tránh qua TP Tuy Hòa phải được mở rộng và có dải phân cách giữa nhưng Bộ GTVT không đồng ý do kinh phí hạn hẹp" - ông Trí nói.

Ông Nguyễn Hồng Vân, Phó Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cho biết ngay sau vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam, trong sáng 31-7, ông đã đề nghị xếp lịch để mời các sở, ngành liên quan ở tỉnh này khảo sát lại các tuyến tránh qua địa phận tỉnh Phú Yên để từ đó có kiến nghị đến Chính phủ và trình Quốc hội nhằm có hướng cải tạo phù hợp, tránh những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra.

Trước đó, ngày 30-7, sau tai nạn thảm khốc ở tuyến tránh Vĩnh Điện, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đến hiện trường kiểm tra và cho biết sắp tới, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thông xe sẽ san sẻ bớt phương tiện qua tuyến tránh này, việc có mở rộng đường hay không sẽ bàn lại. Nói về thông tin này, ông Trần Bường nêu ý kiến: "Dù có đường cao tốc thì tuyến đường này vẫn rất đông xe bởi người dân di chuyển bằng ôtô, xe máy qua lại rất nhiều. Nếu cứ để đường chật hẹp như thế này chắc chắn sẽ còn xảy ra thảm họa. Việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường này là hết sức cấp bách".

Tai nạn do người, không phải do đường

Tuy nhiên, chiều 31-7, trao đổi với Báo Người Lao Động về tình trạng nhiều tuyến tránh không có dải phân cách, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thừa nhận riêng địa điểm xảy ra vụ tai nạn tại Quảng Nam, tuyến đường chỉ có 2 làn xe với chiều rộng mặt đường chỉ có 10,5 m, vì vậy không thể lắp dải phân cách cứng.

Với nhiều tuyến tránh khác trên Quốc lộ 1, ông Hùng cho biết theo quy định của dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, những đoạn có đường cao tốc chạy song song thì sẽ không mở rộng tuyến tránh nữa. "Ngoài ra, với quy mô 4 làn xe, nếu tuyến chính có 2 làn xe rồi thì tuyến tránh cũng sẽ làm 2 làn. Đây là chủ trương chung" - ông Hùng lý giải.

Trả lời về việc quy định như vậy sao các địa phương vẫn đề xuất xin mở rộng tuyến tránh, ông Khuất Việt Hùng nhận xét: "Địa phương bao giờ chẳng muốn làm đường thật to. Còn thực tế, lưu lượng tuyến tránh ở Quảng Nam còn rất thoáng, trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 7.000 phương tiện qua lại. Lúc xảy ra tai nạn thảm khốc là đường rất vắng, xe qua lại rất ít".

Còn ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết tuyến tránh Quảng Nam cũng như nhiều tuyến tránh khác không lắp dải phân cách cứng là do theo quy định mặt đường phải rộng từ 16,5 m trở lên mới được lắp. "Tai nạn xảy ra không phải do lưu lượng xe đông mà phần lớn là do nguyên nhân chủ quan" - ông Huyện nói. 

Không dải phân cách, thành tuyến "tử thần"

Không phải là tuyến tránh nhưng Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, dài khoảng 50 km, cũng mệnh danh là đoạn đường "tử thần" mà nguyên do cũng là không có dải phân cách. Cách đây hơn 2 năm, 2 xe khách đối đầu trên đoạn đường này khiến 12 người chết, 40 người bị thương nặng. Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, từ tháng 12-2016 đến giữa tháng 5-2017, trên đoạn đường "tử thần" đã xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông làm chết 18 người. Sau khi xảy ra các vụ tai nạn trên, dải phân cách khoảng 19,6 km đã được lắp đặt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam cho biết vừa chỉ đạo Sở GTVT tham mưu để tỉnh có cơ sở tiếp tục kiến nghị lắp đặt dải phân cách và mở rộng Quốc lộ 1 qua huyện Thuận Nam. "Nếu chưa thể lắp dải phân cách tất cả 50 km đường thì ít nhất 13,3 km còn lại để tránh mối nguy tai nạn giao thông" - ông Nam nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo