Những cánh rừng bị phá này nằm gần những con đường để tuần tra bảo vệ và cách đó còn có cả trạm bảo vệ rừng. Chuyện khó tin như thế mà vẫn tái diễn và đây không phải cá biệt.
Vụ phá rừng nói trên khá nghiêm trọng - bởi Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng từ lâu - nhưng nó lọt thỏm giữa bao vụ phá rừng đang diễn ra hằng ngày, từ bao năm qua, ở khắp nơi. Thủ phạm phá rừng cũng được chỉ ra, có tay lâm tặc máu mặt mua đường, mua kiểm lâm và cả cán bộ quản lý như Phượng "râu" ở tỉnh Đắk Nông. Trong vụ khác cũng ở tỉnh này, truy rõ hơn, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông phát hiện một chủ tịch xã nhận 350 triệu đồng để cho phép người khác phá rừng thông. "Lâm tặc" như chủ tịch xã này quả là "tay nghề" cao, không cần bước vào rừng mà vẫn rủng rỉnh tiền.
Đáng ngại hơn, chính những người được giao bảo vệ rừng như kiểm lâm lại tiếp tay lâm tặc như rất nhiều vụ phá rừng ở Quảng Nam đã được phát hiện. Phá như thế thì rừng nào mà còn! Bằng chứng là chỉ trong chục năm qua, chúng ta mất cả triệu hecta rừng, trong khi trồng lại chẳng được bao nhiêu. Mà rừng trồng rồi cũng bị phá tiếp.
Phá rừng lấy gỗ đã ghê gớm, phá rừng lấy đất còn ghê gớm hơn. Phá rừng thì đất còn, nhen nhóm hy vọng có cơ may cho cây cối mọc lên, như chặt cây bán gỗ xong lấy đất làm dự án thì rừng này vĩnh viễn bị xóa sổ. Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Bình... có bao cánh rừng phòng hộ ven biển nay đã bị "thịt" chỉ với một quyết định của lãnh đạo địa phương giao rừng phòng hộ cho doanh nghiệp. Lâm tặc mà thấy những cánh rừng này thì chỉ có bái các đại gia là sư phụ!
Cây ở giữa rừng còn không sống nổi huống gì cây ở thành thị, ở nông thôn. Huyện Sóc Sơn (Hà Nội), địa danh nổi tiếng bởi nơi đây trùng trùng biệt phủ, biệt thự, nhà nghỉ của những người nổi tiếng. Người nổi tiếng đến thì cây cũng đội nón ra đi. Những vùng đồi ven các hồ lạch phủ kín cây cối, vậy nhưng sau một thời gian thì trang trại, nhà nghỉ mọc lên lấn át tất cả. Sai rành rành nhưng xử lý thì chưa biết đến khi nào. Rừng gặp lâm tặc đã sợ, gặp người nổi tiếng muốn phá sơn lâm xây biệt phủ thì càng bi kịch hơn.
Còn ở các thành thị, may mắn còn vài khu rừng nho nhỏ ở các công viên được bảo tồn cả trăm năm nhưng nay cũng nơm nớp lo sợ. Nay đại gia này đến ngắm nghía đòi làm khu thương mại, mai đến ông to bà lớn khác muốn quy hoạch thành bãi xe... Đáng lo hơn, có lãnh đạo địa phương nảy ra ý tưởng phá công viên với rừng cây cổ thụ dùng bảo tồn gien để làm... công viên! Tất nhiên công viên này sẽ dành một phần quỹ đất để xây... khu địa ốc.
Mà ăn của rừng thì rưng rưng nước mắt, như chúng ta đã thấy...
Bình luận (0)