Ngày 22-6, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên.
Rừng rỗng ruột
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2019, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là gần 2,6 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỉ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt 45,92%. Đáng chú ý, diện tích rừng tự nhiên của Tây Nguyên năm 2019 giảm đến gần 16.000 ha so với năm 2018. Trong đó, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích rừng giảm nhiều nhất, khoảng hơn 11.000 ha.
Trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, khu vực Tây Nguyên đã phát hiện 4.863 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Đã xử lý 4.433 vụ vi phạm, trong đó xử phạt hành chính 4.119 vụ, xử lý hình sự 314 vụ, tịch thu 9.898 m3 gỗ các loại. Phần lớn các vụ là phá rừng làm nương rẫy, khai thác mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Toàn vùng xảy ra 9 vụ chống người thi hành công vụ làm 4 người bị thương và thiệt hại tài sản.
Hàng vạn hecta rừng Tây Nguyên đã bị xóa sổ trong 1 năm
Ông Phạm Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Văn phòng Chính phủ, cho biết tại Kết luận số 12 của Bộ Chính trị năm 2011, chỉ tiêu đặt ra năm 2015 độ che phủ rừng Tây Nguyên là 58%, năm 2020 là 59%. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, Tây Nguyên đã mất 462.000 ha, độ che phủ rừng Tây Nguyên giảm 5,98% và rừng vẫn tiếp tục bị phá. Bên cạnh đó, chất lượng rừng tự nhiên ngày càng suy giảm nghiêm trọng.
Còn theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trong nhiều năm qua đã khiến diện tích và trữ lượng rừng Tây Nguyên suy giảm nghiêm trọng. Diện tích rừng Tây Nguyên đang ở mức không thể để thấp hơn được nữa, chỉ còn chưa đầy 46% độ che phủ. Đáng nói, trên 70% diện tích là rừng nghèo kiệt; rừng trung bình và rừng giàu còn lại rất ít, tập trung ở các khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn. "Tây Nguyên phải bảo vệ được diện tích rừng hiện có. Đối với diện tích phát triển lâm nghiệp, dứt khoát phải trồng rừng và trồng rừng thâm canh" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Mặc dù rừng Tây Nguyên đã đến ngưỡng không thể để mất thêm nhưng thực tế các tỉnh vẫn đề xuất chuyển đổi hàng ngàn hecta rừng. Trả lời câu hỏi của phóng viên liệu có phải các tỉnh đang đánh đổi rừng lấy lợi ích kinh tế, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết vừa qua các tỉnh Tây Nguyên đề nghị Chính phủ cho chuyển mục đích trên 3.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó có cả rừng tự nhiên. Hiện nay vẫn phải chuyển một phần đất lâm nghiệp cho các công trình phục vụ quốc phòng an ninh, những dự án phát triển kinh tế cấp thiết.
"Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giám sát chặt chẽ và mới phê duyệt khoảng 1/10 số diện tích này. Chúng tôi khẳng định các bộ, ngành và địa phương đã rà soát rất cụ thể. Không phải Tây Nguyên không thực hiện chỉ đạo của Chính phủ mà đang ngày càng thực hiện nghiêm túc hơn chỉ đạo của trung ương và Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn giải thích.
Hết cảnh "cha chung không ai khóc"?
Tại hội nghị, ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho rằng rừng Tây Nguyên còn là vấn đề văn hóa, sinh kế và bản sắc đại ngàn. Việc bảo vệ và phát triển rừng hết sức quan trọng nên phải xây dựng lực lượng kiểm lâm ngày càng vững mạnh. Tăng cường nguồn lực, đặc biệt là trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ để rừng tự nhiên ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng nên xem xét kiến nghị Chính phủ, Bộ Quốc phòng có phương tiện, thiết bị bay để sử dụng vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời xử lý những đối tượng phá rừng.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng cho biết vừa qua đã chỉ đạo phải xây dựng quy định để có chế tài cụ thể với chủ rừng, cấp ủy chính quyền địa phương liên quan đến việc để mất rừng. Theo ông Cường, phải quy định cụ thể để mất mấy hecta rừng thì xử lý hình thức gì, từ khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ Đảng đến xử lý hình sự. "Được biết Đắk Nông đã có quy chế này từ năm 2016 và chúng tôi đã chỉ đạo sang học tập kinh nghiệm. Tỉnh cũng đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp về thẩm quyền ban hành quy định này và đang đợi cơ quan trung ương cho ý kiến" - ông Cường thông tin.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết để bảo vệ được rừng thì cần xác định rõ trách nhiệm không chỉ chủ rừng mà các cấp quản lý. Bộ NN-PTNT đồng tình quan điểm với Đắk Lắk và rất mong 3 tỉnh còn lại của khu vực Tây Nguyên thực hiện để nâng cao trách nhiệm, xác định rõ trách nhiệm. "Chủ thể rừng thì theo luật hiện hành, còn chính quyền địa phương, cấp ủy địa phương cũng phải có trách nhiệm rõ ràng mới giữ được rừng" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Tăng độ che phủ rừng Tây Nguyên
Thứ trưởng Hà Công Tuấn đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên như phải đánh giá được thực trạng, nguyên nhân, thống nhất hành động từ cơ sở và sự hỗ trợ các cơ chế, chính sách của trung ương. Tăng mức khoán bảo vệ rừng vì mức bình quân 200.000 đồng/ha như hiện nay là quá thấp. Mở rộng dịch vụ môi trường rừng, coi đây là nguồn thu bền vững, phục vụ tái đầu tư, nâng cao đời sống của người dân tham gia bảo vệ rừng. Nâng cao chế tài xử lý để trừng trị thích đáng hành vi phá rừng, thiếu trách nhiệm, thậm chí tiếp tay cho phá rừng.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết lãnh đạo các tỉnh vừa đề nghị bổ sung những cây như bơ, mắc ca cho phép trồng trên đất lâm nghiệp để bảo đảm nguyên tắc về kinh tế và giá trị môi trường. Giữ được môi trường là mục tiêu nhưng phải ổn định được đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo, ổn định dân di cư tự do. "Môi trường, phòng hộ là dĩ bất biến nhưng chúng ta phải tái cơ cấu, tính toán hiệu quả xã hội đấy là ứng vạn biến. Phải đưa độ che phủ rừng Tây Nguyên lên 49%-50% hoặc cao hơn" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn kỳ vọng.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tổng hợp các ý kiến của các đại biểu để xem xét, nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Để quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, bộ trưởng yêu cầu các tỉnh khu vực Tây Nguyên phải ổn định tình trạng dân di cư tự do; xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng, đơn vị quản lý các cấp; rà soát, điều chỉnh các loại rừng để có giải pháp bảo vệ phát triển rừng hiệu quả...
Một cơn bão xóa sổ 7.000 ha rừng ở Đắk Lắk (!?)
Tại hội nghị, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đã cung cấp một số liệu gây sốc là một cơn bão đã làm thiệt hại 7.000 ha rừng tự nhiên.
Cụ thể, ông Y Giang Gry Niê Knơng cho biết giai đoạn từ năm 2015 đến 2018, diện tích rừng Đắk Lắk giảm hơn 10.000 ha. Năm 2019, diện tích rừng tự nhiên giảm 464 ha. Ông Y Giang Gry Niê Knơng chỉ ra một số nguyên nhân suy giảm rừng như một số diện tích có thể biến động trước năm 2014 nhưng trong quá trình điều tra, kiểm kê chưa được phát hiện. Nguyên nhân thứ 2 là một số diện tích rừng bị phá nhưng do chủ rừng không phát hiện, không đưa vào hồ sơ xử lý hoặc che giấu để tránh trách nhiệm trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, không thể kiểm soát hết rừng. "Nguyên nhân thứ 3 là do cơn bão số 12 năm 2017, theo cập nhật thì diện tích rừng giảm rất mạnh. Đặc biệt là các huyện như M’Đrắk, Ea Kar, Krông Bông thiệt hại trên 7.000 ha, chiếm khoảng 68% tổng diện tích rừng giảm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk" - ông Y Giang Gry Niê Knơng nói.
Bình luận (0)