Chiều muộn một ngày cuối năm. Màn đêm buông xuống nhanh hơn thường lệ. Có lẽ vì tôi đã quá nôn nóng chờ gặp ông Năm - lão ngư thâm niên gần 20 năm ở khu rừng ngập mặn Phú Hài (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
Thu hút ngư dân ngày càng đông
Men theo con đường đất duy nhất để vào khu rừng, ông Năm dựng chiếc xe máy cà tàng vào góc khuất rồi nhanh chóng lao mình xuống nước, lội ra thúng.
"Mùa này nước lên nhanh, nhưng cũng xuống nhanh. Phải tranh thủ lúc nước lên cao nhất để thả rập, chậm là sẽ không kịp". Vừa nói, ông Năm vừa khua thúng lách qua các tán đước già, thả nhanh gần trăm chiếc bẫy rập 12 chủ ngục xuống dòng rạch.
Khu rừng nhiều gốc cây nhấp nhô nên theo lão ngư này, muốn bắt được tôm cá thì chỉ có sử dụng bẫy rập là phù hợp nhất. "Nghề này phải sống theo con nước. Hễ nước dâng thì mình vào rừng, nước rút thì thu lưới ngay" - ông Năm nói.
Bẫy rập thả xong, ông Năm cứ để đó. Tầm nửa đêm, khi nước bắt đầu rút thì ông bơi thúng vào dọn rập. Cá, tôm, cua biển… con nào cũng vào được hết. Nhưng mùa này thì tôm đất bằng cỡ đầu đũa nhiều lắm. Mỗi đêm đánh rập về bán được vài ba trăm ngàn là bình thường" - ông Năm vừa đẩy chiếc thúng chai cho tôi vào bờ vừa không quên chia sẻ về nghề rập của mình.
Ngư dân TP Phan Thiết bủa lưới, quăng chài bên trong cánh rừng ngập mặn Phú Hài Ảnh: HỢP PHỐ
Khu rừng ngập mặn Phú Hài rộng hơn 32 ha, nằm giữa 3 phường Phú Thủy, Phú Hài, Thanh Hải của TP Phan Thiết. Ngày xưa, đây là nơi canh tác ruộng muối, đìa tôm của dân địa phương. Từ sau khi bỏ hoang vào năm 2003 đến nay, bất ngờ quần thể rừng ngập mặn xuất hiện và xanh tốt dần, thu hút hệ sinh thái phong phú, đa dạng về đây sinh sôi. Nhánh sông Cầu Ké bao quanh khu rừng thành hình vòng cung. Bên trong rừng là hàng trăm chim, cò… trú ngụ dưới các tán cây đước, tràm, sú cao 3-4 m.
Bên dưới khu rừng ngập mặn, ngư dân bám vào đây để mưu sinh. Trên cạn, một số loài khỉ, sóc cũng kéo về. Gần đây, khi nghe khu rừng này được tỉnh giữ lại theo hướng chỉnh trang, cải tạo thay vì san lấp làm đô thị, người dân ai nấy đều vui.
Tranh thủ nước triều tại cửa biển Phú Hài vừa đủ cạn, anh Phạm Văn Tý (ngụ phường Thanh Hải, TP Phan Thiết) mang bộ đồ nghề gồm tấm lưới tự chế và một chồng thau nhựa lao nhanh mình xuống đoạn đầu khu rừng ngập mặn.
Chưa đến 30 phút sau, dãy thau gần 10 chiếc được kết nối với nhau thành một hàng dài đã lấp đầy bởi những đàn ốc đinh nhúc nhích. Với thành quả gần 5 bao ốc, loại 50 kg/bao, sau nửa buổi dầm mình dưới nước, anh Tý đã có khoản thu nhập hơn 400.000 đồng.
Ngư dân TP Phan Thiết bủa lưới, quăng chài bên trong cánh rừng ngập mặn Phú Hài Ảnh: HỢP PHỐ
"Trước đây, mình cũng khá buồn khi nghe khu rừng này có thể bị xóa sổ để làm khu dân cư gì đó. Không chỉ vì mình mất công việc, mà quan trọng là thành phố sẽ mất khu rừng ngập mặn độc đáo, có nhiều sinh vật trú ngụ" - anh Tý bộc bạch.
Trước đây, anh Tý cùng gia đình làm nghề nuôi tôm bên trong rừng ngập mặn. Do thực hiện quy hoạch khu dân cư Hùng Vương - Phan Thiết nên gia đình anh không còn đủ diện tích đất để làm. Mấy năm qua, anh chuyển sang nghề cào ốc đinh bán cho các thương lái dùng làm thức ăn nuôi tôm hùm.
Nghề cào ốc đinh tại rừng ngập mặn Phú Hài hiện thu hút ngày càng đông ngư dân tham gia nhờ thu nhập khá, không tốn nhiều thời gian. Họ thường canh nước triều rút ngang thắt lưng là có thể khai thác được 2-3 giờ mỗi ngày. Mặc dù thời gian khai thác chỉ vài giờ mỗi ngày nhưng nếu có sức khỏe, mỗi người có thể cào được hơn chục bao ốc, đem lại thu nhập từ vài trăm ngàn đến tiền triệu.
Các bao ốc sau đó được thương lái thu mua tập trung rồi bán lại cho các chủ bè ở Khánh Hòa, Phú Yên…
Quần thể cảnh quan song hành
Theo phê duyệt của UBND tỉnh Bình Thuận tại Quyết định 1616/QĐ-UBND ngày 13-7-2020, toàn bộ khu đất rừng ngập mặn này sẽ được chia làm 2 khu vực: Xây dựng khu dân cư (gần 10 ha) và khu công viên (hơn 22 ha). Trong đó, nhà nước sẽ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với gần 10 ha khu vực xây dựng khu dân cư để tái đầu tư thực hiện khu vực công viên.
Nếu triển khai phương án này thì khu rừng ngập mặn sẽ bị xóa sổ. Tuy nhiên, trong chuyến khảo sát vào tháng 4-2021, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho rằng cần nghiên cứu lại phương án xây dựng khu đô thị mới kết hợp công viên tại đây.
Rừng ngập mặn Phú Hài tuyệt đẹp với góc nhìn bao quát từ trên cao Ảnh: ĐÌNH AN
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, người đứng đầu Tỉnh ủy Bình Thuận nhận định việc thực hiện quy hoạch khu dân cư tại đây sẽ khiến TP Phan Thiết mất đi một khu rừng ngập mặn tái sinh hiếm hoi, lớn nhất còn sót lại ở địa phương này. Trong khi đó, phương án giữ lại khu rừng theo hướng tái tạo, chỉnh trang hai bên bờ sông sẽ tạo ra một khu sinh thái đẹp giữa lòng TP Phan Thiết, ngay bên tuyến đường chính đi ra Khu Du lịch quốc gia Mũi Né. Phương án này cũng sẽ giúp TP Phan Thiết có thêm một khu công viên tự nhiên - du lịch sinh thái cộng đồng làm nơi giáo dục cho học sinh, sinh viên, người dân về ý thức bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên…
Theo ông Dương Văn An, trong bối cảnh nguồn lực của Bình Thuận còn hạn chế nên cần phải có kế hoạch đấu giá quỹ đất để đầu tư hạ tầng. Riêng trường hợp khu rừng ngập mặn quý giá tại TP Phan Thiết cần được giữ lại, chọn phương án đấu giá đất ở những khu vực khác.
"Việc có khu rừng ngập mặn giữa lòng thành phố là hiếm hoi, cần thiết nên giữ lại để tạo không gian xanh cho thành phố. Đây cũng là mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, lấy con người làm trung tâm được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Còn việc nếu không đấu giá một phần khu đất sẽ khó khăn về ngân sách tỉnh thì có thể lựa chọn những khu vực đất khác để đấu giá, dùng kinh phí tái đầu tư lại khu vực này" - ông An nói.
Trên cơ sở ý tưởng của người đứng đầu Tỉnh ủy Bình Thuận, dự án công viên sinh thái rừng ngập mặn Phú Hài đã được khởi động, với sự tham gia thiết kế của các kiến trúc sư Công ty Infinitive Architecture (TP HCM) và các kỹ sư, kiến trúc sư của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Thuận. Theo đó, dự án sẽ cơ bản giữ lại hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn hiện có, cải thiện dòng chảy bằng việc mở thông các bờ mương bên trong khu rừng. Dự án cũng gia tăng các điểm đấu nối khu vực vành đai, chống sạt lở cho các điểm xung yếu.
Theo phác họa, khi xây dựng hoàn thiện, dự án công viên sinh thái rừng ngập mặn Phú Hài sẽ có nhà lưu niệm/điều hành, bãi cắm trại, tháp ngoạn cảnh, nhà hàng, cầu tàu, nhà huấn luyện thuyền kayak... với nhiều đường liên thông nhau, đủ cho nhu cầu dạo bộ, xe đạp, cứu hộ tức thời, kết hợp với đường bộ cơ giới ở vành đai dọc theo kè bao.
Dự án còn thiết kế một tháp ngoạn cảnh với chức năng như nhà trung tâm, sân khấu đa năng. Bên trong công viên là khu dịch vụ - văn hóa - công cộng, gồm một bảo tàng văn hóa, công trình thương mại dịch vụ và trục phố đi bộ.
Theo các kiến trúc sư của Công ty Infinitive Architecture, dự án công viên sinh thái rừng ngập mặn Phú Hài sẽ là quần thể cảnh quan song hành, thủy bộ cài răng lược, có hình thái mê cung tự nhiên, phù hợp cho hình thức du lịch trải nghiệm khám phá dưới nước và trên cạn.
Được vinh danh tại giải thưởng về kiến trúc
Dự án Công viên sinh thái rừng ngập mặn Phú Hài - Phan Thiết là 1 trong 11 công trình Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng kiến trúc Architecture MasterPrize (AMP) 2021. Đây là giải thưởng trong lĩnh vực kiến trúc, thành lập bởi Farmani Group (Mỹ) là đơn vị chuyên tổ chức các giải thưởng về nhiếp ảnh, thiết kế và kiến trúc trên thế giới, với hàng ngàn dự án tham gia từ 65 nước. Giải thưởng nhằm tôn vinh những cá nhân, đội ngũ vượt qua các ranh giới để thiết lập nên tiêu chuẩn mới, truyền cảm hứng phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh, thiết kế và kiến trúc trên thế giới.
Bình luận (0)