Nơi này, quãng đâu đó hai chục năm hoặc hơn chút đổ về, địa danh còn cấp xã. Có người đối ẩm kể rằng, khi ấy một chỉ vàng mua được vài mét đất ở đây.
Mặt trước là phố xá. Hàng tạp hóa, quán cơm bụi, xưởng cơ khí, tiệm cà phê, bãi buôn vật liệu xây dựng... đủ cả. Như một nhu cầu tự thân của sự lan dần đô thị hóa nhưng vẫn là dành cho tầng lớp lao động, lớp thị dân tăng cơ học theo các miền quê đổ về.
Sẽ chả mấy nữa, mảng xanh cánh ruộng của tầm mắt tôi cũng sẽ biến mất. Điều này làm tôi nhớ những năm đầu thập kỷ 90, khi làm bài tập vẽ dã ngoại, tôi chọn được một góc rất ưng để vẽ cổng chùa Láng.
Những thửa ruộng rau làng Láng, chỗ tôi tha hồ dịch chuyển để tìm góc vẽ, đã thành nhà phố. Cánh cổng chùa với bốn hàng cột trong thênh rộng không gian xưa, nay đã bó hẹp đến tù túng chật chội.
Ngày bé, tôi thường đi qua cổng chùa này sang đường Láng, nơi các xe dưa hấu từ miền Nam ra hay tập kết để xin mót quả dập. Cứ đập ra ăn tại chỗ rồi đứng xem trẻ con làng Yên Hòa xuống tắm dưới dòng Tô Lịch, hoặc xem người ta thả vó bè.
Dẫu vẫn biết thương hải tang điền, vẫn biết sự phát triển có giá của nó nhưn g cũng chỉ biết thở dài với những lộn xộn ngổn ngang của đô thị hiện tại. Một dạng đô thị nén. Chật căng những không gian sống. Chen lách từng mười centimet vuông. Đôi khi chỉ thở thôi cũng cảm thấy khó khăn nặng nhọc khi nhìn đâu cũng thấy nhà, mơ hoang một khoảng vườn trong lòng phố.
Tôi vẽ một căn nhà trong ngách phố, chợt nghe một thương quen đến gần gụi khi chào hỏi: "Ôi lâu không thấy cô về làng...". Một ngỡ ngàng của sát na thoáng chốc rồi ùa lại cái từ "làng" thương ấm. Chỉ có dân gốc mới gọi nơi mình sinh ra là làng, dù giờ là giữa lòng phố của quận nội thành cũ.
Cũng giống như chỉ có dân phố thay vì nói đi ăn sáng, thì gọi là ăn quà. Ăn quà sáng. Một cách nói sang cả của dân người Kẻ Chợ. Giàu thì có thể nhanh nhưng sang thì lẽ còn lâu lắm mới học được.
Khoáng đạt, tự do và cảm nhận sự mênh mang, cũng đồng thời thấy bản thể hòa nhập trong đó, là một phần trong đó, một môi trường không bí bức, không tù chật, thấy những mát xanh, thấy những cao lộng, thấy những thư thái của một trật tự ngăn nắp, có lẽ chúng ta ai ai cũng muốn hướng tới.
Vẻ lựng lờ của dòng chảy chầm chậm mát xanh, hắt bóng những tàng cây rợp tỏa bên lề phố, đô thị cứ vươn đón tầm cao nhưng trả lại những khoảng xanh thoáng đãng, sự phát triển ấy mới có thể là bền vững. Một ngày đứng trông, nhưng niềm mơ về khoảnh ruộng trong lòng phố, cứ mãi như một nỗi ám ảnh.
Bình luận (0)