Tại phiên chất vấn sáng 5-12 của kỳ họp HĐND TP HCM cuối năm 2018, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi gửi đến Giám đốc Sở Y tế TP về phòng khám liên quan đến người Trung Quốc (gọi tắt là phòng khám Trung Quốc- PKTQ). Điển hành là vừa qua, báo Người Lao Động có loạt bài về PK đa khoa Trung Trực trên đường Nguyễn Văn Luông (quận 6) trong đó nêu PK này sử dụng người tư vấn bệnh nhân không phải là bác sĩ mà là sinh viên các trường đại học, gạ gẫm phá thai dù thai đã lớn.
ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi về trách nhiệm của Sở Y tế khi để phòng khám liên quan đến người Trung Quốc "lộng hành"
"Vì sao các PK này tiếp tục hoạt động bát nháo, quảng cáo công khai, lộng hành, gạt gẫm bệnh nhân nhưng không bị xử lý triệt để? Trách nhiệm chính trong quản lý các PK này, nhất là khi PK xảy ra sai phạm, thuộc về ai? Thời gian qua Sở Y tế đã thực hiện những giải pháp gì để quản lý PKTQ? Hiệu quả ra sao? Còn những bất cập gì? Sắp tới công tác kiểm tra của Sở Y tế sẽ thay đổi như thế nào để chấn chỉnh một cách hiệu quả hoạt động của các PK này?”– ĐB Tố Trâm đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, thông tin hiện nay trên địa bàn TP, có 94 cơ sở PK có yếu tố nước ngoài, trong đó có có 12 phòng khám Trung Quốc. Ông Bỉnh nhận định hoạt động của các PK này là rất tốt, phù hợp cho những người có thu nhập cao trong xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế cho TP.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng cần phải tăng khung hình phạt đối với một số vi phạm của các phòng khám
Về các sai phạm của PK có yếu tố nước ngoài thì phần lớn tập trung vào các PK có liên quan đến người Trung Quốc và gây nhiều bức xúc, không chỉ cho người dân mà còn cho các cấp quản lý. Ông Bỉnh cho biết sở này đã có những biện pháp xử lý quyết liệt, mà cụ thể đã 24 lần kiểm tra các PK bị tố giác hoặc có dấu hiệu sai phạm. Những sai phạm chủ yếu là về nhân lực (bác sĩ Việt Nam đứng tên nhưng do bác sĩ Trung Quốc hành nghề), phát sinh thêm những danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh so với đăng ký trước đó, không có hồ sơ bệnh án… Trong năm 2018, Thanh tra Sở Y tế đã đình chỉ 3 cơ sở, phạt 39 trường hợp với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng.
Phòng làm việc của nhân viên tư vấn "dụ dỗ" người bệnh cho phòng khám có liên quan đến người Trung Quốc trên đường Nguyễn Văn Luông (quận 6) Ảnh: Ý Linh
Theo ông Bỉnh, trong năm 2018 đã họp các đơn vị liên quan, đề ra mức xử lý mức cao nhất đó là có thể rút giấy phép hành nghề của bác sĩ Việt Nam nếu tiếp tay cho PKTQ, thậm chí đóng cửa PK. Ngoài ra, Sở sẽ đề xuất Bộ Y tế sửa lại nghị định để quản lý tốt PKTQ; kết hợp Sở TTTT, an ninh mạng để giám sát việc quarng cáo trên online lừa người bệnh, đánh giá chất lượng PK và đưa công khai lên mạng...
Làm giả kết quả siêu âm
Giám đốc Sở Y tế TP HCM cũng thông tin vừa qua, qua thanh tra, Sở Y tế phát hiện có PKTQ làm giả kết quả siêu âm, chụp phim. Người bệnh không có khối u mà bản phim, siêu âm thì có. Sở y tế phải nhờ chuyên gia Bệnh viện Nhân dân Gia Định đi cùng mới phát hiện.
Bình luận (0)