Văn phòng UBND TP HCM vừa có thông báo truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính TP HCM quý III/2023.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu
Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát tiến độ thực hiện nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch cải cách hành chính năm 2024. Trong đó, Văn phòng UBND TP HCM chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu các điểm nghẽn trong cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; báo cáo, trình UBND TP HCM chậm nhất ngày 10-11.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu rà soát quy trình nội bộ, giảm bớt khâu trung gian, chuyên nghiệp hóa; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức cần phải được cải tiến theo hướng xác định cụ thể đối tượng lấy ý kiến, nội dung lấy ý kiến, nội dung trả lời, thời gian trả lời, mẫu hóa văn bản trả lời trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chữ ký số.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi yêu cầu công khai danh sách cán bộ, công chức, viên chức xử lý hồ sơ chậm; nghiêm túc thực hiện việc xin lỗi khi giải quyết hồ sơ trễ hạn theo quy định.
Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu; từng cán bộ, công chức, viên chức gắn với nhiệm vụ được phân công. Tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng, không để tồn đọng hồ sơ mới, tìm nguyên nhân, giải pháp, giao nhiệm vụ cho từng chuyên viên phụ trách.
Ngoài ra, thực hiện các giải pháp cải thiện những điểm yếu, điểm trừ về Chỉ số cải cách hành chính của TP HCM. Sở Nội vụ khẩn trương tham mưu cho UBND TP HCM triển khai thực hiện Nghị định 73/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Chủ động tiếp dân, sẵn sàng xin lỗi
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Huy Thắng, Chánh Văn phòng UBND quận 6, cho hay UBND TP HCM đánh giá khá cao kết quả cải cách hành chính của quận trong 9 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, quận 6 cơ bản hoàn thành chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của năm với tiến độ về đích trước một quý. Trong đó, quận 6 đã chủ động triển khai áp dụng chữ ký số trong hệ thống ở cấp quận, phường và dự kiến ngày 15-11 sẽ áp dụng đồng bộ trên toàn địa bàn. "Song song đó, quận 6 đang đầu tư bộ phận một cửa theo nền hành chính hiện đại với mong muốn phục vụ người dân, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tốt hơn" - ông Nguyễn Huy Thắng cho hay.
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCMẢnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Thắng thông tin trong thời gian qua, quận 6 có rất ít hồ sơ, thủ tục hành chính bị chậm giải quyết theo quy định. Thời gian tới, bên cạnh phát huy kết quả đạt được, quận sẽ triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Đối với hồ sơ chậm xử lý, quận sẽ có thư xin lỗi và tiếp tục tập trung giải quyết dứt điểm. Trường hợp hồ sơ còn vướng, gặp khó khăn, Thường trực UBND quận 6 sẽ chủ động cùng các phòng, ban, phường tìm cách tháo gỡ.
Đáng chú ý, nếu phát hiện hồ sơ chậm, chưa thống nhất, chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND quận 6 sẽ chủ động mời người dân lên để lắng nghe, đi thực tế, kiểm tra và chỉ đạo xử lý dứt điểm, giải quyết khó khăn vướng mắc.
Theo ông Nguyễn Đông Tùng, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, địa phương luôn ủng hộ và quan tâm thực hiện chủ trương, giải pháp về cải cách hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. TP HCM hiện có nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh về giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức, song điều quan trọng là sự lắng nghe, điều chỉnh cách thức làm cho phù hợp.
"Giải quyết hồ sơ trễ hạn thì phải xin lỗi. Nếu cán bộ hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kiểu dây dưa thì việc công khai danh sách là cần thiết. Cán bộ công chức mà bị công khai... là căng lắm vì sẽ rất khó làm việc. Do đó, cán bộ, công chức phải quán triệt để làm thật tốt, tránh công khai" - Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận nhìn nhận.
Ông Nguyễn Đông Tùng cũng chỉ rõ tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức hướng dẫn giải quyết hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp nhưng "hướng dẫn không hết, hướng dẫn tới, hướng dẫn lui". Chưa kể, sau khi đã có đủ thành phần hồ sơ rồi, họ vẫn không giải quyết nhanh. "Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính phức tạp cần công chức hướng dẫn tận tình, cụ thể. Nếu hướng dẫn trực tuyến một cách cụ thể thì càng tốt hơn nữa" - ông Tùng nhận định.
Lãnh đạo UBND quận Phú Nhuận cho hay quận rất tâm huyết với việc cải cách thủ tục hành chính và đã sớm triển khai. Với quy trình thủ tục hành chính chung của thành phố, quận cũng sẽ rà soát để kiến nghị thay đổi, rút ngắn.
Bên cạnh đó, quận Phú Nhuận tập trung giải quyết các công việc theo thẩm quyền để rút ngắn thời gian. Chẳng hạn, theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc cấp phép về môi trường cho các tòa nhà là 30 ngày nhưng đến nay, quận chỉ giải quyết trong vòng 20 ngày và sẽ cố gắng rút ngắn hơn.
"Việc nào trong phạm vi thẩm quyền của quận thì làm, đặc biệt là sẽ cố gắng thực hiện các thủ tục hành chính giải quyết trong ngày" - ông Tùng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, địa phương đã nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM và ủng hộ việc công khai danh sách cán bộ, công chức, viên chức xử lý hồ sơ chậm. Ông Dũng cho biết thời gian tới, quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; quan tâm thực hiện các giải pháp, chỉ đạo của thành phố về cải cách hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Về phía quận Bình Tân, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận, cũng cho biết địa phương ủng hộ việc công khai danh sách cán bộ, công chức, viên chức xử lý hồ sơ chậm. Quận Bình Tân nghiêm túc thực hiện việc xin lỗi khi giải quyết hồ sơ trễ hạn theo quy định.
Tồn đọng nhiều hồ sơ đất đai
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM vừa có kết luận thanh tra về trách nhiệm của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 6 trong việc giải quyết các hồ sơ hành chính từ ngày 1-1 đến 31-11-2022.
Theo đó, chi nhánh này tiếp nhận 59 hồ sơ đề nghị tách, hợp thửa. Kết quả thanh tra cho thấy có 33 hồ sơ giải quyết trễ hạn từ 5 ngày đến 1 năm. Nhiều hồ sơ không có thư xin lỗi hoặc thư xin lỗi trễ hạn, trong đó có hồ sơ trễ hạn 115 ngày nhưng thư xin lỗi trễ hạn 82 ngày; có hồ sơ đến ngày trả kết quả mới có thư xin lỗi. Qua kiểm tra ngẫu nhiên 112/451 hồ sơ đề nghị cấp sổ hồng (hồ sơ hoàn công), đoàn thanh tra xác định có 19 hồ sơ giải quyết đúng thời hạn; 93 hồ sơ trễ hạn ít nhất từ 7 ngày đến 1 năm... Tại đây tồn đọng hơn 400 hồ sơ cấp sổ hồng kéo dài từ năm 2009 đến nay.
Tương tự, kết quả thanh tra tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Tân Phú cho thấy 80% hồ sơ cấp sổ hồng lần đầu bị giải quyết trễ hạn. Về hồ sơ tách, hợp thửa, qua kiểm tra 22/419 hồ sơ, chỉ có 50% giải quyết đúng hạn.
Theo ghi nhận của phóng viên, ở nhiều địa phương khác, người dân và doanh nghiệp cũng bức xúc khi việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan thủ tục đất đai, xây dựng... chậm trễ, phiền hà.
Liên quan thiếu sót, hạn chế tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 6, trao đổi với phóng viên, đại diện UBND quận cho hay trên tinh thần đặt quyền lợi của người dân là trọng tâm, quận đã chủ động làm việc với chi nhánh và Sở Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ. Qua đó, xác định vấn đề nào thuộc thẩm quyền của quận thì chỉ đạo xử lý dứt điểm ngay, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của sở thì quận sẽ chủ động phối hợp giải quyết.
"Quan điểm của quận là giải quyết càng nhanh, càng sớm càng tốt, nhất là đối với hồ sơ tồn đọng lâu" - Chánh Văn phòng UBND quận 6 nêu rõ.
Bình luận (0)