22 sở, cơ quan tương đương sở và 30 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội đang tiến hành khảo sát cá nhân, người đại diện tổ chức đã trực tiếp thực hiện giao dịch thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của cơ quan, đơn vị nhằm đo lường chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị.
Còn thủ tục rườm rà
TP Hà Nội hiện có gần 10 triệu dân và trên 300.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động, nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) hằng ngày là rất lớn. Tuy nhiên, TTHC lâu nay trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân.
Mới đây, phản ánh đến Báo Người Lao Động, bà N.H.C (trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết bản thân bà mắc COVID-19, muốn khai báo để xin giấy chứng nhận của phường nhưng "bị hành lên hành xuống". Đầu tiên bà khai báo với nhân viên trạm y tế phường thì nhân viên y tế hướng dẫn bà hoặc người nhà phải ra trạm để lấy mẫu khai báo, khi người nhà bà ra thì lại không có nhân viên nào đưa giấy, tiếp đó nhân viên y tế yêu cầu phải viết hoặc gõ lại theo một bản khai mẫu (gửi ảnh mẫu qua Zalo) mà không hề có file Word.
"Thời đại 4.0 nhưng nhân viên y tế phường, cơ quan nhà nước vẫn hành người dân. Sau khi phản ánh, lãnh đạo phường mới gọi điện thoại thay mặt xin lỗi. Tôi quá ám ảnh vì những TTHC rườm rà" - bà C. bức xúc.
Người dân làm thủ tục hành chính tại một phường ở Hà Nội Ảnh: HỮU HƯNG
Tương tự, bà Ng.Th.K (trú tại quận Hoàng Mai) vẫn chưa hết ám ảnh mỗi lần đi làm TTHC, bà K. từng làm thủ tục chuyển nơi hưởng lương hưu từ Hưng Yên về Hà Nội nhưng bà đã gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi làm thủ tục cắt chuyển ở bộ phận một cửa của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Hưng Yên, cán bộ tại đây cho biết hồ sơ sẽ được cơ quan này chuyển thẳng về Hà Nội theo đường công vụ. Đến ngày nhận lương, bà ra tổ chi trả lương hưu thì nhận được thông tin, bà chưa có bảng lương ở đây và được giới thiệu đến phường nơi cư trú.
Bà K. sau đó ra phường thì được hướng dẫn lên BHXH quận, đến quận, cán bộ trả lời chưa thấy có hồ sơ ở đây và hướng dẫn bà lên BHXH TP Hà Nội hỏi…. lòng vòng qua nhiều cơ quan, phải đến gần 2 tháng sau bà mới hoàn thành được thủ tục chuyển nơi hưởng lương hưu.
Phân cấp phân quyền triệt để
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết trong thời gian qua, cùng với việc tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách TTHC, Hà Nội tập trung đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền thực hiện TTHC theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì phân cấp ủy quyền cho cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc trung gian, kéo dài thời gian giải quyết TTHC.
Tháng 9 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã phê chuẩn đề án về phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước và ủy quyền đối với TTHC. Theo đó, thành phố đã phân cấp 10 lĩnh vực quản lý nhà nước cho các quận, huyện và ủy quyền một số nhiệm vụ của thành phố thực hiện xuống cho các quận và các huyện có đủ điều kiện về con người, đủ điều kiện về nguồn lực, bộ máy. Ví dụ như xây dựng trường THPT, hiện thành phố đã ủy quyền phân cấp cho quận, huyện.
Đến nay, Hà Nội đã đạt được một số kết quả nổi bật như đã đề xuất phân cấp, ủy quyền 700 TTHC, đạt tỉ lệ 39,17% tổng số TTHC cấp thành phố và cấp huyện (Thủ tướng Chính phủ giao 20%). Cùng với đó, nhiều đơn vị triển khai sáng kiến để tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước.
Đi vào thực tế, hiện các quận, huyện ở Hà Nội đã triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa tạo sự gần gũi, cởi mở, thân thiện trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính đã giúp người dân, doanh nghiệp đồng thuận, ghi nhận, đánh giá cao các mô hình này.
Ở UBND phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), mô hình "5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ" được ra mắt từ tháng 7-2022, 5 thủ tục hành chính gồm: thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc chứng nhận; thủ tục chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản; thủ tục đăng ký kết hôn; thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký khai tử sẽ được giải quyết tại chỗ với 5 bước: tư vấn, hỗ trợ; tiếp nhận; thụ lý; phê duyệt và trả kết quả. Việc áp dụng mô hình này đã giúp phường giữ vững tỉ lệ 100% hồ sơ hành chính cấp phường được xử lý đúng hạn, nâng cao tỉ lệ hồ sơ được thụ lý giải quyết và trả trước hạn.
Theo ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, quận sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành; triển khai ứng dụng phần mềm trên điện thoại thông minh nhằm tương tác giữa công dân với các cơ quan của phường, quận. Ngoài ra, quận sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, tổ chức chấm chỉ số cải cách hành chính cấp phòng, cấp phường năm 2022 và thành lập các đoàn kiểm tra công vụ định kỳ, đột xuất. Qua đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, hoàn thành các chỉ tiêu về cải cách hành chính năm 2022 trên địa bàn quận.
Hành chính phục vụ
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Đề án mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại các cấp trên địa bàn (Bộ phận một cửa). Khẩu hiệu của Bộ phận một cửa là "Hành chính phục vụ", thể hiện tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ.
Mỗi Bộ phận một cửa có cán bộ, thiết bị chuyên nghiệp để phục vụ người dân. Ngoài ra, còn được trang bị thiết bị đọc mã vạch/mã QR; máy lấy số tự động; máy photocopy; hệ thống camera giám sát; thiết bị đánh giá hài lòng, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và các thiết bị phục vụ việc đánh giá trong công tác cải cách thủ tục hành chính, cải cách hành chính.
Bình luận (0)