TP HCM là một trung tâm kinh tế - văn hóa, nơi được coi như "miền đất hứa" vì tạo ra nhiều cơ hội kiếm sống, những việc làm có thể nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
1. Nơi đây luôn thu hút hàng triệu người từ địa phương khác, trở thành nguồn lao động dồi dào và đóng góp lớn cho sự phát triển của thành phố. Thế nhưng, trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành ở thành phố vừa qua, hàng triệu lao động nhập cư đã phải trở về quê hương trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Cho đến nay, khi người lao động từ các địa phương chưa quay lại hết thì nguồn nhân lực của thành phố vẫn chưa được phục hồi.
Đại dịch Covid-19 là tình trạng bất thường nhưng để lại hậu quả lâu dài. TP HCM đang phải khắc phục những hậu quả ấy chủ yếu bằng nguồn lực của chính mình dù bị tổn thương nghiêm trọng. Sẽ bắt đầu như thế nào và từ đâu, để thành phố lại có sức hấp dẫn, thu hút nguồn nhân lực từ nhiều nơi đổ về như trước? TP HCM có còn là vùng đất "mở" và nghĩa tình, luôn dang tay "ôm đón" người dân tứ xứ về dựng nghiệp, mưu sinh?
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên thăm hỏi, động viên người dân phường 4, quận 8 (TP HCM) vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19
Từ những bước chân khai khẩn của lưu dân hàng trăm năm trước đến nay, Nam Bộ nói chung và Sài Gòn - TP HCM nói riêng luôn là một vùng "đất lành chim đậu". Vùng đồng bằng ấy, nơi đô thị ấy là "đất lành" không hẳn vì được "thiên nhiên ưu đãi", bởi có nơi nào con người không phải chống chọi và thích ứng với thiên nhiên để tồn tại và phát triển? Kinh nghiệm biến "đất dữ" thành "đất lành" của người Nam Bộ là thích nghi, hòa hợp, chấp nhận khác biệt của hoàn cảnh mới, chân thành giúp đỡ, bao bọc những người đến sau như đàn chim giúp nhau cùng xây tổ ấm.
Cho đến nay, sự hội tụ nhân lực từ mọi miền, mọi nguồn gốc, nhiều thế hệ cư dân Sài Gòn - TP HCM đã duy trì và gắn kết các mối liên hệ xã hội, trong đó có quan hệ làm ăn. Sự gắn bó chia sẻ này là động lực tinh thần giúp người nhập cư sớm an cư lạc nghiệp, góp phần phát triển vùng "đất lành". Sức sống của Sài Gòn - TP HCM luôn tươi mới và tràn đầy năng lượng là nhờ vậy.
Tình nguyện viên mang những phần quà từ chương trình “Siêu thị 0 đồng” đến một khu phong tỏa trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua Ảnh: Hoàng Triều
2. Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho biết mức độ đóng góp ngày càng quan trọng của lao động nhập cư cho sự phát triển của các đô thị. Bên cạnh nhân lực "chất xám" thì lao động giản đơn hay các ngành dịch vụ là một phần không thể thiếu của đời sống đô thị. Từ nhiều năm nay, chính quyền TP HCM đã có sự quan tâm đến hệ thống an sinh xã hội cho người dân, tuy nhiên chưa thể "phủ sóng" rộng khắp và đáp ứng nhu cầu của phần lớn người lao động. Đặc biệt về nhà ở, chăm sóc y tế, điều kiện giáo dục cho người lao động nhập cư và con em của họ là những vấn đề thành phố luôn phải đối mặt, mỗi năm một khó khăn hơn, đồng thời với các vấn đề cấp bách của hạ tầng đô thị.
Chính sách thời "bình thường mới" của chính quyền cần ưu tiên các giải pháp cụ thể về hệ thống an sinh xã hội cho người lao động nói chung và người nhập cư nói riêng, nhằm 2 mục tiêu: trước mắt khắc phục những bất cập về nhà ở, y tế đã xảy ra trong thời gian dịch bệnh; tiếp đó là những điều kiện thuận lợi hơn về nhà ở, y tế, giáo dục và các vấn đề đời sống xã hội khác.
Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, "ký túc xá" tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; quy chuẩn hóa những khu vực "nhà trọ" của tư nhân... phục vụ điều kiện sinh hoạt cơ bản cho người lao động; quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở, trường học, hạ tầng điện nước, internet phục vụ sinh hoạt vật chất, tinh thần của người lao động và gia đình... là những quyết sách mà TP HCM cần thực hiện ngay để có thể thu hút nhân lực, thúc đẩy phục hồi kinh tế. Đặc biệt, cần quan tâm điều kiện học hành của con em người lao động và người nhập cư, vì đây là nguồn nhân lực tương lai của thành phố. "Còn người còn của", ông bà mình đã đúc kết như vậy!
3. Đại dịch Covid-19 còn phá vỡ "cái phao" cuối cùng của tầng lớp "người yếu thế" ở đô thị: các tổ chức thiện nguyện (trong và ngoài TP HCM) dù rất cố gắng nhưng cũng không đủ sức hỗ trợ cho nhu cầu ăn, ở tối thiểu của người nghèo và cận nghèo, người thất nghiệp trong tình trạng căng thẳng đến vài tháng. Chứng kiến thực trạng này, nhiều người đã lo lắng đặt câu hỏi: Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, liệu người dân TP HCM còn có thể thực hiện những hoạt động thiện nguyện như trước nữa hay không? Riêng tôi tin rằng phẩm chất "Thương người như thể thương thân" luôn được thể hiện một cách cụ thể và thiết thực của người dân Sài Gòn - TP HCM không bao giờ mất đi! Vì đó là bản chất của thành phố này, được hình thành từ lòng nhân ái của những con người tứ xứ đến đây qua hàng trăm năm trước cho đến hôm nay.
Bình luận (0)