Chiều 20-11, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) cho biết Bộ Y tế đã yêu cầu sở y tế của TP Đà Nẵng và tỉnh Nghệ An báo cáo sự cố y khoa khiến sản phụ và thai nhi tử vong.
Xử lý nghiêm nếu có sai phạm
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP Đà Nẵng báo cáo quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của bệnh viện (BV) đối với sản phụ S. và sản phụ H.; hỗ trợ và chăm sóc, điều trị tốt nhất cho sản phụ H.; BV Phụ nữ TP Đà Nẵng lập hội đồng chuyên môn, nếu BV không đủ điều kiện thì Sở Y tế TP Đà Nẵng lập, để đánh giá quá trình tiếp đón, theo dõi chăm sóc, xử lý đối với sản phụ S.
Lô thuốc nghi ngờ gây ra các vụ tai biến sản khoa tại TP Đà Nẵng đã được niêm phong Ảnh: BÍCH VÂN
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế TP Đà Nẵng thông báo kết luận của hội đồng chuyên môn tới gia đình sản phụ và cơ quan truyền thông; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân (nếu có) sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ, đạo đức nghề nghiệp; chỉ đạo các sơ sở khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ sản khoa và sơ sinh nghiêm túc thực hiện quy định về sử dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong mổ lấy thai. Trường hợp có nghi ngờ liên quan đến thuốc sử dụng trong quá trình điều trị cho các sản phụ thì cần lập báo cáo phản ứng có hại của thuốc.
Tương tự, đối với Sở Y tế tỉnh Nghệ An là trường hợp sự cố y khoa dẫn đến tình trạng nguy kịch của mẹ và tử vong thai nhi - con sản phụ M. (thai lần 3).
Theo Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm xảy ra khá nhiều trường hợp tai biến sản khoa sau phẫu thuật mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế trên cả nước có triển khai phẫu thuật lấy thai không được sử dụng phương pháp gây tê tủy sống ở những sản phụ có nguy cơ dẫn đến tai biến như tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.
Giới chuyên môn cho biết gây tê trong sản khoa có nhiều ưu thế nhưng có thể xảy ra tai biến nghiêm trọng đối với sản phụ có bệnh lý thiếu máu, rối loạn đông máu, có dùng thuốc làm rối loạn đông máu, tiền sản giật nặng, sản giật, nhau bong non. Những trường hợp này đều đã được đưa vào chống chỉ định gây tê vùng trong mổ đẻ với chuyên ngành gây mê hồi sức.
GS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Giám đốc BV Phụ sản trung ương, cho biết gây tê tủy sống khi mổ lấy thai đang áp dụng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, có một tỉ lệ nhỏ khi gây tê tủy sống sẽ rất nguy hiểm cho người mẹ vì trong mổ nếu tụt huyết áp, băng huyết, thậm chí ngừng tuần hoàn khi mổ lấy thai dẫn đến việc điều trị rất khó khăn.
Một số chuyên gia sản khoa cũng cho biết ngoài các yếu tố nguy cơ về bệnh lý thì sản phụ có thể bị sốc phản vệ, dị ứng với chính sản phẩm thuốc tê trong quá trình chuyển dạ.
Nhiều nơi sử dụng cùng loại thuốc
Cùng ngày, BS Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, thông tin 3 ca tai biến sản khoa khi mổ lấy thai vừa xảy ra tại BV Phụ nữ TP Đà Nẵng nghi ngờ do thuốc gây tê mới được BV này nhập về từ tháng 5, có tên là Bupivacaine, của nhà sản xuất Ba Lan. Trong đó, 2 ca mới nhất cùng nhập viện trong ngày 17-11, gồm sản phụ S. (tử vong tối cùng ngày) và sản phụ H. (đang được điều trị trong tình trạng nguy kịch). Trước đó, ngày 22-10, sản phụ T. (ngụ TP Đà Nẵng) cũng vào BV Phụ nữ TP Đà Nẵng chờ sinh và tử vong.
Theo BS Nguyễn Út, cả 3 sản phụ trên đều được BV Phụ nữ TP Đà Nẵng mổ lấy thai. Trong lúc tiêm thuốc gây tê tủy sống, các sản phụ này có biểu hiện co giật. May là 3 trẻ sơ sinh đều an toàn sau phẫu thuật.
"Các tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Cần Thơ, Bến Tre, gần đây cũng có tai biến sản khoa và sản phụ tử vong. Điều đáng nói là các địa phương trên cũng dùng loại thuốc gây tê giống như của BV Phụ nữ TP Đà Nẵng đang sử dụng" - BS Nguyễn Út nói và cho biết tại TP Đà Nẵng còn có 2 cơ sở y tế khác sử dụng thuốc gây tê này. Sở Y tế TP Đà Nẵng đã chỉ đạo niêm phong phòng mổ, ngừng hoạt động phẫu thuật tại BV Phụ nữ TP Đà Nẵng. Trước đây, Sở Y tế TP Đà Nẵng có tổ chức đấu thầu thuốc gây tê sử dụng trong sản khoa và đơn vị trúng thầu cung ứng loại thuốc Marcain do Pháp sản xuất. Tuy nhiên, đến tháng 5 năm nay thì nhà cung ứng "đứt hàng", buộc các cơ sở y tế phải tự xin áp thầu với các đơn vị khác để thay thế thuốc.
BS Võ Xuân Phúc, Giám đốc BV Phụ nữ TP Đà Nẵng, cho biết BV này được phân bổ 850 ống thuốc gây tê Marcain để sử dụng từ năm 2018, đến tháng 5 năm nay, nhà cung cấp thông báo hết hàng nên BV phải tìm nguồn thay thế. Khi đó chỉ có Bupivacaine của Ba Lan sản xuất do nhà cung cấp là Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 Chi nhánh Đà Nẵng là còn hàng và BV đã nhập 380 ống Bupivacaine của Ba Lan trong 3 đợt, đợt 1 gồm 130 ống đã sử dụng hết; đợt 2 và đợt 3 nhập 250 ống vào tháng 10, đã dùng hết 130 ống và có 3 vụ tai biến này.
BS Nguyễn Út cho hay theo quy định, thuốc gây tê nói trên nằm trong danh mục chi trả bảo hiểm. Khi nhà cung ứng hết thuốc do Sở Y tế TP Đà Nẵng đấu thầu, BV Phụ nữ TP Đà Nẵng xin áp thầu theo gói mà Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi trúng thầu với loại thuốc trên và nhập về để sử dụng với sự đồng ý của phía BHXH và nhà thầu. Hiện Sở Y tế TP Đà Nẵng đã lấy mẫu thuốc gây tê Bupivacaine gửi đi kiểm tra tại Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, dự kiến có kết quả sau khoảng 7-10 ngày.
Quảng Ngãi: Rà soát toàn bộ lô thuốc
Chiều 20-11, ông Lê Báy, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, cho biết sau khi xảy ra việc sản phụ tử vong nghi do sử dụng loại thuốc gây tê tủy sống ở Đà Nẵng, sở này đã rà soát lại toàn bộ lô thuốc đã nêu. "Bước đầu, chúng tôi xác nhận nhập lô thuốc với số lượng khoảng trên 3.000 liều và phân bổ về các BV, cơ sở y tế trên địa bàn sử dụng từ năm 2018 tới nay. Tuy nhiên, chưa ghi nhận trường hợp biến chứng nào" - ông Báy cho biết.
Ông Nguyễn Đình Tuyến, Giám đốc BV Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi, cũng khẳng định BV đang sử dụng thuốc Bupivacaine WPW do Ba Lan sản xuất cho sản phụ nhưng chưa có trường hợp biến chứng nào xảy ra. "Thấy mấy trường hợp sản phụ tại Đà Nẵng bị biến chứng nghi do sử dụng loại thuốc này nên chúng tôi cũng đang cảnh giác, tạm thời không sử dụng" - ông Tuyến cho biết.
Bình luận (0)