Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) toàn bộ trên các tuyến cao tốc do địa phương quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kể từ ngày 1-8.
4 tuyến lớn đã sẵn sàng
Từng là vướng mắc khó xử lý khiến dự án thu phí không dừng nhiều lần trễ hẹn, sau khi được Chính phủ tháo gỡ cơ chế, 4 tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang gấp rút hoàn thành lắp đặt các làn ETC để áp dụng từ ngày 1-8. Đó là các tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Trước đó, ngày 7-6, VEC ký kết hợp đồng gói thầu thuê dịch vụ thu phí các dự án đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác với nhà thầu TASCO. Hai bên thỏa thuận đến 31-7-2022 phải hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống thu phí ETC cho các tuyến cao tốc nói trên. Ngay sau lễ ký kết, VEC và nhà thầu đã huy động nhân lực, vật lực; xây dựng bản tiến độ tổng thể, chi tiết để triển khai thi công, lắp đặt hệ thống ETC.
Về tiến độ lắp đặt hệ thống ETC, ông Phạm Hồng Quang, Tổng Giám đốc VEC, cho biết việc này được triển khai đồng thời trên cả 4 tuyến từ đầu tháng 6. Tuy nhiên, do lưu lượng và nhu cầu sử dụng tại các cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cao hơn nên được ưu tiên lắp đặt trước. Hiện tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình đã lắp đặt và kiểm tra, thử nghiệm xong, còn tuyến TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dự kiến hoàn tất ngày 25-7. Hai tuyến còn lại là Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Nội Bài - Lào Cai cũng sẽ kết thúc vào ngày 29-7, kịp tiến độ để tổ chức thông xe thu phí không dừng từ 0 giờ ngày 1-8.
Ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng Giám đốc VEC, thông tin thêm từ ngày 19 đến 25-7, VEC cũng sẽ tổ chức diễn tập xử lý các tình huống, sự cố trong quá trình vận hành, khai thác hệ thống thu phí không dừng trên các tuyến.
Theo ghi nhận, các khâu chuẩn bị cho thu phí không dừng trên các tuyến này cũng đang trong giai đoạn hoàn tất. Tại trạm thu phí Túy Loan - KM4 thuộc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe ra vào. Những ngày qua, VEC tổ chức dán thẻ miễn phí, kết hợp tuyên truyền để người dân hiểu rõ các quy định về áp dụng thu phí không dừng.
Các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Liên Khương - Prenn đã lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừngẢnh: ĐÌNH THI
Còn nhiều lo lắng
Ngoài 4 tuyến cao tốc của VEC thì hầu hết các tuyến cao tốc còn lại đã lắp đặt xong hệ thống thu phí ETC. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hình thức thu phí mới này khó tránh những vấn đề phát sinh.
Đối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ông Vũ Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI, chủ đầu tư dự án), cho hay VIDIFI đã thí điểm áp dụng thu phí không dừng từ ngày 1-6. Trên toàn tuyến có 6 trạm thu phí, tổng số làn thu phí được lắp đặt là 62 làn, trong đó có 32 làn ETC. Hiện mỗi ngày có trên 46.000 lượt xe, ngày cao điểm hơn 60.000 lượt xe lưu thông qua cao tốc này, nhờ có làn ETC nên không bị ùn ứ tại trạm như trước đây.
Chia sẻ kinh nghiệm gần 2 tháng thí điểm, ông Thành nói trong giai đoạn đầu thí điểm, mọi vệc không hề dễ dàng, xảy ra lỗi vận hành thiết bị, lỗi từ phía đơn vị cung cấp dịch vụ ETC như thẻ hỏng, thẻ dán sai quy cách. Bên cạnh đó là lỗi của người tham gia giao thông. Chỉ tính riêng tháng 6, có 13.233 lượt xe (trung bình 441 lượt xe/ngày) chưa dán thẻ đi vào cao tốc; 34.342 lượt xe (trung bình 1.145 lượt xe/ngày) chưa nạp tiền vào tài khoản giao thông ở làn vào; 24.987 lượt xe (trung bình 833 lượt xe/ngày) không đủ số dư trong tài khoản để thanh toán tại làn ra. Theo ông Thành, điều này gây khó khăn trong công tác vận hành, khai thác hệ thống thu phí không dừng và đây là vấn đế mà các địa phương, đơn vị quản lý đường cao tốc phải lưu ý để tránh xảy ra khi áp dụng đại trà từ ngày 1-8.
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng (tỉnh Quảng Ninh), việc tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã thực hiện thí điểm thu phí ETC giúp cho tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (nối với tuyến Hà Nội - Hải Phòng) thuận lợi hơn. Đến nay, trạm thu phí BOT cầu Bạch Đằng thuộc cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đã hoàn thiện hệ thống thu phí tự động ETC tại 6/8 làn thu phí. Cụ thể là đã bố trí 4 làn ETC (mỗi chiều 2 làn) và chỉ để duy trì 2 làn thu phí hỗn hợp (mỗi chiều bố trí 1 làn thu phí hỗn hợp ETC+MTC) theo Quyết định 19 của Thủ tướng. Những bất cập từ thu phí ETC trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng cũng được rút kinh nghiệm cho tuyến này.
Trong khi đó, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận xác nhận tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã lắp đặt xong 4 làn ETC cho 2 chiều, tất cả các khâu chuẩn bị đã hoàn tất, chỉ chờ ngày đưa vào vận hành. Điều chủ đầu tư này lo lắng là chưa biết xử trí thế nào trong trường hợp tài xế không chấp hành.
Với tuyến cao tốc Liên Khương - Prenn, theo ông Nguyễn Đình Trưởng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hùng Phát (chủ đầu tư), đã vận hành 4 làn ETC tại trạm thu phí Định An (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) từ tháng 3. Tại trạm này, lưu lượng xe mỗi ngày đạt khoảng 12.000, trong đó tỉ lệ sử dụng ETC chỉ đạt 5%. Theo ông Trưởng, khó khăn lớn nhất là tỉ lệ dán thẻ E-tag (chip gắn trên xe thực hiện trả phí không dừng khi qua trạm BOT) rất thấp, trong khi theo quy định trên 90% thì mới áp dụng thu phí ETC được.
Tương tự, đại diện lãnh đạo trạm thu phí Liên Đầm (Quốc lộ 20, địa bàn huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) của tuyến Liên Khương - Prenn cũng cho rằng rất khó áp dụng thu phí không dừng nếu tỉ lệ dán thẻ E-tag còn thấp.
Tăng cường dán thẻ tuyến TP HCM - Long Thành - Dầu Giây
Theo ghi nhận, trên các trạm thu phí tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, những ngày qua, luôn có nhân viên dán thẻ E-tag cho các phương tiện. Với mỗi phương tiện qua trạm, khi phát hiện xe chưa dán thẻ, nhân viên trạm sẽ hướng dẫn và đề nghị chủ xe đến dán thẻ tại chỗ kèm giấy hướng dẫn nạp tiền vào tài khoản, quy trình này mất chưa đầy 5 phút.
Về việc thực hiện thu phí không dừng áp dụng trên các tuyến đường bộ, thống kê của Sở GTVT TP HCM cho biết hiện có 3 trạm thu phí đã triển khai ETC gồm: Trạm thu phí An Sương - An Lạc (đã nâng cấp ETC 21/25, 4 làn còn lại đang hoàn chỉnh lắp đặt, dự kiến đưa vào vận hành trước ngày 31-7), trạm thu phí Xa lộ Hà Nội (đã nâng cấp ETC 16/16 làn, bảo đảm vận hành thu phí ETC trước ngày 31-7) và trạm thu phí Phú Mỹ (nâng cấp ETC 8/18 làn xe, đến ngày 31-7, nếu đơn vị quản lý chưa lắp ETC làn nào thì sẽ đóng làn đó). Tính đến ngày 6-7, thành phố có 384.209/675.683 xe được dán thẻ, chiếm 56,9%.
T.Hồng
Theo chỉ đạo của Chính phủ, ngoài các tuyến cao tốc, phải hoàn thành toàn bộ hệ thống thu phí ETC trên toàn quốc kể từ ngày 31-7.
Thống kê của Bộ GTVT cho biết tính đến cuối tháng 6, đã thực hiện thu phí không dừng tại 113/141 trạm (đạt 80,14%), với tổng cộng 603/817 làn (đạt 73,8%). Trong đó, Bộ GTVT có tất cả 66/66 trạm đã được lắp đặt hệ thống thu phí không dừng (đạt 100%). Tuy nhiên số làn được lắp mới chỉ đạt 342/380 làn (90%), còn lại 38 làn chưa lắp đặt, nằm tại 13 trạm và sẽ được bổ sung khi cần thiết. Các địa phương có toàn bộ 47/47 trạm đều đã được lắp đặt ETC nhưng số làn đã hoàn thành lắp đặt mới đạt 87,2% (246/282 làn). Còn lại 36 làn nằm ở 7 trạm chưa lắp đặt.
Đối với các địa phương trên cả nước, theo ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ) - duy nhất tỉnh Đồng Nai còn 14 làn thu phí thuộc các trạm BOT trên đường 768 phải lắp làn thu phí ETC và dự tính từ nay đến tháng 10, các trạm này cũng sẽ lắp đặt xong các làn thu phí ETC.
V.Duẩn
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!