xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sẵn sàng cho tình huống dịch lây lan rộng

Nhóm Phóng viên

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi cho biết trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, TP HCM có thể tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 trong một khoảng thời gian nữa

Ngày 16-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi đã trả lời báo chí về một số vấn đề xung quanh công tác phòng chống dịch Covid-19 ở TP HCM.

Cam kết không để ai thiếu đói

Theo ông Phan Văn Mãi, TP HCM có hơn 10 triệu người, khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, vấn đề cung ứng hàng hóa, bảo đảm đời sống cho dân sẽ gặp khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, lãnh đạo TP cam kết không để ai thiếu đói hoặc rơi vào hoàn cảnh cùng cực do dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. TP đã chuẩn bị kỹ về kế hoạch cung ứng hàng hóa và sẽ không để xảy ra tình trạng tăng giá, khan hiếm hàng hóa.

TP đã bàn với các bộ, ngành trung ương, địa phương về việc tổ chức lại mạng lưới, hệ thống phân phối hàng hóa, không chỉ dựa vào các trụ cột chính như Co.opmart, Satra Food, Bách Hóa Xanh... TP cũng huy động các hệ thống khác vào cuộc, như các chuỗi cung ứng thực phẩm công nghiệp; yêu cầu ngành công thương, các địa phương trao đổi với các thành phần kinh tế, hiệp hội để có thể tham gia cung ứng các mặt hàng thiết yếu.

Sắp tới, từng quận - huyện, phường - xã sẽ có những điểm cung ứng hàng hóa. Các chợ truyền thống sẽ được nghiên cứu mở lại chợ an toàn chỉ chuyên kinh doanh lương thực - thực phẩm, nhu yếu phẩm. Việc tổ chức, tiếp nhận hàng hóa mua bán bảo đảm giãn cách, cách ly an toàn.

Ông Phan Văn Mãi cho rằng rất mong muốn sau khi thực hiện Chỉ thị 16 đạt kết quả tốt, TP có thể trở lại thực hiện Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 10 của UBND TP. Tuy nhiên, trước tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, TP HCM có thể tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 trong một khoảng thời gian nữa.

Giám sát cách ly bằng công nghệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM trong ngày cũng đã họp trực tuyến triển khai việc cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 trên địa bàn, với sự tham gia của gần 100 đầu cầu đến từ phòng y tế, trung tâm y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Trong bối cảnh số lượng F1 tăng nhanh, đồng thời có nhiều công văn hướng dẫn, giám sát cách ly y tế tại nhà dành cho đối tượng F1 từ Bộ Y tế, nhiều hướng dẫn chi tiết liên quan đến vấn đề này được trình ra như: Đối tượng áp dụng cách ly y tế tại nhà; thời gian cách ly; việc tổ chức xét nghiệm; yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị; xử lý khi vi phạm cách ly y tế tại nhà.

Theo BS chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Thùy Dương, Trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ HCDC, công tác giám sát người cách ly tại nhà sẽ được phân công cho 3 lực lượng chính gồm: Công an, dân quân, lực lượng y tế và tổ Covid-19 cộng đồng. Trong đó, tổ Covid-19 cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa người đang thực hiện cách ly y tế tại nhà với các lực lượng chức năng.

Để hỗ trợ công tác giám sát cách ly y tế tại nhà từ ngày 17 đến 31-7, TP sẽ triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà bằng phần mềm VHD (Vietnam Health Declaration).

Sẵn sàng cho tình huống dịch lây lan rộng - Ảnh 1.

Việc giao nhận nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa trên địa bàn TP HCM luôn có sự giám sát chặt chẽ Ảnh: LÊ PHONG

Có thể gia tăng ca mắc mới

Trong ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng chống dịch với 63 tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian qua, nhiều biện pháp quyết liệt đã được triển khai. Tuy nhiên, tại một số địa phương, đặc biệt là TP HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ đang đối mặt với sự bùng phát dịch Covid-19 hết sức phức tạp. Những ngày tới có thể gia tăng nhiều trường hợp mắc mới và số ca tử vong.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, các đợt dịch trước chỉ 1 đến 1 tháng rưỡi là kết thúc. Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần. Chu kỳ lây nhiễm hiện chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước. Vì vậy, dù chúng ta rất cố gắng nhưng kết quả chưa được như mong muốn.

Đại diện TP HCM cho biết từ ngày 9 đến 15-7, sau 1 tuần thực hiện Chỉ thị 16, TP ghi nhận 9.451 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng và 142 ca tử vong. Trung bình mỗi ngày phát hiện 1.305 ca bệnh, đa số được ghi nhận trong khu cách ly, khu phong tỏa. Hiện các cơ sở tại TP HCM đang điều trị hơn 20.400 ca dương tính, 246 ca đang thở máy, trong đó có 7 trường hợp phải can thiệp ECMO.

Nhận định về tình hình tại TP HCM, bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết số ca mắc và tử vong tại TP HCM chưa thể dừng. Biểu đồ số ca mắc và tử vong có thể sẽ đi lên hoặc đi ngang một thời gian nữa mới có thể dừng. Có thể một vài ngày nữa, TP HCM sẽ tới đỉnh dịch.

Ông Sơn cho biết TP HCM đã xây dựng kịch bản cho 100.000 ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, đây là kịch bản hết sức khó khăn mà trung ương phải hỗ trợ TP. Còn với mức 30.000 ca mắc thì TP có thể đáp ứng được với điều kiện có sự hỗ trợ của trung ương. Hiện ngành y tế TP đã xây dựng trung tâm hồi sức 1.000 giường với khoảng 100 máy thở; Bệnh viện Chợ rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP cũng đã bố trí mỗi bệnh viện có thể tăng đến 200 giường hồi sức.

Còn nhiều F1 ngoài cộng đồng

Trong khi đó, đại diện tỉnh Bình Dương cho biết hiện tỉnh đang có 2.000 ca F0 và bắt đầu quá tải tại các cơ sở y tế. Trong 1 tuần nữa, Bình Dương sẽ có thêm 3.000 giường. Nếu số lượng bệnh nhân tăng sẽ khó khăn do đang rất thiếu nhân lực cả cho điều trị F0, tiêm vắc-xin lẫn truy vết điều tra vùng dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết số ca mắc từ ngày 27-4 đến nay tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An đều tăng. Ông Sơn cho rằng đã kiểm soát được lây lan tại doanh nghiệp, cộng đồng nhưng tại khu cách ly, khu phong tỏa thì vẫn đáng lo ngại... Với tình hình như hiện nay, có thể còn nhiều F1 ngoài cộng đồng, khả năng lan rộng trong các địa phương lân cận và lan xa từ miền Nam đến miền Trung.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trong ngày đã ký văn bản gửi UBND quận, huyện và Bộ Chỉ huy Quân sự TP về việc sẵn sàng tiếp nhận cách ly phòng dịch Covid-19. Hiện TP đã có 21/34 điểm cách ly tập trung. Nhằm bảo đảm khả năng đáp ứng và tiếp nhận cách ly, UBND TP giao các đơn vị nói trên thực hiện kích hoạt ngay 13 điểm cách ly còn lại.

Bộ Y tế cho biết Việt Nam trong ngày 16-7 ghi nhận 3.336 ca mắc Covid-19; thêm 332 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng số ca được điều trị khỏi lên con số 10.020 ca; số tử vong là 225 ca. 

Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao, Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam thông qua Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) thêm hơn 3 triệu liều vắc-xin Moderna. Trước đó, thông qua cơ chế COVAX, Chính phủ Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 2 triệu liều vắc-xin Moderna. Số vắc-xin này đã được vận chuyển đến Việt Nam ngày 10-7.

Trẻ em cũng được tiêm vắc-xin

Ngày càng có nhiều nước trên thế giới đưa trẻ em vào danh sách đối tượng được tiêm vắc-xin Covid-19. Trong số này, các bang ở Mỹ bắt đầu tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-15 tuổi từ hồi tháng 5. Trẻ em dưới 12 tuổi có thể được tiêm chủng vào đầu hoặc giữa mùa đông năm nay. Trong khi đó, người từ 65 tuổi trở lên thuộc diện được ưu tiên tiêm chủng sớm tại Mỹ. Theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ thì 79,1% người cao tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi trong giai đoạn từ tháng 12-2020 đến tháng 4-2021. Dù vậy, một số hạt có tỉ lệ người lớn tuổi tiêm chủng không cao và đây thường là nơi có nhiều người lớn tuổi sống trong cảnh nghèo, cô đơn hoặc không được tiếp cận máy tính, internet. Nhiều địa phương đã nỗ lực dỡ bỏ các rào cản liên quan để người lớn tuổi được tiêm chủng thuận lợi hơn.

Một số chuyên gia còn cho rằng giới chức y tế nên chủ động tìm hiểu lý do người lớn tuổi tại một cộng đồng nào đó không đi tiêm vắc-xin, như lo lắng về vấn đề an toàn hoặc không biết đặt lịch hẹn, để từ đó đưa ra giải pháp phù hợp.

Trung Quốc cũng đang tiến hành tiêm vắc-xin Covid-19 cho người vị thành niên trong nỗ lực sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Một số chuyên gia về vắc-xin nhận định nước này sẽ thận trọng trong việc tiêm chủng cho trẻ em bằng cách phân nhóm theo độ tuổi, sử dụng liều lượng ít hơn và ưu tiên tiêm cho người vị thành niên tại những nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

H.Phương

Tiếp tục tinh thần "4 tại chỗ"

Chiều 16-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã giao ban trực tuyến với các tỉnh khu vực phía Nam và một số địa phương lân cận TP HCM về công tác phòng chống dịch. Tại cuộc giao ban, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải nâng cao hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu hơn.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo tinh thần "4 tại chỗ". Chính phủ giao Bộ Y tế mua sắm tập trung sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế để giúp các tỉnh chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch.

Ng.Dung

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo