Ngày 8-10, Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại.
Gần 11.000 người dân phải sơ tán
Trong đó, chủ động di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ; căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương quyết định việc cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn; gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố…
Người dân vùng “rốn lũ” Tân Hóa (tỉnh Quảng Bình) sống chung với lũ Ảnh: HOÀNG PHÚC
Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các lực lượng đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện công tác sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Nước sông Hoài ở Hội An dâng cao Ảnh: QUANG LUẬT
Theo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, từ ngày 6 đến chiều 8-10, khu vực Trung Bộ có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 400 - 600 mm. Đặc biệt tại 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, tổng lượng mưa từ 700-900 mm. Các địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã tổ chức di dời, sơ tán 10.994 dân tại các khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.
Ngập lụt khắp nơi
Tại tỉnh Quảng Nam, trong ngày 8-10, mưa tiếp tục đổ xuống, nước từ thượng nguồn đổ về khiến một số khu vực thấp trũng ở huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn, TP Hội An ngập cục bộ. Hội An đã chuẩn bị phương án sơ tán các hộ dân ở vùng trũng thấp; đồng thời nghiêm cấm ghe thuyền, ca nô (trừ trường hợp làm nhiệm vụ) đi lại trên sông.
Mưa lũ cũng gây sạt lở đường sá ở các huyện vùng núi của Quảng Nam như Nam Trà My, Tây Giang. Riêng ở Tây Giang, có 7 con bò của 1 hộ dân bị sét đánh chết. Trong khi đó, 1 người đàn ông ở huyện Đại Lộc bị điện giật chết khi đang dọn đồ tránh lũ.
Tương tự, tỉnh Quảng Trị cũng ngập lụt khắp nơi. Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, xác nhận đến chiều 8-10, tại tỉnh này có 7 người bị nước cuốn mất tích (4 người ở huyện miền núi Hướng Hóa) và 1 người chết do mưa lũ.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đưa người dân vùng ngập lũ đến nơi an toàn Ảnh: ĐỨC NGHĨA
Mưa lũ cũng nhấn chìm nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Bình mà "rốn lũ" xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa là nặng nề nhất. Ở đó có hơn 100 nhà dân bị ngập sâu từ 1,2 đến 1,5 m. Đàn trâu, bò hơn 2.000 con đã được đưa lên vùng cao trong khi toàn bộ người dân ở đây đã chuẩn bị nhà phao, nhà bè để sống chung với lũ.
Do mưa lớn nên lũ trên 3 sông Kiến Giang, Nhật Lệ, sông Gianh đã vượt báo động 3 và đang dâng lên cao. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình có công điện yêu cầu các đơn vị trực thuộc có phương án chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh. Toàn tỉnh này có 268 trường với trên 87.000 học sinh đã được nghỉ học.
Sạt lở gây chia cắt giao thông
Tại TP Đà Nẵng, mưa lớn khiến 8 xã có nhà dân bị ngập nước, chủ yếu thuộc huyện Hòa Vang. Ông Phan Văn Tôn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang, cho hay sáng 8-10, các đơn vị chức năng đã đi kiểm tra thực tế và lên phương án di dời dân, khơi thông các điểm ngập úng. Tại xã Hòa Liên có 4 điểm sạt lở nặng ở dọc đường ADB5 khiến đất đỏ tràn vào nhà dân.
Người dân dùng ghe đi lại tại thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng Ảnh: BÍCH VÂN
Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, có 1.100 nhà ngập từ 0,3 m đến 0,8 m, trong đó huyện Phong Điền 900 nhà, TP Huế 100 nhà tại phường A Tây. Nhiều tuyến đường thuộc huyện Phong Điền nước lũ chia cắt nhiều đoạn, có đoạn ngập sâu từ 1 - 1,5 m. Tại huyện này cũng có 1 người chết do chìm ghe trong khi đi săn bắt chim. Do ảnh hưởng của triều cường, bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 9 km tại các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi cho biết tình trạng mưa lớn kéo dài liên tiếp trong mấy ngày qua khiến tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại nhiều huyện miền núi tỉnh này.
Tại các xã Ba Xa, Ba Lế, Ba Trang (huyện Ba Tơ); Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Thủy, Sơn Ba (huyện Sơn Hà)… đang bị nước lũ chia cắt, sạt lở xuất hiện nhiều nơi. Tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi sạt lở nhiều vị trí khiến giao thông qua tỉnh Kon Tum bị chia cắt. Mưa lớn vẫn đang kéo dài nên việc sạt lở có nguy cơ tiếp tục. Ông Trần Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.2 (Tổng cục Đường bộ), cho biết Công ty Đường bộ Quảng Ngãi đã tiếp cận hiện trường, bố trí thiết bị và nhân lực để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến.
Còn mưa lớn kéo dài
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ cho hay do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa Bắc của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Nam Trung Bộ và trường gió Đông trên cao nên tại các tỉnh từ Quảng Bình - Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to trên diện rộng trong 2 ngày tới. Sau ngày 11-10, tình hình mưa lớn ở các tỉnh Trung Trung Bộ có diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.
Bình luận (0)