Sáng 20-7, chúng tôi đi dọc đường Nguyễn Văn Bứa (ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM) nơi có khoảng 39 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai 3. Ngay mặt tiền đường bắt đầu ranh dự án đã thấy tấm bảng đỏ của UBND xã Xuân Thới Thượng thông báo mời các hộ dân có đất nằm trong dự án đến UBND xã kê khai nhà đất, phục vụ cho việc bồi thường.
Hồi hộp và mong ngóng
Nghe chúng tôi hỏi thăm, ông Võ Văn Hải, nhà 88A Nguyễn Văn Bứa, bày tỏ vui mừng xen lẫn hồi hộp vì theo ông, quy hoạch tuyến đường Vành đai 3 đã có từ lâu nhưng chưa thực hiện, nhà cửa người dân quanh khu vực này đa số đều xuống cấp nhưng ít ai dám bỏ tiền sửa sang vì chờ tin của dự án. "Nay dự án chính thức khởi động, người dân chúng tôi vừa mừng vừa hồi hộp chờ phương án bồi thường, tái định cư (TĐC). Gia đình tôi có khoảng 1.000 m2 gồm nhà ở và nhà trọ, đất trống, thuộc diện giải tỏa trắng. Tôi lớn tuổi chỉ sống nhờ tiền cho thuê nhà trọ nên khi di dời đi chỗ khác rất mong nhà nước bồi thường hợp lý, TĐC nơi mới tốt hơn nơi cũ để ổn định cuộc sống" - ông Hải chia sẻ.
Chúng tôi ghé nhà ông Nguyễn Văn Thanh, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh (TP HCM) là hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Ông Thanh bày tỏ mong ngóng khi chờ phương án bồi thường. Bởi theo ông Thanh, giá đất khu vực huyện Hóc Môn, Bình Chánh đều tăng cao so với những năm trước. "Tôi mong sớm được TĐC cũng như được bồi thường tương xứng để đại gia đình sớm ổn định cuộc sống" - ông Thanh nói. Ông hy vọng việc bồi thường, TĐC được thực hiện thật nhanh. "Nghe báo, đài nói từ nhiều năm trước dự án này vô cùng quan trọng, khi hoàn thành sẽ góp phần giúp thành phố bứt phá đi lên. Vì vậy, bản thân cũng thấy tự hào khi đã góp một phần nhỏ cho thành phố bằng sự đồng thuận để sớm có mặt bằng thực hiện dự án" - ông Thanh bộc bạch.
Khu vực các hộ dân ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM sẽ giải tỏa trắng để thực hiện dự án Vành đai 3
Có gần 2.000 m2 đất trồng lúa, thuộc ấp 11A, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi (TP HCM) bị ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai 3, anh Lê Hoàng Kết cho biết ngày 21-7, anh được UBND xã mời lên họp để thông báo chủ trương cũng như cung cấp số điện thoại và thông tin thửa đất cho cán bộ xã. "Dự án này chúng tôi nghe từ lâu nhưng nay nhà nước thực hiện thì người dân ủng hộ chủ trương, bà con cũng mong con đường sớm hoàn thành để kết nối giao thông giữa các tỉnh, thành, quận - huyện, tạo cơ hội nâng cao chất lượng sống cho người dân, bởi người dân quanh khu vực chủ yếu sống bằng nghề nông. Tuy nhiên, chúng tôi mong nhà nước ban hành giá đền bù sát thực tế để có thể mua ruộng, vườn trồng trọt, trang trải đời sống" - anh Kết kỳ vọng.
Cạnh xã Tân Thạnh Đông là xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi - nơi nhiều cánh đồng lúa nối tiếp nhau bị ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai 3. Ông Trung, một hộ dân có gần 3.000 m2 đất trồng lúa bị ảnh hưởng 1 phần của dự án này, cũng bày tỏ mong muốn nhà nước đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và TĐC để dự án sớm được thực hiện.
Đã chuẩn bị xong
Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết toàn huyện có khoảng 451 trường hợp hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai 3 với tổng diện tích 109,2 ha, đi qua 4 xã gồm Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Tân Thới Nhì, Tân Hiệp. Tổng chi phí bồi thường, TĐC khoảng 2.338 tỉ đồng. "Hiện nay, các xã đã rà soát sơ bộ, điều tra xã hội học, công khai, phổ biến, tuyên truyền thông tin đến người dân và vận động người dân cho đo đạc, thống kê thu thập hồ sơ pháp lý cho dự án" - Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn thông tin. Về bố trí nền TĐC cho người dân, theo ông Dương Hồng Thắng, UBND huyện đã xây dựng phương án tạo quỹ đất nền, đã trình Thường trực Huyện ủy thống nhất bố trí 70 nền tại xã Xuân Thới Đông cho người dân bị ảnh hưởng.
Tương tự, ông Phạm Văn Lũy, quyền Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết địa phương cũng đang khẩn trương rà soát, thống kê số trường hợp hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, đồng thời tuyên truyền thông tin để người dân được rõ. Qua rà soát toàn huyện, có khoảng 452 hộ giải tỏa trắng trong tổng số 717 hộ bị ảnh hưởng, kinh phí bồi thường khoảng 8.700 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng, TĐC. "Nói chung, mọi thứ đã sẵn sàng" - ông Phạm Văn Lũy nói.
Anh Lê Hoàng Kết - ngụ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP HCM - được UBND xã mời lên để thông tin về dự án Vành đai 3
Nói rõ hơn về việc bồi thường giải phóng mặt bằng và TĐC, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, khẳng định mọi việc đang được triển khai đúng tiến độ. Theo ông, dự án sẽ giải phóng mặt bằng hơn 640 ha đất, riêng TP HCM là 408 ha; bố trí TĐC khoảng 1.476, trong đó TP HCM là 740 hộ ở TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh. "Để bảo đảm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ TĐC đúng tiến độ đề ra, Sở TN-MT đã có đề án thí điểm chủ trương giải quyết TĐC trước khi thu hồi đất cho người dân trình UBND thành phố thông qua. Đề án dự kiến trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 9-2022. Sau khi được Chính phủ phê duyệt, thành phố sẽ triển khai đến các địa phương. Theo đó, trong tháng 10-2022, sẽ trình duyệt giá nền đất tái định cư; tháng 11-2022 phê duyệt giá căn hộ chung cư tái định cư. Đặc biệt, sở đề xuất UBND thành phố phê duyệt giá TĐC trước khoảng 6 tháng so với thời điểm phê duyệt giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ" - ông Võ Trung Trực thông tin.
Phó Giám đốc Sở TN-MT TP HCM cho biết thêm: Theo đề xuất, nếu đất, công trình, vật kiến trúc của người dân cao hơn giá trị đất TĐC thì hội đồng bồi thường của dự án có thể tạm ứng trước tiền chênh lệch đối với trường hợp người dân nhận nền TĐC bằng nền đất. Trong đó, hộ dân nhận nền TĐC phải cam kết sử dụng tiền để xây nhà mới, đồng thời cam kết bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Lý giải đề xuất này, theo ông Võ Trung Trực, hiện nay, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ TĐC được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số khuyết điểm như người dân có nhà đất bị ảnh hưởng thường chậm bàn giao mặt bằng, do sau khi nhận tiền bồi thường và quyết định bố trí TĐC thì cần thời gian 6 tháng để xây dựng nhà. Khi nhà nước cần mặt bằng để thi công thì phải chi trả một số tiền để người dân thuê nhà tạm cư, vừa tốn kém kinh phí của nhà nước vừa tốn công sức của người dân do phải di chuyển chỗ ở nhiều lần.
Về quỹ đất TĐC, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP HCM thông tin hiện TP Thủ Đức đã có khu TĐC phường Long Bình - Long Thạnh Mỹ (giai đoạn 2) và 2 khối chung cư C7, C8 tại phường Tăng Nhơn Phú A để chuẩn bị bố trí cho các hộ đủ điều kiện TĐC trong dự án xây dựng đường Vành đai 3. Tương tự, huyện Bình Chánh dự kiến bố trí TĐC tại khu TĐC 30 ha (xã Vĩnh Lộc B) và khu TĐC trong dự án khu dân cư cụm công nghiệp An Hạ cùng các khu TĐC khác. Riêng huyện Củ Chi, Hóc Môn, đã sẵn sàng quỹ đất nền bố trí TĐC cho người dân.
Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để khai thác quỹ đất
Theo ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) TP HCM, việc khai thác giá trị sử dụng đất dọc 2 bên tuyến Vành đai 3 là mục tiêu lâu dài để tạo nguồn vốn và phát triển các khu đô thị mới, các khu chức năng dịch vụ, công nghiệp hiệu quả cao.
Mục tiêu trọng tâm khai thác quỹ đất dọc 2 bên đường đã được Sở QH-KT đề xuất UBND TP HCM là điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với các chức năng ở đô thị và hạ tầng dịch vụ, hạ tầng công nghiệp (khu công nghệ cao, khu logistics, khu du lịch, văn hóa giải trí...). Trong đó, ưu tiên các phương án điều chỉnh quy hoạch ở cấp độ quy hoạch phân khu; tái phân bổ các chỉ tiêu dân số và sử dụng đất đô thị ở các khu vực theo hướng tăng độ nén ở các khu vực có tiềm năng khai thác hiệu quả, thu hồi chỉ tiêu dân số, giảm độ nén ở các khu vực dự án chậm triển khai, khai thác không hiệu quả.
Bình luận (0)