Mặc dù UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động san ủi, khai thác đất trái phép nhưng tình trạng này vẫn đang diễn tra tràn lan trên hầu hết 12 huyện và thành phố ở tỉnh này, gây thất thoát tài nguyên kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường.
Clip: Cận cảnh múc đồi san gạt đất tràn lan ở huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng)
Múc đồi, xẻ núi khai thác đất
Những ngày đầu năm 2022, chúng tôi có mặt tại trục đường tỉnh lộ 721 thuộc các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng. Không khó bắt gặp những quả đồi ven tỉnh lộ này bị cày xới nham nhở. Từng đoàn xe tải, xe ben và máy múc hoạt động rầm rộ trên các quả đồi, núi cao đua nhau múc đất và vận chuyển đi tiêu thụ.
Nhiều khoảnh đồi điều, tràm… của người dân bị cày xới, cạo trọc và múc đất nham nhở lộ ra những rãnh hố sâu, đỏ lừ của đất bazan cực kỳ nguy hiểm. Nhiều đoạn đường thuộc tỉnh lộ 721 đoạn qua 3 huyện này bị xuống cấp, xuất hiện hàng loạt hố "gà", hố "voi", bụi mù vào mùa nắng và sình lầy sau mỗi trận mưa.
Tuyến đường người dân khóc ròng vì ô nhiễm bụi mù
Tại khu vực trước bến xe huyện Đạ Tẻh, phóng viên chứng kiến có tới 4 -5 quả đồi cao bị các doanh nghiệp cho xe múc, xe tải thi nhau cày xới loang lổ, ven hai bên đường nhà cửa và hàng quán của người dân phải đóng cửa im ỉm vì bụi mù bám lớp lớp.
Bà Phan T.Tr (54 tuổi, ngụ xã Đạ Kho), một người dân sống gần các quả đồi bị cày xới, chia sẻ: "Giá đất đồi ở đây hiện đang rất sốt, các đơn vị khai thác bán ra rất cao nhưng nhu cầu người mua vẫn tấp nập nên các doanh nghiệp đua nhau đào bới, san gạt công khai, có khi san ủi cả quả đồi cả ngày lẫn đêm mà chả thấy lực lượng chức năng xử lý. Thời gian đầu, cách đây hơn 1 năm, do ô nhiễm vì bụi bặm, sình lầy quá nhiều, người dân chúng tôi phản ánh lên xã, huyện nhưng rồi cũng chán buông xuôi luôn, đóng cửa nhà kín mít các chú thấy đó" – bà Tr. bức xúc.
Những quả đồi cao bị đào xới.
Tương tự, ông N.P, cho biết ở địa phương này mua đất đồi để san lấp mặt bằng khi có nhu cầu thì rất dễ dàng. "Các chú không tin, hãy lên liên hệ các chủ xe múc đang hoạt động đó hỏi mua là có giá cả ngay, thỏa thuận hợp lý là họ chở bán công khai chứ lén lút gì đâu mà e ngại" - ông P nói.
Quả thực vậy, khi chúng tôi mon men tìm hiểu thì gặp một tài xế xe tải tên N. Tại đây chúng tôi biết được các loại giá đất giao động từ 200.000 – 350.000 đồng/xe (đất tạp lẫn đá sỏi), đất đỏ bazan màu mỡ dùng để trồng cây có giá hơn 500.000 đồng/xe.
Chỉ tay về phía các xe múc đang hoạt động, tài xế N. cho biết hãy liên hệ chủ đất ở đó nếu có nhu cầu mua đất san lấp mặt bằng. "Giá cả giao động cao thấp tùy theo vị trí vận chuyển từ nơi khai thác đến điểm san lấp là xa hay gần, các anh bồi dưỡng thêm ít thì tụi em chở nhanh ngay ấy mà" - tài xế N nói. Tuy nhiên, khi chúng tôi tỏ vẻ thắc mắc về giấy phép khai thác thì tài xế bảo chỉ chở thuê, ai gọi thì chở thôi chứ không quan tâm phép tắc gì.
Xử phạt chưa đủ răng đe!
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tống Giang Nam, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), cho biết huyện quán triệt rõ ràng và làm rất quyết liệt tình trạng khai thác đất trái phép. Hiện tại địa bàn huyện Đạ Tẻh có 3 giấy phép khai thác đất được tỉnh cấp phép, còn lại một số đơn vị khác khai thác không phép có dấu hiệu vi phạm thì đều được UBND huyện tiến hành kiểm tra và xử phạt nghiêm.
Mỗi ngày có tới hàng chục xe tải chở đất hoạt động rầm rộ.
Nói về tình trạng ô nhiễm bụi và sình lầy thường xuyên xảy ra đoạn đối diện bến xe liên huyện Đạ Tẻh, ông Nam cho biết thêm: "Chúng tôi thường xuyên cho doanh nghiệp tưới nước và quét đường liên tục. Hiện, đoạn đường này UBND huyện tiến hành làm vòng xoay nên bụi bặm là không tránh khỏi, người dân cũng phản ánh nhiều lắm nhưng đành chịu trong thời gian ngắn nữa khi được thảm nhựa sẽ đẹp thôi" - ông Nam nói.
Trước tình trạng san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép, Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi các địa phương trong tỉnh phối hợp xử lý. Trong đó, đề nghị chuyển hồ sơ các trường hợp vi phạm nhiều lần, cố tình vi phạm, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, thất thoát tài nguyên sang cơ quan công an để điều tra, xử lý.
Những quả đồi bị đào xới nham nhở.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng có chỉ đạo nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông dòng chảy, san gạt cải tạo mặt bằng, cải tạo đất, đào ao, hồ để khai thác khoáng sản trái phép; xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Tuy nhiên, với mức xử phạt chưa đủ răn đe, trách nhiệm người đứng đầu chưa bị xử lý nghiêm nên tình trạng san gạt, khai thác đất ở Lâm Đồng vẫn diễn ra tràn lan mỗi ngày.
UBND huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Bùi Thị Thư, (địa chỉ thôn 4, xã Đạ Kho) với số tiền 25 triệu đồng và phạt bổ sung 1,05 triệu đồng với giá trị 36m3 khoáng sản đã tiêu thụ.
Phạt Công ty TNHH Phượng Hùng, (địa chỉ thôn 4, xã Đạ Kho) với số tiền 23 triệu đồng do vi phạm "khai thác khoán sản vượt công suất được cho phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản vượt dưới 15%" buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Một số hình ảnh những quả đồi bị múc đất nham nhở nhìn từ trên cao:
Những quả đồi bị đào xới, cạo trọc nham nhở nhìn rất nguy hiểm.
Bình luận (0)