Khoảng 4 giờ sáng 26-1, nhiều địa phương ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh… bắt đầu xuất hiện sương mù. Khoảng 1 giờ sau, sương mù dày đặc và kéo dài đến gần 8 mới bắt đầu tan dần.
Sương mù dày đặc trên tuyến đường từ TP Sóc Trăng về huyện Mỹ Xuyên
Sương mù dày đặc khiến tầm nhìn xa chỉ còn khoảng 200-300 m. Đường dẫn lên cầu Cần Thơ, nhiều phương tiện mặc dù bắt đèn sáng nhưng vẫn phải di chuyển chậm do sương mù che mất tầm nhìn.
Sương mù dày đặc còn khiến nhiều nhà nông ra đồng đầu năm tỏ ra lo lắng bởi sâu bệnh sẽ xuất hiện nhiều hơn sau mỗi đợt sương mù xuất hiện. Ông Võ Văn Vinh (ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), đang ra thăm ruộng cải ngọt sáng mùng 2 Tết, tỏ ra âu lo: "Sương mù dày đặc lúc sáng sớm sẽ kéo theo nắng gay gắt vào ban ngày. Đêm đến, độ lạnh sẽ tăng cường nên sâu bọ sinh sôi rất nhanh, lo ăn nhậu mấy ngày Tết mà không theo dõi rau cải là coi như "tiêu đời" chỉ sau một đêm".
Sương mù dày đặc ở phường 4, TP Sóc Trăng
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sóc Trăng, nhiệt độ cao nhất ban ngày trong dịp Tết là 32-33 độ C, ban đêm xuống 21-22 độ C. Hiện, không khí lạnh tràn về nên độ ẩm lúc sáng sớm tăng cao là nguyên nhân xuất hiện sương mù từ mùng 1 Tết và có thể kéo dài đến mùng 4 mới hết.
Bình luận (0)