Sáng nay, 28-3, Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" với sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan chuyên môn; lãnh đạo TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai cùng nhiều chuyên gia đô thị, pháp luật, kinh tế; doanh nghiệp bất động sản.
Hội thảo này sẽ là sự tổng hợp toàn diện những hiến kế mang tính đột phá trong phát triển nhà ở xã hội nhằm đạt được mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 của Bộ Xây dựng; mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ và chương trình phát triển nhà ở xã hội của TP HCM.
Hội thảo cũng đồng thời khép lại chủ đề "Chỗ ở và nhà ở cho người thu nhập thấp", mở ra chủ đề mới cho cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 4 đợt 2.
Quang cảnh hội thảo
Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp hiện nay rất lớn và cấp bách. Số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.
Tiêu điểm sự kiện
12:54 ngày 28/03/2023
Tăng cường chống trục lợi trong nhà ở xã hội
Tổng kết hội thảo, Tiến sĩ - Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết sau gần 3 giờ đồng hồ đã có gần 20 ý kiến chia sẻ, phát biểu. Nhất là có 2 ý kiến công nhân, đây là những tiếng nói từ cuộc sống; cùng với đó là phát biểu của doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội.
Theo Tiến sĩ - Nhà báo Tô Đình Tuân, đối với người lao động, công nhân việc an cư lạc nghiệp là giấc mơ rất lớn. Khi có một mái ấm, nơi đi về sau một ngày làm việc mệt nhọc sẽ giúp người lao động nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe.
"Nói như nhiều đại biểu, chưa bao giờ chính sách dành cho nhà ở xã hội tốt đẹp, thuận lợi như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, trong đó về thể chế, nguồn vốn, lãi suất, quỹ đất hạn hẹp, một số địa phương không có quỹ đất…
10 giải pháp đưa ra tại hội thảo được Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đúc kết.
Một là cần thay đổi quan điểm, cách tiếp cận vấn đề, cần xác định rõ nhà ở xã hội là kinh tế xã hội: Có kinh tế nhưng mục tiêu không chỉ là lợi nhuận mà còn là trách nhiệm xã hội, có tính nhân văn, có lợi nhuận nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng và cao nhất.
Hai là tháo gỡ vướng mắc về thể chế, thủ tục pháp lý như điều chỉnh quy hoạch cần hợp lý hơn…
Ba là cần xây dựng nguồn vốn bền vững: Nhà nước có cơ chế đặc biệt, còn ngân hàng cho vay với lãi suất hợp lý.
Bốn là cần chủ động tạo quỹ đất ở các khu đô thị lớn.
Năm là tạo đột phá từ con người, làm gì thì con người vẫn là quyết định. Theo ông Tô Đình Tuân, nhóm giải pháp 1 và 5 có liên thông với nhau. Dự án nhà ở xã hội là dự án có tính cộng đồng, nhân văn. Nếu những người thực thi, cán bộ, công chức hiểu được ý nghĩa tốt đẹp này sẽ tạo điều kiện tốt hơn, bằng tấm lòng của mình để thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội.
Tiến sĩ - Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động phát biểu tổng kết hội thảo
Sáu là nhà ở xã hội cần có thiết kế linh hoạt, phù hợp với từng địa phương; xây dựng thành một hệ sinh thái.
Bảy là ứng dụng vật liệu mới, ưu tiên cho vật liệu lắp ráp giảm chi phí, giá thành.
Tám là xây dựng nhà ở xã hội đúng nơi đối tượng cần, không xây dựng tràn lan.
Chín là xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu nhà ở xã hội, do dữ liệu hiện nay còn lẻ mẻ.
Ngoài ra, ông Tô Đình Tuân cho rằng cần phải tăng cường chống trục lợi trong nhà ở xã hội. "Dưới nhà ở xã hội nhưng thấy xe hơi sang, đắt tiền hoặc có trường hợp sang tay nhà ở xã hội. Như vậy làm mất ý nghĩa nhà ở xã hội, mất động lực cho doanh nghiệp"- ông Tô Đình Tuân bày tỏ.
Mười là cần tăng cường hơn nữa thông tin truyền thông về nhà ở xã hội.
Ông Tô Đình Tuân cho biết từ năm ngoái, Báo Người Lao Động đã phát động Cuộc thi lắng nghe người dân hiến kế lần 4, trong đó có giai đoạn tập trung về nhà ở xã hội.
Với hội thảo này, Báo Người Lao Động khép lại giai đoạn hiến kế nhà ở xã hội, những vẫn tiếp tục tiếp nhận các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà nghiên cứu.
"Các cơ quan báo chí, truyền thông cùng chung tay để cùng góp phần thực hiện mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội"- Tổng Biên tập Báo Người Lao Động gửi gắm.
12:42 ngày 28/03/2023
Thực hiện một số chính sách phát triển nhà ở phục vụ công nhân, người lao động
Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị tiếp tục thực hiện một số chính sách để phát triển nhà ở phục vụ nhu cầu công nhân, người lao động.
Theo đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện một số chính sách phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội; hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai.
Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trong đó lập quy hoạch bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, công vụ, tái định cư. Bố trí hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách, huy động hiệu quả nguồn vốn ngoài nước nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về thuế để phát triển nhà ở, đơn giản hóa thủ tục hành chính đầu tư phát triển nhà ở.
12:21 ngày 28/03/2023
Phải có hệ sinh thái xây nhà ở cho người thu nhập thấp
Tại hội thảo, TS Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng tập trung đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhà ở cho lao động ở các KCN-KCX. Liên quan đến luật pháp, chính sách khá rõ ràng và đạt được kết quả nhất định, giải quyết được những bất cập về nhà ở trong giai đoạn trước.
Trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất đảm bảo an sinh cho người lao động có thu nhập thấp. Đảm bảo mục tiêu của Chính phủ xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người lao động thu nhập thấp.
Về quan điểm, đây là một phần của chính sách xã hội, một chính sách vô cùng nhân văn. Chính sách nhằm đầu tư, quan tâm đến công nhân.
Liên quan gói 120.000 tỉ đồng của Ngân hàng nhà nước… là chính sách đảm bảo nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, cho công nhân. Tín dụng cho họ phải là tín dụng xã hội, không giống tín dụng thương mại, lãi suất cao… phải là lãi suất thấp, thời gian ổn định.
Mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội không thể áp dụng cho tất cả địa phương giống nhau, phải có sự khác biệt, rõ ràng. Các mô hình nhà ở cho thuê hay bán cũng phải khác nhau.
Bên cạnh đó, phải huy động vai trò đóng góp của doanh nghiệp, các tập đoàn chăm lo cho người lao động, chẳng hạn các tập đoàn cam kết với Chính phủ như Vingroup, Sungroup…
Quang cảnh hội thảo
Về loại hình thuê, mua, cơ cấu sản phẩm phải được quan tâm. Thuê, mua phải đạt 50% cơ cấu… Như TP HCM có 35.000 căn, thuê 7.000 căn là quá thấp. Người lao động, người dân nếu họ giàu có, khá giả hơn thì chuyển từ thuê sang mua hoặc chuyển đi mua nơi khác. Về vai trò Nhà nước, đầu tư nhà ở sử dụng cho nhiều người.
Tín dụng cho vay, quỹ nhà ở cho người mua khác nhau, 50-50 hay 40-60 nhưng tín dụng phải thấp đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng này.
Phải có hệ sinh thái xây nhà ở cho người thu nhập thấp. Ngoài nhà ở còn phải có y tế, giáo dục, xã hội… các yếu tố này quyết định người lao động có đến ở hay đầu tư không, đầu tư các thế hệ cho địa phương trong tương lai.
12:12 ngày 28/03/2023
Hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm
Chia sẻ về Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5-2023, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết tại Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định về hình thức hỗ trợ nhà ở xã hội, trong đó quy định hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tại tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để mua, thuê mua hoặc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội.
"Đây là quy định cũ đã được thể hiện trong Thông tư số 25/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng từ năm 2021 đến nay đã bị bãi bỏ, việc luật hóa biện pháp hỗ trợ này chính là điểm sáng trong đợt sửa đổi Luật Nhà ở sắp tới, mở rộng khả năng tiếp cận nhà ở của người dân"- luật sư Hậu nêu quan điểm.
Theo ông, để tạo điều kiện đầu tư phát triển nhà ở xã hội trong thời gian sắp tới, Nhà nước không chỉ dừng lại ở việc áp dụng các chính sách hỗ trợ tích cực được đề cập trong dự thảo Luật mà nên suy xét, xây dựng thêm những nội dung khác về mức vốn cho vay cũng như thời hạn cho vay theo hướng có lợi hơn cho người hưởng chính sách hỗ trợ.
Các gói tài chính nên được kéo dài hơn, tối đa 20 năm hoặc 25 năm, với các mức hỗ trợ tối đa 80% hoặc 85% giá trị hợp đồng, bởi nếu chờ tích lũy đủ tiền để mua, thuê mua nhà ở xã hội với mức giá như hiện nay thì người có thu nhập thấp gần như không có cơ hội, trong khi đây lại là đối tượng chính cần được hưởng các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan chính quyền.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM đề nghị cần phải thể hiện cụ thể về trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận, đơn vị
Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, Điều 74 Dự thảo Luật quy định hộ gia đình nghèo và cận nghèo ở khu vực nông thôn là một trong các đối tượng đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ.
Tuy nhiên, đối với vùng nông thôn thì không nên dựa vào tiêu chí hộ nghèo hay hộ cận nghèo mà phải tính theo tỉ lệ thu nhập trên giá nhà ở trung bình, như thế sẽ tạo điều kiện cho việc áp dụng phương thức tính mức giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng tính bỗ trợ của các quy định và tạo điều kiện cho người dân nhận được nhiều lợi ích hơn.
Luật sư Hậu cho biết ở các nước công nghiệp có quy định về chính sách "đầu tư có trách nhiệm". Do đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng nên có quy định cụ thể trách nhiệm đối với việc xây dựng nhà ở cho công nhân.
Cần phải thể hiện cụ thể về trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận, đơn vị nào có nhiệm vụ lo tài chính, đơn vị nào đóng vai trò là chủ đầu tư, đơn vị nào tìm kiếm và tiếp cận đất đai. Việc quy định rõ cụ thể từng trách nhiệm sẽ hạn chế tình trạng đùn đẩy dẫn đến không ai thực hiện.
12:03 ngày 28/03/2023
Nguồn vốn cho vay phát triển nhà ở xã hội không thiếu
Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, cho hay ngân hàng chính sách cho đối tượng mua, thuê mua và xây mới, cải tạo nhà ở theo quy định với 5 nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật; người có thu nhập thấp, hộ nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định. Đến nay, dư nợ cho vay tại NHCSXH đạt 10.729 tỉ đồng với 29.577 khách hàng còn dư nợ.
Đối với Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHCSXH cho vay trong năm 2022 đạt 4.183 tỉ đồng với 11.545 khách hàng vay vốn.
Về hồ sơ, thủ tục vay vốn, hiện nay NHCSXH thực hiện theo quy định tại Nghị định 100, Nghị định 49 và Thông tư số 09/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng và NHCSXH. Thủ tục cho vay đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện.
Về nguồn vốn cho vay, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, NHCSXH được giao tổng số 15.000 tỉ đồng để cho vay chương trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, và số vốn còn lại để cho vay trong năm 2023 là gần 11.000 tỉ đồng.
"Như vậy, khẳng định về nguồn vốn để cho vay chương trình này trong 2 năm 2022 và 2023 là không thiếu" – ông Huỳnh Văn Thuận nói. Theo ông, đến nay danh sách các địa phương gửi về thì nhu cầu vốn chỉ hơn 4.300 tỉ đồng, như vậy còn gần 7.000 tỉ đồng.
Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chia sẻ trực tuyến tại hội thảo.
Lý giải tình trạng "ế" vốn này, ông Huỳnh Văn Thuận cho hay có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn khan hiếm, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch đăng ký, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình.
Thứ hai, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay vốn (chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện việc xây dựng mới nhà để ở, đối tượng thuộc diện có phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân…);
Thứ ba, một số dự án nhà ở xã hội chủ đầu tư đã thế chấp để vay vốn ngân hàng thương mại thực hiện dự án, khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên khi các hộ này làm thủ tục vay vốn tại NHCSXH không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm, không đáp ứng được điều kiện về bảo đảm tiền vay để được giải ngân.
Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình cho vay nhà ở xã hội, NHCSXH có một số đề xuất, kiến nghị Bộ xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vay vốn của các đối tượng; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội, tạo nguồn cung.
Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở, quy hoạch, phát triển quỹ đất, phát triển nhà ở theo dự án, phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.
11:46 ngày 28/03/2023
Ngân hàng sẵn sàng cho vay
Ở góc độ vừa là một doanh nghiệp, vừa là đơn vị cho vay, ông Nguyễn Minh Trí, thành viên Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đánh giá cao các doanh nghiệp sử dụng quỹ đất của mình để xây nhà ở xã hội nhưng đây không phải là giải pháp căn cơ.
Ông Nguyễn Minh Trí, thành viên Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) phát biểu tại hội thảo
Chia sẻ về vấn đề cho vay, ông Trí cho hay ngân hàng lo nhất là pháp lý của dự án. Nếu pháp lý dự án đảm bảo, năng lực doanh nghiệp đảm bảo thì ngân hàng sẵn sàng cho vay để doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội. Đây cũng là trách nhiệm của ngân hàng trong góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
11:41 ngày 28/03/2023
Cần thay đổi quan điểm phát triển nhà ở xã hội
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng cần thay đổi quan điểm phát triển nhà ở xã hội để lo chỗ ở cho người nghèo, người thu nhập thấp để có chỗ ở với giá thấp.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng cần thay đổi quan điểm phát triển nhà ở xã hội
Theo đó, ưu tiên hơn về đất đai, vốn để lo chỗ ở cho người nghèo và hướng tới chính sách cho thuê. Nhà nước quản lý đất công, vốn và cần sử dụng nguồn lực này để làm nhà cho người thu nhập thấp thuê. Khi triển khai cần có chính sách tốt trong xây dựng để đảm bảo chất lượng công trình.
11:37 ngày 28/03/2023
Nhà ở xã hội không phải ban, tặng, cho
Chia sẻ kinh nghiệm tại địa phương, ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết phát triển nhà ở xã hội là chủ trương chung của Chính phủ nhưng ở mỗi địa phương khác nhau.
Khi người lao động đến Bình Dương làm việc, UBND tỉnh xem đây là cơ hội cũng là thách thức cho địa phương. UBND tỉnh đã làm việc với Becamex để phát triển nhà ở xã hội gắn liền hệ sinh thái như y tế, giáo dục, giao thông… Người lao động phải được hưởng tất cả tiện ích xã hội như bao người dân khác. Nếu đưa đi xa, đi lại khó khăn, người lao động thu nhập khó lại càng khó. Nhà ở xã hội gắn với hệ sinh thái không thể tách rời.
Ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho rằng nhà ở xã hội là một sản phẩm nhà ở, nhà nước phải đóng vai trò để nhà ở xã hội có giá phù hợp.
Về mặt tổng quan, nhà ở xã hội là một sản phẩm nhà ở, nhà nước phải đóng vai trò để nhà ở xã hội có giá phù hợp. Không phải ban, tặng, cho… Nhà ở xã hội cần các chính sách phù hợp nhất tùy thu nhập từng địa phương.
Tất cả doanh nghiệp đều mong muốn đóng góp cho phát triển nhà ở xã hội nhưng gặp nhiều vướng mắc về vấn đề pháp lý, nguồn vốn… Vì thế, các gói kích cầu của Chính phủ phải giải quyết được nguồn vốn. Các quỹ vay phải có chính sách hỗ trợ người lao động cụ thể hơn, vay dài hạn 25-35 năm mới tiếp cận được nhà ở xã hội.
Vấn đề thuê hay sở hữu, thuê là vấn đề ban đầu nhưng sở hữu là vấn đề lâu dài. Muốn người lao động sở hữu nhà ở thì phải có nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp, lâu dài.
11:31 ngày 28/03/2023
Lập tổ giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp
Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng nhà ở xã hội, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho biết đầu tiên là phải có quỹ đất. Từ năm 2006, tỉnh đã dành 7% đất ở cho các dự án nhà ở trên địa bàn.
Quỹ đất này được tạo ra từ nhiều nguồn. Vừa qua, tỉnh đã thống kế, rà soát các nhà đầu tư đã có đất sẵn, nếu chưa đầu tư thì khuyến khích đầu tư.
Nguồn đất thứ 2 là do đất nhà nước quản lý. Nguồn này rất lớn, dự kiến lấy một phần để có quỹ đất sạch, mời gọi đầu tư.
Nguồn đất thứ 3 là đánh giá lại quy hoạch phân khu, các doanh nghiệp đã hết thời hạn thuê đất… tỉnh sẽ thống kê, rà soát lại để tạo quỹ đất. Cùng với đó là quỹ đất các doanh nghiệp đề xuất, thu thập lại thành các danh mục, có định hướng đầu tư.
Ngoài ra, tỉnh cũng rà soát lại quỹ đất phát triển công nghiệp từ năm 1995 đến nay với khoảng 10%, tỉnh đang nghiên cứu 1 đề án cây xanh kết hợp nhà ở xã hội. Đây là nguồn quỹ đất cho sau năm 2030.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh đã lập tổ giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng phát triển các tuyến đường Vành đai 3, 4 và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Khi triển khai các dự án này cũng tạo ra một quỹ đất khoảng 900 ha, trong đó dành ít nhất 20% để phát triển nhà ở xã hội.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cũng chia sẻ tỉnh đã lập tổ giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp.
11:21 ngày 28/03/2023
Sẽ đơn giản hóa nhiều thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ một số nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng phát triển nhà ở xã hội. Đó là cơ chế chính sách; quỹ đất; nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra. Theo ông, những nội dung này đã được Bộ Xây dựng tổng kết đánh giá và điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10-2023.
Về câu hỏi làm thế nào để đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, theo ông, vấn đề đầu tiên là hoàn thiện thể chế chính sách, trong đó Bộ Xây dựng đang sửa đổi Luật Nhà ở 2014.
Trong đó, về việc quỹ đất chưa đảm bảo nhu cầu, sắp tới các doanh nghiệp có quỹ đất thuộc sở hữu hợp pháp thì được chỉ định làm chủ đầu tư khi phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở.
Về trình tự thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, hiện nay thủ tục vướng mắc, khó khăn, thậm chí là nhiều thủ tục hơn dự án thương mại. Những dự án nhà ở xã hội được Nhà nước ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, theo dự thảo sắp tới sẽ miễn tiền nhưng không thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất. Thủ tục này doanh nghiệp phản ánh mất 1-2 năm.
Việc lựa chọn chủ đầu tư theo pháp luật đấu thầu cũng được cắt giảm nhiều thủ tục.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ một số nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra, dự kiến đối với đối tượng được thuê nhà ở xã hội thì không phải đảm bảo nhiều điều kiện như hiện nay, và chỉ tính thu nhập từ tiền lương, tiền công chứ không phải tổng thu nhập như hiện nay. Đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội thì quy định chưa có nhà ở hoặc diện tích trung bình dưới 10m2/người. Như vậy, dự thảo cắt giảm nhiều thủ tục về khâu xác định đối tượng thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Nhiều đại biểu bức xúc về nguồn vốn, theo ông Hà Quang Hưng, quả thật trong thời gian qua có hành lang pháp lý để đảm bảo nguồn vốn, người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nhưng trong quá trình thực hiện thì không cân đối đủ để cho chủ đầu tư, người dân vay. Thực tế sau khi kết thúc gói 30.000 tỉ đồng thì nguồn vốn cũng có hạn chế, chỉ có ngân hàng chính sách xã hội được bố trí nhưng cũng thấp hơn so với nhu cầu.
Nguồn vốn, các gói hỗ trợ kết thúc mà chưa có gói khác thì đứt gãy nguồn cho chủ đầu tư, người dân, việc này cũng vượt thẩm quyền của Bộ và Bộ đề xuất lên cấp cao hơn.
Về cơ chế chính sách, nguồn vốn thủ tục đầu tư, nếu Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua vào kỳ họp tháng 10-2023 thì sẽ trình nghị quyết thí điểm về phát triển nhà ở cho công nhân, có hiệu lực sớm hơn luật nhà ở.
Đối với đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã giải trình Chính phủ và dự kiến ban hành ngay trong tháng 3-2023 để có cơ sở thực hiện.
Ngoài ra, gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng từ Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm triển khai để tăng nguồn lực phát triển nhà ở xã hội.
Ông Hà Quang Hưng cũng đề nghị người đứng đầu các địa phương cần xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị và quyết tâm phải làm.
11:01 ngày 28/03/2023
Cần tăng số lượng nhà ở xã hội cho các tỉnh Đông Nam Bộ
Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng nếu đột phá phải bắt đầu từ ý tưởng, hiện Bộ Chính trị, Quốc hội đã có ý tưởng thực hiện 1 triệu căn nhà ở xã hội. Nhưng thực tế, Thủ tướng và Phó Thủ tướng mời 10 doanh nghiệp thực hiện 1 triệu căn nhà ở xã hội như Vingroup, Sungroup, Novaland, Nam Long… Trong đó, TP HCM dự kiến 43.000 căn, Bình Dương 42.000 căn, Đồng Nai 10.000 căn. Với TP HCM có 10 triệu dân như thế có ít quá không? 3 địa phương này phải xem lại, tăng lên nhiều lần.
Theo ông Trương Anh Tuấn, về cơ chế chính sách, đất, vốn, thủ tục hành chính… Hiệp hội Bất động sản đã làm 10 năm nay, chưa thấy lúc nào cơ chế chính sách tốt như hiện nay.
Về quỹ đất, chính quyền dành 20% quỹ đất rất lớn. Nhiều nơi, doanh nghiệp tự bỏ quỹ đất, họ tự đầu tư, giải phóng mặt bằng.
Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Về vốn, công nhân, người lao động không thể mua được nhà với lãi suất 9%-10%, lãi suất này chỉ phục vụ cho chủ đầu tư xây nhà. Ngân hàng cho vay lãi suất 4,8%-5%, công nhân, người lao động mới mua được nhà, không thì chỉ là thuê. Nhiều người chưa tiếp cận xin trả lại nhà vì không chịu nổi với lãi suất thương mại. Cho nên, phải có gói cho vay đối với người chưa tiếp cận nhà ở xã hội. Họ phải được ưu tiên mới giữ được nhà. Chính phủ, ngân hàng, địa phương phải có chính sách cho vay vốn ưu đãi. Đây là vấn đề vướng mắc nhất, cần phải được giải quyết.
Thủ tục hành chính, phải 5-10 năm mới hoàn thành dự án. Trước đây, một sở giải quyết 3-10 ngày, nay 30 ngày giải quyết chưa xong. Chúng tôi cần một quy trình mạnh hơn. Hiện nay, để có quỹ đất làm nhà ở xã hội, thời gian lâu và vướng mắc. Cần có sự đột phá về thủ tục hành chính ở các địa phương lớn như Hà Nội, TP HCM…
Vai trò của Tổng LĐLĐ Việt Nam phải mạnh hơn, tổ chức của người lao động phải có tiếng nói mạnh hơn như gói vay 4,8% cho công nhân. Ngoài việc có nhà ở cần phải có những chính sách an sinh xã hội khác.
Cuối cùng vai trò của báo chí, truyền thông để khi doanh nghiệp tham gia dự án nào đó không có cảm giác bị bỏ rơi, người lao động nghèo cảm giác được quan tâm. Có như thế doanh nghiệp mới sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích để thực hiện nhà ở xã hội cho người lao động.
10:53 ngày 28/03/2023
Cần giảm lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội
Là một doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Vướng đầu tiên là câu chuyện điều chỉnh quy hoạch, mất rất nhiều thời gian ở khâu này. Nói về câu chuyện chính doanh nghiệp mình, ông Nghĩa nói phải mất 4 năm để xin điều chỉnh từ 12 tầng lên 14 tầng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dự án của công ty ông đã được tháo gỡ, tiến độ được đẩy nhanh khi được các sở, ngành thành phố vào cuộc.
Một vấn đề khác cũng được ông Nghĩa nêu ra là khâu chấp thuận đầu tư, xin ý kiến các sở ngành rất lâu, có khi 6 tháng không thấy trả lời.
Từ đó, ông Nghĩa cho rằng cần đột phát ở những điều này, cũng như đột phá con người. "Nhiều khi lãnh đạo TP HCM, sở, ngành rất quyết tâm nhưng lại chậm ở các chuyên viên - những người trực tiếp xử lý hồ sơ của doanh nghiệp" – ông Nghĩa nói.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành phát biểu tại hội thảo
Ông cũng nói thêm câu chuyện về vốn. Ông Nghĩa cho hay nghe nhiều, nhiều lắm về gói vay ưu đãi này, ưu đãi kia nhưng toàn nghe trên báo, trên ti vi chứ chưa thấy đâu. Trong khi đó, lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội là 14%, gần đây giảm còn 12%. Mức lãi vay như vậy là quá cao, không phù hợp với nhà ở xã hội.
Nói về trách nhiệm của doanh nghiệp, ông Nghĩa cho biết cần phải đảm bảo tiến độ, đảm bảo giao căn hộ đúng thời gian cho người mua. Bởi sự chậm trễ của doanh nghiệp, chủ đầu tư trễ là người mua nhà đối diện việc vừa tiếp tục ở thuê vừa phải đóng lãi vay ngân hàng. Về phía người lao động, người mua cần chuẩn bị tâm lý, có sự chuẩn bị cần thiết, nhà ở xã hội không thể nào nằm ở trung tâm được.
Cuối cùng, ông Nghĩa gửi gắm làm nhà ở xã hội là hướng đến mục tiêu an cư cho người lao động, chứ không nhất thiết là "cầm trên tay giấy sở hữu nhà đất".
10:47 ngày 28/03/2023
Điểm nghẽn về xác định đối tượng nhà ở xã hội
Chia sẻ với tâm tư của người lao động, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM nói hiện có nhiều điểm nghẽn trong câu chuyện về nhà ở xã hội, trong đó điểm nghẽn về xác định đối tượng nhà ở xã hội…
Theo ông Châu, chỉ cần đóng thuế thu nhập cá nhân là không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội, nhưng thực tế rất nhiều người đóng thuế thu nhập cá nhân không đồng nghĩa với việc họ có thu nhập cao, có khả năng mua nhà ở thương mại.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM phát biểu tại hội thảo
Ông Châu cũng cho biết trong dự thảo Luật Nhà ở hiện nay bổ sung nhà ở, nhà lưu trú công nhân trong các khu công nghiệp, nhưng thiếu nhà lưu trú nằm ngoài khu công nghiệp. Điển hình như Công ty PouYeun là công ty với hàng ngàn công nhân, nằm ngoài khu công nghiệp nhưng không có nhà lưu trú cho công nhân…
Bên cạnh đó, nhu cầu về nhà trọ cho công nhân, người lao động là rất lớn nhưng đối tượng này chưa được đề cập trong dự thảo Luật Nhà ở.
Để giải quyết câu chuyện về nhà ở xã hội, ông Châu cho rằng phải đột phá về quỹ đất và chính sách tín dụng, đối tượng.
10:45 ngày 28/03/2023
Gặp vướng về thủ tục đầu tư
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho rằng cơ hội tiếp cận thông tin làm nhà ở xã hội còn hạn chế. Còn doanh nghiệp tự đi phát triển quỹ đất làm nhà ở xã hội thì không đơn giản vì thủ tục khó hơn nhà ở thương mại.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group phát biểu tại hội thảo
Tuy vậy, theo ông Phúc, doanh nghiệp cũng muốn làm nhà ở xã hội nhưng việc này không phải dễ. Nguồn vốn rất quan trọng nhưng có cơ hội tiếp cận quỹ đất cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, tiếp cận quỹ đất rất khó.
Vì vậy, ông Ngô Quang Phúc mong các địa phương có nhu cầu cao về nhà ở xã hội nghiên cứu tạo ra quỹ đất để doanh nghiệp đấu thầu làm nhà ở xã hội. "Khu đất xây nhà ở xã hội nên ở khu vệ tinh, cách 15 km. Doanh nghiệp tham gia đấu thầu và chúng ta sẽ có nguồn lực đầu tư nhà ở xã hội" – ông Ngô Quang Phúc nói.
10:39 ngày 28/03/2023
Phát triển nhà ở cho công nhân gặp nhiều vướng mắc
Ông Lê Văn Nghĩa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho hay trong quá trình triển khai các thiết chế công đoàn kết hợp với phát triển nhà ở cho công nhân gặp nhiều vướng mắc.
Tổng liên đoàn đứng ra làm các thiết chế văn hóa để có nơi cho người lao động có khu vui chơi, thể dục thể thao và kết hợp với nhà đầu tư làm dự án nhà ở thì sẽ đồng bộ, giúp công nhân ổn định chỗ ở và nâng cao đời sống.
Tuy nhiên, thực tế khi doanh nghiệp vào thì muốn xây nhà cao 15-20 tầng, cao hơn quy hoạch trước đó, dẫn đến điều chỉnh quy hoạch, thời gian rất lâu vì liên quan nhiều quy hoạch. Trong khi đó, chưa điều chỉnh quy hoạch thì chưa được chấp thuận đầu tư. Vì vậy, ông Lê Văn Nghĩa cho rằng quy hoạch phải tổng thể, phải rộng ra, nhiều nơi quy hoạch nhà ở xã hội 5 tầng thì không đảm bảo thu hút đầu tư.
Ông Lê Văn Nghĩa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Ngoài ra, các dự án nhà ở cho công nhân cũng vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng. Mặt dù quy hoạch xong rồi nhưng mặt bằng chưa có cũng khó khăn trong khâu triển khai. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư nhà ở công nhân cũng khá chậm trong khi nhà đầu tư muốn nhanh để tiết kiệm nguồn vốn đầu tư và sớm thu hồi vốn.
Ông Lê Văn Nghĩa cho hay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm việc với Bộ Xây dựng để thống nhất cho Tổng liên đoàn đứng ra xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong khi chờ có hành lang pháp lý, Tổng liên đoàn mong Quốc hội ban hành nghị quyết riêng để thực hiện ngay nhằm đẩy nhanh tiến độ làm dự án nhà ở cho công nhân.
10:14 ngày 28/03/2023
Tính toán thiết kế nhà ở xã hội để giảm giá thành
Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP HCM, cho hay dự án 260 căn nhà ở xã hội được đưa vào vận hành tại TP Thủ Đức năm 2021 là dự án đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.
Theo ông Phạm Đăng Hồ, có nhiều vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội tại thành phố, trong đó lĩnh vực này chịu tác động của 6 đạo luật nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án nhà ở xã hội.
Một thực tế hiện nay là dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng phải làm thủ tục thanh toán xong mới được miễn. Ngoài ra, còn phải kiểm tra đối tượng được mua nhà ở xã hội, thẩm định giá bán. Những việc này khiến kéo dài thời gian làm thủ tục, không hấp dẫn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng hạn chế, gói tín dụng thời gian qua không đủ để nhà đầu tư kéo giá thành xuống. Quan điểm, nhận thức của đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội cũng khác nhau nên ảnh hưởng đến định hướng phát triển nhà ở xã hội.
Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP HCM phát biểu tại hội thảo
Đại diện Sở Xây dựng TP cho hay trên cơ sở rà soát các vướng mắc, thành phố đã hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm dự án nhà ở xã hội để rõ ràng các bước ở các cơ quan để thành phố kiểm soát tiến độ, nhà đầu tư biết lộ trình, quy chế phối hợp giữa các sở ban ngành. Thành phố cũng công bố chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, góp phần vào việc thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp mà Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ.
Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tính toán thiết kế nhà ở xã hội để giảm giá thành. Ngoài ra, sở sẽ tham mưu đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở, trong đó có cơ chế trích tiền lương đưa vào từ 2-3 năm để có quỹ nhà ở xã hội trong tương lai.
Trong dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54, TP HCM cũng kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án được ưu đãi tăng chỉ tiêu quy hoạch 1,5 lần mà không cần phải chờ điều chỉnh quy hoạch phân khu.
Đồng thời, cho phép thành phố sắp xếp lại các dự án nhà ở xã hội trong dự án thương mại. Hiện nay, cơ chế yêu cầu chủ đầu tư dành quỹ đất 20% trong dự án thương mại để làm nhà ở xã hội nên dẫn tới nhà ở xã hội phân bố toàn địa bàn mà chưa gắn với quy hoạch. Thành phố xin cho quy hoạch nhà ở xã hội theo khu vực.
Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị bổ sung các quỹ đất khác để phát triển nhà ở xã hội.
10:09 ngày 28/03/2023
Cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội ngày càng khó
Chị Lê Thị Hằng, Công nhân Công ty CCHTop- KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM), mong muốn được tiếp cận nhà ở xã hội nhanh nhất. Hiện nay, mức lương của tôi 8 triệu đồng/tháng, không tăng ca, giá cả leo thang, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội ngày càng khó.
Chị Lê Thị Hằng, Công nhân Công ty CCHTop- KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM) phát biểu tại hội thảo
Nhà ở xã hội gắn liền với người lao động nhưng điều kiện ngày càng xa xôi. Tôi mong nguồn vay dễ tiếp cận, lãi suất rẻ hơn, thời gian trả kéo dài hơn. Công nhân mong muốn có được một căn nhà ở xã hội để an cư, lạc nghiệp và giảm nghèo cho TP HCM.
Công nhân mong muốn mua căn hộ 45-50 m2, giá khoảng 1 tỉ đồng. Chúng tôi mong muốn trả trước 20% và giá trả mỗi tháng 3-4 triệu đồng.
10:05 ngày 28/03/2023
Mong muốn có một căn nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp
Gửi tâm tư, nguyện vọng đến hội thảo, anh Nguyễn Trọng Nhân, Văn phòng Khu Công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi, TP HCM) chia sẻ anh sinh sống và làm việc tại thành phố đã 22 năm, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.
"Việc mua nhà ở xã hội ở đô thị lớn thật khó khăn. Tiền lương làm ra không theo kịp với mức sống hiện tại, đặc biệt gặp khó vì giá nhà ở cao hơn so với trước. Gần đây tôi có tìm hiểu để mua nhà nhưng thấy ngày càng khó"- anh Nhân bộc bạch.
Anh Nguyễn Trọng Nhân, Văn phòng Khu Công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi, TP HCM) phát biểu tại hội thảo
Theo anh Nhân, nguồn cung của nhà ở xã hội rất ít so với nhà ở thương mại. Trong khi đó, thông tin tiếp cận đến nhà ở xã hội rất hạn chế. Bản thân tôi khi tiếp cận được đã là hàng thứ sang tay, chưa có giấy tờ, giá cả cao hơn. Hiện nay, nhà ở xã hội rẻ ngày càng xa so với nơi làm việc. Nhà ở xã hội ở nội ô hầu như không thấy nữa.
"Tôi và nhiều người lao động mong muốn có một căn nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp. Đây là nhu cầu cũng chính là giấc mơ cần hiện thực để tiếp tục lao động mưu sinh và đóng góp sức lao động tuổi trẻ cho TP HCM nói riêng và cả nước nói chung"- anh Nhân gửi gắm.
10:05 ngày 28/03/2023
Thay đổi cách tiếp cận về nhà ở xã hội
Là chuyên gia phát biểu mở đầu hội thảo, TS Cấn Văn Lực đánh giá cao hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam" do Báo Người Lao Động tổ chức.
"Đây là hội thảo quan trọng cho các nhà quản lý có điều kiện tiếp cận nhiều giải pháp đột phát về nhà ở xã hội"- TS Lực nhấn mạnh.
Nói về câu chuyện cung cầu, TS Lực cho biết mới chỉ đạt 62% kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2020. Theo ông Lực, không phải bây giờ mới làm nhà ở xã hội, chúng ta đã có kinh nghiệm về chuyện này. Nhiều ngân hàng có chính sách cho vay để phát triển nhà ở xã hội. Trong khi đó, chương trình phục hồi và phát triển có 15.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội…
Thị trường nhà ở xã hội đã sôi động trở lại trong 2 năm qua. Tuy nhiên cũng còn nhiều điều cần phải bàn khi việc đầu tư, thị trường nhà ở xã hội gặp khó khăn, thách thức.
Đó là chưa nhất quán về quan điểm, cách hiểu và cách tiếp cận. "Nhà ở xã hội là câu chuyện từ thiện, rẻ mạt, có cũng như không. Đây là quan điểm sai lệch, cần thay đổi"- TS Lực nêu quan điểm.
TS Cấn Văn Lực cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận về nhà ở xã hội
Bên cạnh đó là vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và không thực thi; quy hoạch và quỹ đất "vừa thiếu vừa thừa", giải phóng mặt bằng cực kỳ khó khăn; nguồn vốn chưa bền vững; lợi nhuận từ các dự án nhà ở xã hội chưa thu hút.
Mặt khác, vướng mắc về trình tự, thủ tục mua, thuê nhà ở xã hội; hoạt động thanh kiểm tra phức tạp; doanh nghiệp chưa đầu tư vào công nghệ; không biết, không dự báo được nhu cầu…
10:05 ngày 28/03/2023
Đề xuất 6 nhóm giải pháp, kiến nghị
Đề xuất 6 nhóm giải pháp, kiến nghị tại hội thảo, TS Lực nói đầu tiên là phải thay đổi quan điểm và cách tiếp cận. Phải coi đây là chính sách kinh tế nhân văn, mang ý nghĩa về kinh tế và an sinh xã hội. Cần xây dựng một đề án tổng thể, căn cơ, bài bản.
Thứ hai là cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, khung pháp lý. "Tôi rất mong muốn Bộ Chính trị có một nghị quyết về xây dựng nhà ở xã hội"- TS Lực bày tỏ.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Thứ ba là Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khâu quy hoạch, thủ tục xét duyệt và quỹ đất.
Thứ tư là cần quyết liệt tạo lập nguồn vốn bền vững để phát triển nhà ở xã hội.
Thứ năm là phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở xã hội.
Cuối cùng là ngăn ngừa các hành vi trục lợi chính sách nhà ở xã hội.
09:26 ngày 28/03/2023
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tham dự
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các ban, ngành TP HCM và các tỉnh, thành; chuyên gia, nhà khoa học.
Về phía lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương có ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản- Bộ Xây dựng.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng.
Ông Lê Văn Nghĩa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.
TS Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội).
TS Cấn Văn Lực phát biểu tại hội thảo
Về phía TP HCM và các tỉnh thành có ông Lê Xuân Viên, Phó Ban Đô thị HĐND TP HCM.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương.
Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM.
Ông Thái Doãn Hòa, Phó Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai.
Ông Lê Công Thuận, Trưởng Phòng Quản lý Dự án Quỹ Phát triển nhà TP HCM.
Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng Phòng Việc làm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM.
Về phía các chuyên gia có TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM.
TS Nguyễn Ngọc Hiếu, Đại học Việt –Đức.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM.
Về phía lãnh đạo hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp có ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM.
Ông Nguyễn Minh Trí, thành viên Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).
Ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành.
Ông Lý Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Quân.
Bà Nguyễn Châu Diệu Ân, Tổng Giám đốc Công ty BCG Land.
Ông Lê Nông, Phó Tổng Giám đốc Công ty BCG Land.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc nhà máy Công ty TNHH Showa Gloves.
Ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban Quản lý các KCX và CN TP HCM (Hepza)
Ngoài ra, hội thảo còn có sự hiện diện của một số công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Về phía Báo Người Lao Động - đơn vị tổ chức hội thảo, có Tiến sĩ - Nhà báo Tô Đình Tuân - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.
Báo Người Lao Động chân thành cảm ơn TS Trần Du Lịch, TS Nguyễn Hữu Nguyên, TS Nguyễn Ngọc Hiếu và các chuyên gia thuộc Đại học RMIT, Đại học Kinh tế TP HCM- UEH… đã gửi những bài tham luận với các ý kiến đóng góp đầy nhiệt huyết, trách nhiệm về giải pháp đột phá nhà ở xã hội, góp phần cho nội dung cuộc hội thảo thêm phong phú, chất lượng.
Bình luận (0)