Ngày 12-4, tỉnh Bình Dương long trọng tổ chức lễ công bố thành lập TP Tân Uyên trực thuộc tỉnh. Tham dự có Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP Tân Uyên, thuộc tỉnh Bình Dương. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 10-4-2023.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tặng quà lưu niệm cho TP Tân Uyên
TP Tân Uyên được thành lập trên cơ sở toàn bộ 191,76km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 466.053 người của thị xã Tân Uyên. Đây là TP thứ tư của tỉnh Bình Dương, sau các TP Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An.
Phát biểu tại lễ công bố, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP Tân Uyên có ý nghĩa rất quan trọng. Việc này tạo tiền đề và động lực để TP Tân Uyên tiếp tục tập trung đầu tư mọi nguồn lực phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn của một đô thị công nghiệp năng động- hiện đại- văn minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại của tỉnh Bình Dương.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại lễ công bố
Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị thời gian tới TP Tân Uyên chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục đào tạo gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước.
Đồng thời, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao; mở rộng kết nối, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, quan tâm chú trọng nhiều hơn để giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc.
Ngoài phát triển công nghiệp, TP Tân Uyên còn có lợi thế phát triển du lịch sinh thái khi nằm bên sông Đồng Nai
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng trước mắt TP Tân Uyên cần khẩn trương sắp xếp bộ máy các cơ quan tổ chức ở địa phương, tập trung thực hiện nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị gắn với quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, có các giải pháp về quản lý nhà nước về đất đai, xác định rõ diện tích đất trồng lúa, diện tích đất được chuyển đổi sang mục đích khác. Kiểm soát tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất ở các đơn vị hành chính đô thị mới được thành lập; bố trí quỹ đất, đầu tư nhiều hơn, nhanh hơn cho vấn đề nhà ở xã hội cũng là những đầu việc quan trọng của chính quyền thành phố.
Hiện nay, Tân Uyên có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỉ trọng tương ứng 64,17%, 34,6% và 1,23%. Trên địa bàn đã hình thành nhiều KCN tập trung với quy mô đầu tư lớn cả về diện tích và nguồn vốn như KCN Nam Tân Uyên; KCN VSIP II- A và một phần KCN VSIP III.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm tại đây đạt khoảng 12,57%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng định hướng, thu ngân sách hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. TP cũng không còn hộ nghèo theo chuẩn Trung ương.
Bình luận (0)