Để tưởng nhớ mốc son sáng ngời ấy, nhiều nơi trên địa bàn TP HCM đã long trọng tổ chức họp mặt để cùng ôn lại truyền thống quật cường của đồng bào Nam Bộ trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến quận 8, cho biết hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, quân và dân quận 8 đã nhất tề đứng lên kháng chiến cứu nước. "Ngày 24-9-1945, thực dân Pháp tấn công chiếm cầu Chữ Y để mở rộng địa bàn ra vùng ven TP. Các lực lượng tự vệ của quận 8 cùng lực lượng Bình Xuyên đã nổ súng chặn địch không cho chúng qua cầu. Mặt trận cầu Chữ Y, Chà Và, Nhị Thiên Đường và dòng kênh Đôi đã trở thành mặt trận kiên cường chặn bước tiến quân của giặc Pháp về hướng Nam TP" - ông Diệp tự hào kể lại.
Tại phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, CLB Truyền thống kháng chiến phường cũng tổ chức họp mặt kỷ niệm 73 năm ngày Nam Bộ kháng chiến. Ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của nhân dân Nam Bộ, ông Đặng Đình Văn, chủ nhiệm CLB, bày tỏ: "Các cựu chiến binh vẫn là khát vọng truyền lửa, mong ước các thế hệ sau gìn giữ những giá trị tinh thần tuyệt đẹp của ngày Nam Bộ kháng chiến, tự hào đi đôi với trách nhiệm và sẽ làm giỏi hơn những người kháng chiến năm xưa".
Nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến Ảnh: tư liệu
Bằng những việc làm hết sức thiết thực, nhân dịp này, học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Bình Thạnh) đã đến viếng tượng đài và bia ghi công mặt trận cầu Thị Nghè. Trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, Thị Nghè, tuy thuộc tỉnh Gia Định nhưng gần trung tâm các cơ quan đầu não của Sài Gòn, là địa danh thường xuyên được nhắc tới trên báo chí. Đêm 22 rạng sáng 23-9-1945, lợi dụng màn đêm chưa tan, quân Pháp huy động 1 tiểu đoàn tấn công qua cầu Thị Nghè nhưng chúng đã lọt vào ổ phục kích của quân và dân ta, trong đó lực lượng nòng cốt là anh em công nhân Ba Son. Sau tiếng súng lệnh, quân ta từ bụi rậm xông ra, từ trên cây nhảy xuống, 4 mặt giáp công, xông vào giáp lá cà với địch bằng dao găm, mã tấu. Địch bất ngờ trở tay không kịp, đạp nhau mà chạy. Trận đầu thắng lợi vẻ vang đã làm nức lòng quân và dân Thị Nghè. Với trận chiến đấu oanh liệt ở cầu Thị Nghè, lịch sử lại một lần nữa ghi dấu son chói lọi về tinh thần yêu nước dũng cảm của quân dân Sài Gòn - Gia Định.
Tại Cần Thơ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa qua đã phối hợp với Bảo tàng TP tổ chức triển lãm ảnh về Cách mạng Tháng Tám và Nam Bộ kháng chiến nhân 73 năm ngày Nam Bộ kháng chiến.
Triển lãm ảnh giới thiệu đến công chúng 120 ảnh tư liệu quý về những thời khắc lịch sử liên quan đến thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cũng như mốc son lịch sử Nam Bộ kháng chiến 23-9-1945. Triển lãm góp phần ôn lại truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức, trách nhiệm, tình yêu quê hương, đất nước cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Bình luận (0)