Dù chưa hẳn đồng tình với lý do đưa ra nhưng người dân và dư luận đón nhận tích cực việc Sở Xây dựng TP Hà Nội đề xuất dừng bán vé vào công viên này.
Với mức giá 4.000 đồng/người lớn và 2.000 đồng/trẻ em, tiền bán vé vào cổng mà Công ty Công viên Thống Nhất thu được trong năm 2019 là gần 700 triệu đồng. Hai năm gần đây, 2020 và 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên Công viên Thống Nhất chỉ thu được lần lượt hơn 500 triệu đồng và hơn 300 triệu đồng, còn 10 tháng đầu năm nay là 630 triệu đồng. Trong khi đó, Công ty Công viên Thống Nhất bố trí 22 nhân viên bán vé theo 3 ca tại 7 cổng. Số tiền trả lương cho nhân viên bán vé gần 110 triệu đồng/ tháng (gần 5 triệu đồng/người), tức tổng cộng khoảng 1,3 tỉ đồng/năm.
Bên cạnh đó, việc bán vé vào cổng Công viên Thống Nhất được cho là không hợp lý khi "thu phí quần dài, miễn phí quần đùi". Theo đó, người vào công viên này tập thể dục, mặc quần áo thể thao, quần áo ở nhà thì đi qua cổng tự do, không phải mua vé. Trong khi đó, người mặc quần áo nghiêm chỉnh hay học sinh mặc đồng phục lại phải có vé mới được vào Công viên Thống Nhất.
Những bất cập trong việc bán vé vào Công viên Thống Nhất đã được người dân và dư luận phản ánh, thậm chí phản ứng, trong thời gian dài. Với diện tích hơn 50 ha, Công viên Thống Nhất trước năm 1958 vốn là vùng đầm hồ và bãi rác. Từ năm 1961 đến nay, công viên này được xem là lớn nhất ở thủ đô Hà Nội, trở thành nơi vui chơi, giải trí của đông đảo người dân. Để có được một công viên như ngày nay, sự đóng góp của người dân là không nhỏ khi họ tự nguyện dọn rác, gánh đất, nạo vét hồ, đắp gò, trồng cây… với hơn 860.000 ngày công, đào đắp hơn 450.000 m3 đất.
Người dân đã góp công, góp sức để tạo nên một cảnh quan đẹp, lá phổi xanh của thành phố, sao lại phải mua vé mới được vào? Đó là một bất cập cần phải được giải quyết.
Hà Nội hiện có khoảng 45 công viên, trong đó 4 công viên do thành phố quản lý là Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo và Hòa Bình; cùng khoảng 40 công viên, vườn hoa do cấp quận, huyện quản lý. Ngoài Thống Nhất, đa số các công viên, vườn hoa còn lại đều mở cửa miễn phí cho người dân thủ đô và du khách thập phương vào vui chơi, giải trí, thư giãn…
Cùng là nơi vui chơi, giải trí mang tính chất công cộng cho người dân nhưng tại sao có nơi "đóng" - bán vé thu phí, có nơi lại "mở" - miễn phí, vào tự do? Nhìn rộng ra cả nước, nhiều địa phương không thu phí vào những nơi công cộng như công viên - vườn hoa, vậy tại sao một số công viên ở Hà Nội lại bán vé, thu phí?
Nhân chuyện Sở Xây dựng đề xuất dừng bán vé vào Công viên Thống Nhất, TP Hà Nội cũng nên rà soát các điểm mang tính công cộng, công ích, xem nơi nào còn "đóng" để "mở" hết cho người dân và du khách tự do vào vui chơi, giải trí.
Bình luận (0)