Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân
TP HCM, nhất là những người lao động có thu nhập thấp, gia đình chính sách, hộ nghèo... Cuộc sống với họ vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Phát huy truyền thống vẻ vang
Với khẩu hiệu "Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an" và phát huy truyền thống "Vì dân phục vụ", Công an TP HCM đã luôn đồng hành, sát cánh cùng người dân thành phố thông qua nhiều chương trình giúp đỡ, góp phần chia sẻ yêu thương, giúp dân vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP HCM, trực tiếp trao quà hỗ trợ, thăm hỏi người dân khó khăn trên địa bàn
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP HCM đến thăm hỏi, hỗ trợ, động viên người lao động bị mắc kẹt lại tại TP
Cán bộ, chiến sỹ Công an TP Thủ Đức phân chia thực phẩm trước khi trao tận tay người dân
Cán bộ, chiến sĩ Công an TP HCM phát thực phẩm đến từng hộ dân bất kể ngày đêm
Kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống lực lượng Công an Nhân dân (CAND) năm nay diễn ra trong tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp. Công an TP HCM đã tập trung mọi lực lượng, ra sức cùng các ngành chuyên môn triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh với cấp độ cao nhất. Do đó, không có những hoạt động họp mặt ôn lại truyền thống, biểu dương khen thưởng lực lượng nòng cốt, quần chúng tiêu biểu như hằng năm. Thay vào đó, đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia truy vết ca nhiễm, trực chốt hoặc tất bật mang nhu yếu phẩm đến người dân.
Đây không chỉ là hành động vì trách nhiệm, sẻ chia với khó khăn của người dân mà còn tô thắm và phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an TP HCM nói riêng, lực lượng CAND Việt Nam nói chung.
Trước tình hình khó khăn của người dân trong dịch Covid-19, Công an TP HCM đã sớm triển khai hàng loạt chương trình phối hợp với nhiều ban, ngành, đoàn thể huy động lực lượng tiếp nhận, phân chia nhu yếu phẩm như gạo, thực phẩm, rau củ quả các loại... vận động được từ các đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương để hỗ trợ các hộ đang gặp khó khăn và người dân tại các khu cách ly, vùng phong tỏa trên địa bàn.
Để bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, không tập trung đông người, công an từng quận - huyện, phường - xã đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chuyên chở các xe rau, xe gạo đến thẳng nơi khó khăn, vùng có dịch bệnh.
Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an TP HCM đã ngày đêm miệt mài, không ngại vất vả, tình nguyện xung phong làm "sứ giả của tình quân dân". Họ lặn lội đến từng con hẻm, gõ cửa từng nhà dân tặng từng túi lương thực, từng hộp khẩu trang, từng bình nước lọc...
Xông pha vào nơi khó, nơi khổ
Những phần quà hỗ trợ tuy không mang nhiều giá trị vật chất nhưng là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với tinh thần của người dân trong giai đoạn cam go hiện nay.
Không những thế, Công an TP HCM còn vận động nhiều nguồn lực để chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người khuyết tật, người vô gia cư... Tính đến nay, đã có hàng ngàn phần quà, hàng ngàn việc làm thiện nguyện của cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ người dân.
Những ngày qua, lãnh đạo Công an TP HCM cũng như lãnh đạo công an các quận - huyện, phường - xã đã không quản ngại nắng mưa để xuống từng con hẻm, đến từng nhà dân, trao tận tay từng phần quà hỗ trợ; động viên, khích lệ người dân đang gặp khó, gia đình chính sách, người ở khu cách ly, vùng phong tỏa...
Lãnh đạo các cấp trong Công an TP HCM thường xuyên túc trực, bám sát địa bàn, xông pha vào nơi khó, nơi khổ, đồng hành cùng chính quyền các địa phương để thực hiện mục tiêu an sinh cũng như động viên cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ. Những hình ảnh đó vô cùng gần gũi, giản dị mà tràn đầy tinh thần trách nhiệm.
Bên cạnh đó, Công an TP HCM cũng luôn đồng hành, sát cánh cùng các lực lượng trong Quân đội Nhân dân (QĐND) để triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nhân dân vượt qua đại dịch. Những mô hình như "đi chợ hộ", "túi an sinh", "túi thuốc miễn phí"... với hình ảnh người chiến sĩ CAND và QĐND đến từng hẻm, hỗ trợ từng nhà, chăm lo từng người đã vun bồi thêm nghĩa tình quân - dân bền chặt, cũng như thể hiện quan hệ gắn bó keo sơn giữa CAND với QĐND, 2 màu áo 1 lý tưởng - lý tưởng vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Những phần quà hỗ trợ và những hoạt động thường nhật như đi chợ, làm bếp chính là tấm lòng yêu thương bao la, son sắt, thắm đượm tình quân dân. Đó là nghĩa đồng bào, tương thân tương ái, sự cảm thông, chia sẻ của toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND đối với nhân dân.
Tô đẹp hình ảnh chiến sĩ CAND
Những nghĩa cử của cán bộ, chiến sĩ Công an TP HCM không chỉ góp phần hiện thực hóa chủ trương "không để ai bị bỏ lại phía sau" của Chính phủ, mà còn tô đẹp hình ảnh người chiến sĩ CAND trong lòng người dân. Các hoạt động nghĩa tình sẽ được Công an TP HCM thực hiện xuyên suốt đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Công an TP HCM mong muốn người dân nghiêm túc thực hiện thông điệp "5K" và các quy định giãn cách xã hội tăng cường để cùng chính quyền các cấp đẩy lùi dịch bệnh, vượt qua khó khăn, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
Xốc lại tinh thần đội ngũ cán bộ cơ sở
Trong những ngày dầu sôi lửa bỏng chống dịch Covid-19, người đứng đầu Chính phủ liên tục đi thực tế ở nhiều nơi để kiểm tra công tác phòng chống dịch.
Ngày 27-8, tại một khu nhà trọ ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, Thủ tướng đề nghị người dân gọi tới số điện thoại khẩn cấp hỗ trợ y tế của phường và ông kiên nhẫn đợi để kiểm tra. Ngày 31-8, Thủ tướng kiểm tra đột xuất tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Ngày 2-9, Thủ tướng đột xuất kiểm tra qua hệ thống trực tuyến vừa được thiết lập tại 5 xã, phường, thị trấn thuộc TP HCM, Long An, Tiền Giang...
Ngoài Thủ tướng, người dân trong vùng có dịch còn được tiếp xúc với rất nhiều vị lãnh đạo khác của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Có thể nói, chưa bao giờ người dân được tiếp xúc với nhiều cán bộ lãnh đạo như thế.
Bất ngờ kiểm tra sẽ giúp nắm rõ tình hình hơn để từ đó cân nhắc và đưa ra các quyết định chính xác. Từ việc kiểm tra đột xuất của Thủ tướng tại phường Thanh Xuân Trung - một trong những phường đang nóng nhất về dịch bệnh tại Hà Nội, đã bộc lộ nhiều bất cập, đặt ra nhiều vấn đề cần giải đáp. Chẳng hạn, Thanh Xuân Trung đang là điểm nóng về dịch bệnh còn như vậy thì các phường, xã khác ra sao? Tất nhiên, những chuyện như trên chỉ là cá biệt ở các địa phương hiện nay.
Trong bối cảnh chống dịch cam go, hình ảnh những người lãnh đạo xuống tận cơ sở, có người đột xuất vào gặp dân trong các khu nhà trọ, ngoài việc để kiểm tra công tác phòng chống dịch thì còn góp phần động viên người dân và xốc lại tinh thần cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Điều này có thể dễ dàng nhìn thấy qua sự phấn khởi của cán bộ, nhân dân những nơi có các vị lãnh đạo thăm hỏi. Người dân từ đó tin tưởng hơn vào chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Không phải chỉ trong phòng chống dịch Covid-19, mà thực tiễn cho thấy trong tất cả mọi việc, cấp cơ sở là cấp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Xã, phường là cấp gần gũi nhất với người dân, trực tiếp giải quyết những vấn đề thiết yếu gắn với đời sống của người dân. Với vị trí, vai trò như vậy, đương nhiên chính quyền cấp cơ sở phải làm tròn nhiệm vụ của mình, tức "đúng vai, thuộc bài" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở. Thủ tướng hay các vị lãnh đạo khác không thể việc gì cũng phải "cầm tay, chỉ việc" mà cơ sở cần có sự chủ động, năng động triển khai các nhiệm vụ đã có chỉ đạo, như vậy thì mới mong mọi việc có thể tốt lên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém".
Vũ Trung Kiên (Học viện Chính trị Khu vực 2)
Dân cần những việc thiết thực
Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc trung ương; cấp ủy, tổ chức Đảng... đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền một cách toàn diện, đồng bộ, nhanh nhạy, linh hoạt theo tinh thần an dân, vì dân để tạo ra sự bình ổn, đoàn kết thống nhất, cùng chung tay góp sức khắc phục khó khăn, vượt qua đại dịch.
TP HCM đang trải qua đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch và thành phố đã có sáng kiến mở chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" qua hình thức livestream.
Việc chính quyền đối thoại với người dân là bình thường nhưng đối thoại qua livestream trên mạng xã hội thì lâu nay chưa thấy. Dù vậy, buổi đầu tiên phát sóng vào tối 24-8 đã thu hút hơn 370.000 lượt xem, buổi thứ 2 vào ngày 25-8 thu hút gần 600.000 lượt xem... Mỗi buổi như thế có gần 10.000 bình luận, hơn 3.000 lượt chia sẻ... cho thấy người dân rất quan tâm.
Vì sao người dân quan tâm thì câu trả lời rất đơn giản là vì thiết thực với đời sống của họ. Chính quyền cũng qua đấy để hiểu dân cần gì mà điều chỉnh các vấn đề cho phù hợp. Mong rằng những chương trình thiết thực như thế cần được mở ra nhiều hơn và không chỉ trong thời gian phòng chống dịch bệnh.
Hà Minh Thố (cán bộ hưu trí TP Thủ Đức, TP HCM)
Bình luận (0)