Những ngày cuối tháng 3, trong lúc nắng hạn gay gắt khiến tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt có chiều hướng gia tăng thì ở ĐBSCL tiếp tục diễn ra tình trạng sạt lở khắp nơi.
Ngày càng gia tăng
Ông Hồ Văn Kỷ (63 tuổi; ngụ ấp Mỹ Tân, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) ngán ngẩm: "Tôi đã nhiều lần làm bờ kè kiên cố với chi phí hàng chục triệu đồng để chống sạt lở nhưng không ăn thua, đành bất lực nhìn bờ kè nằm dưới lòng sông, còn nước sông thì lên sát mép nhà làm tối nào tôi cũng ngủ chập chờn vì sợ nhà sẽ sụp bất cứ lúc nào". Theo ông Hồ Văn Miên, Chủ tịch UBND xã Trần Thới, trên địa bàn có 8 điểm xảy ra sạt lở tổng cộng trên 2,5 km nên ngành chức năng đã vận động người dân làm kè, trồng cây để hạn chế sạt lở, đồng thời kiến nghị cấp trên sớm có biện pháp phòng chống.
Sạt lở tại phường Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) vào năm 2018, người dân dùng bao cát chắn lại Ảnh: SONG ANH
Tại khu vực ấp Phú Thạnh (xã Phú Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) người dân đang sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ khi tuyến đê bao kết hợp đường giao thông cặp sông Cái Cao vừa bị sạt lở 50 m, ăn sâu vào bờ 2 m. Vụ sạt lở xảy ra vào trước Tết nguyên đán vừa qua đến nay còn gây khó khăn cho việc đi lại. "Đoạn sạt lở ăn sâu vào gần sát cổng nhà tôi. Tôi phải lấy dây căng ra để cảnh báo cho người qua lại. Mong ngành chức năng sớm khắc phục để chúng tôi yên tâm" - ông Lê Văn Thông (ngụ tại ấp) nói. Theo ông Trần Hoàng Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Đức, có một số vết nứt tại tuyến đê bao đang lan ra xung quanh và nguy cơ tiếp tục sạt lở, đe dọa đến hàng chục hecta đất trồng lúa, cây ăn trái và hoa màu của hàng trăm hộ dân nơi này.
Bà Phạm Thị Nhiễm ở khóm Thới Thạnh (phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết trước đây, đôi bờ kênh Cái Sắn cũng có sạt lở, chủ yếu là do sóng đánh rơi từng mảng bờ nhỏ nhưng vài năm gần đây mức độ sạt lở tăng nhanh. Cách nay không lâu, trong lúc bà Nhiễm đang ngồi chặt lá dừa phía trước nhà thì bất ngờ xuất hiện vết nứt khoảng 30 m chạy dọc bờ sông. Trong tích tắc, cả đoạn bờ sông ăn sâu vào đất liền khoảng 5 m bị "hà bá" nuốt chửng. "Hiện giờ vết nứt chỉ còn cách cửa nhà tôi chưa đầy 1 m. Bà con ở đây đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương có cách nào ngăn chặn tình trạng ghe tàu vào ra ở phía bờ sông đối diện để bên này hạn chế sạt lở nhưng không thấy động tĩnh gì. Nhà thì không thể di dời vì phần đất của tôi giờ chỉ còn có bấy nhiêu" - bà Nhiễm lo lắng nói.
Nhiều người trắng tay
Sáng 22-4-2017, bờ sông Vàm Nao đoạn thuộc xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) bất ngờ sạt lở, vụ việc khiến hàng chục nhà dân bị trôi xuống sông, 106 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Điểm sạt lở kéo dài khoảng 160 m, ăn sâu vào đất liền hơn 30 m, tổng thiệt hại ước tính khoảng 90 tỉ đồng. Một năm đã qua, nhưng với người dân nơi đây, vụ sạt lở như mới vừa xảy ra. Họ vẫn nhớ rõ cảnh vội vã tháo chạy, đau đớn vì mất nhà cửa, tài sản. Ông Trần Văn Bi (55 tuổi, một trong những chủ hộ có nhà bị cuốn trôi) rầu rĩ: "Vợ chồng tôi gầy dựng trên 30 năm mới có được căn nhà. Mới ăn được 4 cái Tết thì xảy ra trận sạt lở kinh hoàng cuốn trôi căn nhà và toàn bộ tài sản, lúc đó gia đình chỉ kịp chạy để bảo toàn mạng sống, tổng thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng. Gia đình tôi bỗng chốc trắng tay".
Khoảng 5 giờ sáng 21-5-2018, nhiều hộ dân sinh sống tại khu vực Thới Lợi (phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) hoảng hồn khi chứng kiến hàng loạt ngôi nhà bỗng dưng đổ nhào xuống sông. Bà Nguyễn Thị Kim Tát (59 tuổi, ngụ khu vực Thới Lợi) nhớ lại: "Sáng hôm đó, nghe tiếng động lạ, tôi bước ra khỏi nhà thì thấy đất từ từ trôi xuống sông, sau đó là tiếng ùm lớn kéo theo nhiều căn nhà rớt xuống sông. Cuộc sống người dân sau sạt lở khó khăn lắm, ai có bà con thì xin tá túc, không thì ở nhà thuê".
Theo ông Giang Ngọc Quế, cư dân ở ấp Hòn Heo (xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), khu vực phía Tây Nam của ấp Hòn Heo được ví như là nơi đầu sóng ngọn gió, tỉnh Kiên Giang mới chỉ hỗ trợ cho địa phương xây được khoảng 100 m bờ kè để bảo vệ khu hành chính xã Sơn Hải nên khu vực này không còn sạt lở. Tuy nhiên, ở 2 đầu bờ kè còn hàng chục hộ dân đang lo lắng vì nhà cửa có thể bị sóng biển đánh sập bất cứ lúc nào. "Hằng năm, một số hộ dân có tiền thì thuê người sang các đảo nhỏ chở đá về làm kè tạm với chi phí mỗi m3 đá khoảng 5 triệu đồng nhưng chỉ sau mùa mưa bão là bị đánh trôi hết ra biển. Năm ngoái, chỉ trong một đêm đã có hơn chục nhà dân gần khu vực trụ sở UBND xã bị sóng biển đánh sập" - ông Quế nói.
Kỳ tới: Con người là thủ phạm
Do suy giảm bùn cát
Từ năm 2010 đến nay, diễn biến sạt lở tại ĐBSCL diễn ra nhanh, ngày càng phức tạp. Qua thống kê, toàn vùng hiện có 562 điểm/786 km sạt lở, trong đó, bờ sông có 513 điểm/520 km, bờ biển có 49 điểm/266 km. Xu thế bồi ít, xói lở nhiều và nhanh. Nguyên nhân gây sạt lở được các nhà khoa học chỉ ra do suy giảm bùn cát từ việc thượng nguồn xây dựng hồ chứa. Tất cả những công trình trên dòng chính và dòng nhánh sông Mê Kông làm suy giảm bùn cát nghiêm trọng. PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), phân tích: "Ngoài việc phù sa về ngày càng ít thì các hoạt động khai thác cát, khai thác mực nước ngầm gia tăng, công trình xây dựng hai bên bờ sông ngày càng nhiều, giao thông thủy gia tăng và biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy... cũng là nguyên nhân dẫn đến sạt lở".
Bình luận (0)