Nguyễn Huy Hoàng (SN 2000; ngụ xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) trở thành cái tên nổi bật của thể thao Việt Nam trong kỳ SEA Games 29 vừa qua khi giành HCV và phá kỷ lục ở nội dung bơi tự do 1.500 m.
Biền biệt xa nhà
Căn nhà nhỏ của gia đình Hoàng nằm phía sau chợ Cuồi, thôn Thanh Tiến, xã Tiến Hóa, sát mép sông Gianh. Bố mẹ Hoàng là ông Nguyễn Văn Vinh (SN 1960) và bà Nguyễn Thị Học (SN 1962) làm nghề chài lưới để nuôi 6 con.
Ông Nguyễn Văn Vinh, bố vận động viên Nguyễn Huy Hoàng, tự hào về thành tích của con
Tuổi thơ Hoàng gắn liền với sông nước. Mới bé tí, Hoàng đã đòi lên thuyền theo bố ra sông đánh cá. Ông Vinh đành chỉ cho con cách bơi để chống đuối nước. Thế là từ năm 3 tuổi, Hoàng đã vùng vẫy trên sông Gianh. Hồi học mẫu giáo, mỗi khi tan trường, Hoàng lại chạy về nhà, ăn vội bát cơm rồi cởi quần áo nhảy xuống sông vừa tắm vừa lặn lấy rong rêu về cho cá ăn.
Năm 11 tuổi, mới học lớp 5, Hoàng đã may mắn lọt vào "mắt xanh" của HLV Hoàng Quang Minh và Ban Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện TDTT Quảng Bình. Năm 2011, Hoàng được tuyển vào học tập tại Trung tâm Năng khiếu tỉnh Quảng Bình.
Vì sợ con còn nhỏ, thiếu vắng gia đình sẽ buồn, ban đầu bố mẹ không muốn Hoàng theo sự nghiệp bơi lội. Được các thầy khuyên bảo, đánh giá Hoàng có những phẩm chất đặc biệt ở môn bơi lội nên gia đình em đã đồng ý. "Lúc còn học ở Đồng Hới, thi thoảng Hoàng mới về thăm nhà một lần, trong khi nó còn nhỏ dại nên chúng tôi lo lắm. May mà nó ngoan ngoãn, được thầy cô, bạn bè giúp đỡ nên gia đình mới an tâm phần nào" - bà Học nhớ lại.
Sau 2 năm được huấn luyện tại Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện TDTT tỉnh Quảng Bình, Hoàng tiếp tục chuyển vào TP HCM rồi đến Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia ở Cần Thơ để tiếp tục đào tạo. Tại giải vô địch các nhóm tuổi trẻ môn bơi lội Đông Nam Á năm 2015 tổ chức ở Đà Nẵng, Nguyễn Huy Hoàng nổi lên như hiện tượng của bơi lội Việt Nam. Em xuất sắc giành 5 tấm HCV ở các nội dung 400 m tự do, 1.500 m tự do, 200 m bơi bướm, 200 m bơi sải và bơi tiếp sức 4x100 m. Hoàng còn phá kỷ lục lứa tuổi ở các nội dung bơi 200 m bướm, 400 m tự do và 1.500 m tự do.
"Cứ dịp Tết, Hoàng mới về thăm nhà được vài ngày rồi lại xách ba lô đi. Đến chủ nhật là cả gia đình cầm sẵn điện thoại để liên lạc với Hoàng, chứ ngày mô em cũng tập luyện, học tập rồi thi đấu nên ít có thời gian. Sau kỳ SEA Games thành công của Hoàng, gia đình ai cũng mong gặp mặt nhưng em ấy chưa được về nhà" - Nguyễn Minh Chiến, anh trai Hoàng, tâm sự.
Khát vọng dự Olympic
Ngay sau khi phá kỷ lục SEA Games, bước lên bục vinh quang, Hoàng xúc động chia sẻ: "Giờ em chỉ nghĩ đến bố mẹ, chắc hai người đang tự hào về em lắm. Gia đình em không có điều kiện, em đi bơi suốt thời gian vừa rồi, một năm chỉ về nhà một - hai lần. Em rất nhớ cha mẹ…". Tiếp đó, Hoàng hồn nhiên hét lên: "Cha mẹ ơi! Con được lên tivi rồi". Nói về ước mơ của mình, Hoàng cho biết mong muốn của em hiện giờ là đạt chuẩn A để dự Olympic.
Sau SEA Games 29, VĐV này đã trở lại TP Cần Thơ để tiếp tục học THPT và tập luyện. Em chưa được bố trí về thăm gia đình thêm lần nào. Tự hào nhưng không giấu nổi mong nhớ con, bố mẹ Hoàng đã cẩn thận lồng kính và treo trên tường nhà các huy chương, danh hiệu từ những giải đấu trước mà Hoàng tham gia.
Ông Cao Văn Trúc, Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa, cho rằng Hoàng là niềm tự hào không chỉ của đất nước mà còn là quê hương Tiến Hóa. Xã đang chờ Hoàng về quê để vinh danh em.
Trẻ hái dừa, lớn lập kỳ tích bơi
Căn nhà nhỏ hẹp của kình ngư trẻ Phạm Thanh Bảo (SN 2001) ở TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre những ngày này rộn ràng niềm vui khi cậu vừa trở về cùng tấm HCĐ nội dung tiếp sức 4x100 m hỗn hợp.
Gia đình 4 người của Bảo đang sống trong căn nhà rất nhỏ do người ông để lại. Cả nhà chỉ có một chiếc giường để bà bị bệnh nằm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, mẹ Bảo, cho biết gia đình khó khăn nên trước đây, em phải đi hái dừa kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Trước SEA Games 29, Bảo từng tâm sự cứ nhảy xuống hồ là nghĩ đến gia đình. Em thường khao khát đạt thành tích tốt để giúp cha mẹ thoát khỏi cơ cực. Hằng ngày, bà Thủy đi lau nhà thuê, mỗi giờ được trả 30.000 đồng nhưng công việc cũng không ổn định. Chồng bà là lao động chính nuôi gia đình bằng nghề hái dừa thuê. Chính các thầy của Bảo nhiều lúc cũng phải khuyên kình ngư này nên để tâm trạng thoải mái khi thi đấu, tránh áp lực thành tích ảnh hưởng đến động tác lúc bơi.
Kình ngư Phạm Thanh Bảo tâm sự: "Ngày trở về, tôi chỉ mua tặng cha mẹ vài món quà nhỏ cùng biểu tượng tháp đôi mua ở Malaysia. Cha mẹ không đòi hỏi gì nhiều vì biết tôi không dư dả, lương VĐV chỉ trang trải vừa đủ cho cuộc sống. Mấy món quà nhỏ đó coi như là kỷ niệm đáng nhớ cho gia đình trong lần đầu tiên tôi đi thi đấu SEA Games".
Theo ông Đinh Việt Hùng, Trưởng Bộ môn bơi Tổng cục TDTT kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam, việc Bảo giành được tấm HCĐ tiếp sức 4x100 m hỗn hợp quý như "vàng mười" bởi nước ta chưa bao giờ có thành tích ở nội dung này. Vì vậy mà sự cố gắng của các VĐV, đặc biệt là Phạm Thanh Bảo, ở phần bơi ếch xứng đáng được ca ngợi. Sau Nguyễn Hữu Việt, nay bơi lội nam mới phát hiện thêm một kình ngư đầy triển vọng ở các nội dung bơi ếch.
H.DŨNG
Bình luận (0)