Sáng ngày 19-7, có mặt tại xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi phải di chuyển bằng thuyền để vào tiếp cận người dân xã này.
Ông Hoàng Huy Hiệu, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tiến, cho biết nước bắt đầu dâng lên và cô lập xã đã 3 ngày qua. Đến sáng nay 19-7, mặc dù trời không mưa lớn nữa, nhưng do nước rút chậm nên trục đường chính và các tuyến đường khác trong xã vẫn đang bị nước chia cắt và cô lập hoàn toàn, người dân phải di chuyển bằng thuyền.
"Hiện tại xã còn 4 thôn với hơn 500 hộ dân bị ngập, 13 ngôi nhà, trong đó 4 ngôi nhà ngập sâu lên tới gần 1 m và 7 nhà văn hóa bị cô lập hoàn toàn. Mưa lũ tuy không gây thiệt hại về người nhưng năm nay do lũ về sớm hơn so với các năm khác khiến nhiều hoa màu của người dân bị ngập úng. Cũng vì nước ngập sâu nên 3 ngày nay phải tạm ngừng hoạt động, chỉ cử một vài người trực ủy ban phòng khi có sự việc"- ông Hiệu cho biết thêm.
Ông Nguyễn Quế (70 tuổi) vừa chèo thuyền đưa chúng tôi vào xã vừa than thở: "Năm nay tuy nước lũ thấp hơn các năm trước nhưng lại đến sớm hơn, điều đó đã làm cho cuộc sống của bà con bị đảo lộn hoàn toàn trong 3 ngày qua".
Ông Ngô Đức Lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, cho biết tính đến 7 giờ sáng ngày 19-7, do ảnh hưởng của mưa lớn nên trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn xảy ra ngập cục bộ 6.935 ha diện tích lúa hè thu; 2.078 ha đậu, 587 ha ngô và 551 ha rau màu các loại.
Cũng theo ông Hợi, hiện nay mực nước các sông trên địa bàn Hà Tĩnh đang xuống, các địa phương, đơn vị đang tích cực điều tiết các cống tiêu thoát lũ, để giảm diện tích lúa, hoa màu bị ngập.
Dưới đây là một số hình ảnh Báo Người Lao Động ghi lại sáng nay tại xã Sơn Tiến.
Một gia đình về thăm quê phải di chuyển bằng thuyền để vào nhà
Trụ sở UBND xã Sơn Tiến ngưng hoạt động vì các tuyến đường bị nước lũ chia cắt
Chợ Chùa hơn 3 ngày nay phải đóng cửa vì nước ngập sâu
Một người dân ngồi trên mái nhà giữa mênh mông nước lũ
Thanh Hóa: Hàng ngàn ha lúa chìm trong biển nước
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động sáng ngày 19-7, nhiều vùng của tỉnh Thanh Hóa được dự báo bão sẽ đi qua tương đối yên bình, không có cảnh cây cối gãy đổ, nhà cửa tan hoang. Tuy nhiên, bão Sơn Tinh đã gây mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều huyện như Quảng Xương, Nông Cống, Tĩnh Gia, Triệu Sơn… chìm trong biển nước.
Mưa lớn khiến hàng ngàn ha lúa của người dân Thanh Hóa chìm trong biển nước
Tại xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống, mưa lớn nhiều ngày qua khiến cho nước sông Thị Long dâng cao, cộng với việc xã này là vùng trũng nên hàng trăm ha lúa và cói của người dân xã này chìm trong biển nước. "Hiện toàn bộ diện tích lúa mới cấy của bà con đã bị nước nhấn chìm, ngoài ra hàng trăm ha cói của người dân đã thu hoạch nhưng không kịp đưa về nhà cũng gây thiệt lại lớn cho người dân"- ông Vũ Quang Thơm, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, thông tin.
Cũng theo ông Thơm, hiện trên địa bàn vẫn đang còn mưa, nếu mưa lớn tiếp tục xảy ra, cộng với việc triều cường lên cao thì nhiều thôn với hàng trăm hộ dân sẽ bị nước cô lập. "Chúng tôi đang lo nếu mưa lớn nước sông lên cao, phía trên đập Yên Mỹ mà xả lũ thì xã tôi sẽ chìm trong nước"- ông Thơm cho hay.
Mưa bão cũng khiến cho hàng nhiều hộ dân trồng dưa hấu trên địa bàn xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa không kịp thu hoạch, khiến nhiều ruộng dưa chìm trong nước gây thối úng. Nhiều hộ dân tiếc công, tiếc của đã lội nước hái dưa hấu non (khoảng 10 ngày nữa mới thu hoạch được) về nhà cho lợn và bò ăn.
Nhiều diện tích lúa trên địa bàn xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống chìm trong nước
Theo ông Trần Xuân Lờ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, do trời mưa to kéo dài khiến nhiều diện tích dưa hấu, khoai lang và hoa màu của bà con trong xã bị ngập úng. Theo thống kê, có khoảng gần 20 ha dưa hấu của hơn 50 hộ dân bị ngập nước. Người dân đang tranh thủ ra đồng thu hoạch dưa và khoai lang đưa về nhà. Tuy nhiên, đầu ra của số dưa này khiến nhiều người dân lo lắng vì nó đang quá non.
Theo báo cáo, mưa lớn trên diện rộng những ngày qua cũng đã gây thiệt hại về tài sản (chủ yếu là diện tích lúa) cho nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với hơn 13.292 ha lúa bị ngập, trong đó diện tích lúa ngập trắng là 4.233 ha, diện tích lúa ngập phất phơ (ngập 2/3 cây) là hơn 9.000 ha tập trung chủ yếu ở các huyện Tĩnh Gia, Đông Sơn, Triệu Sơn, Hoằng Hoá, Thiệu Hoá, Triệu Sơn...
Nông dân xã Quảng Nham thu hoạch dưa hấu đang non do mưa lũ gây ngập úng nhiều ngày
Dưa non không bán được đành phải cho bò ăn
Nhiều người nông dân rớt nước mắt khi dưa sắp đến ngày xuất bán đành phải thu hoạch non do mưa bão
Trong sáng nay 19-7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cũng đã phát đi cảnh báo về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở một số huyện miền núi Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy và ngập úng tại các huyện vùng trũng.
Để chủ động ứng phó với hoàn lưu sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh ứng phó có hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.
Nhiều nhà dân bị ngập trong nước ở huyện Nông Cống
Bình luận (0)