Ngày 6-10, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức lễ tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Trước khi lễ bắt đầu, các đại biểu đã dành một phút tưởng niệm nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch và các cá nhân đã mất vì dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Trân quý những tấm lòng
Báo cáo tại lễ tuyên dương, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nhấn mạnh nhờ sự chi viện kịp thời của Trung ương và các tỉnh, thành nên công tác phòng chống dịch tại TP đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, chiến dịch xét nghiệm từ ngày 21-9 đến nay được đánh giá là thành công nhất, xét nghiệm trên diện rộng nhất với thời gian ngắn nhất, tỉ lệ dương tính với SARS-CoV-2 liên tục giảm ở tất cả các vùng nguy cơ. Những ca dương tính có điều kiện quản lý, chăm sóc và điều trị kịp thời, góp phần làm số tử vong giảm rõ rệt. Tỉ lệ bao phủ vắc-xin ngừa Covid-19 của TP liên tục được nâng lên, hiện trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 và 45,5% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 2.
Lãnh đạo TP HCM tặng bằng khen cho các đoàn công tác tham gia hỗ trợ TP HCM phòng chống dịch Covid-19 .Ảnh: QUỐC THẮNG
Theo ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM - tình hình dịch bệnh tại TP bước đầu được kiểm soát, TP từng bước mở lại các hoạt động để ổn định xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế. "TP đang lấy lại sức sống và nhịp đập trái tim của một cơ thể đang hồi sinh. Thành quả đó có được là nhờ sự chỉ đạo của Trung ương, của TP, của ý thức và sự kiên trì của mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là sự đóng góp to lớn của lực lượng chi viện từ mọi miền đất nước" - Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo TP HCM, ông Phan Văn Mãi trân trọng cám ơn các tập thể, cá nhân đã tham gia cùng TP phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Ông nói cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 ở TP HCM và các tỉnh phía Nam đã trải qua những ngày tháng vô cùng căng thẳng và khốc liệt. Đặc biệt hơn 2 tháng qua, TP đứng trước tình huống hết sức khó khăn, khi số ca bệnh và ca tử vong tăng cao, các bệnh viện trong tình trạng quá tải, toàn bộ y - bác sĩ, nhân viên y tế được huy động và làm việc ngày đêm mà chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và điều trị bệnh.
Theo ông, cũng như trước đây, các đoàn y - bác sĩ của TP HCM từng chi viện hết mình cho công tác phòng chống dịch ở một số tỉnh miền Trung và miền Bắc, thì hơn 2 tháng qua, lực lượng chi viện của Trung ương và các tỉnh, thành đến TP trong một đợt công tác đầy hy sinh, vất vả mà không chút do dự. "Anh, chị, em đã phải xa con thơ, cha mẹ già yếu, thậm chí không thể về nhà khi phải vĩnh biệt người thân. Không kể ngày nắng hay ngày mưa, các anh, chị, em mặc kín bộ đồ bảo hộ, luôn bên cạnh bệnh nhân, nhiều lúc ăn không kịp no, ngủ không tròn giấc. Những hình ảnh và nghĩa cử cao cả thể hiện sâu sắc y đức, thấm đậm tình thương và trách nhiệm đó luôn in đậm và sẽ còn lưu giữ mãi trong lòng người dân TP HCM" - Chủ tịch UBND TP HCM bày tỏ. Qua đây, ông Phan Văn Mãi cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đấng sinh thành và người dân đã động viên, san sẻ, gánh vác trách nhiệm gia đình để các anh, chị, em lên đường đến với TP và yên tâm công tác.
Chủ tịch UBND TP hy vọng những kinh nghiệm mà TP HCM trải qua trong thời gian phòng chống dịch, với những vui buồn, những điều đúng và chưa đúng, những cái được và mất sẽ trở thành bài học quý báu cho chính TP. Ông nhận định thời gian tới, dịch bệnh có thể sẽ còn những diễn biến phức tạp, khó lường, những khó khăn và thách thức chưa phải đã hết. Nhưng TP tin rằng khi có sự chung sức, chung lòng và sự đoàn kết toàn dân tộc, TP sẽ vượt khó khăn, chiến thắng đại dịch và sớm trở lại cuộc sống bình thường mới, với nỗ lực và quyết tâm tiếp tục xây dựng TP HCM tươi đẹp, văn minh, nghĩa tình, xứng tầm với vị thế của mình.
Nặng nghĩa đồng bào
Thay mặt các tập thể, cá nhân được tuyên dương, bác sĩ Bùi Quang Huy - Phó trưởng Khoa Nhi Tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E - cảm ơn chính quyền TP đã tạo điều kiện tốt nhất cho họ được hoàn thành nhiệm vụ. Về quyết định lên đường chi viện cho TP HCM, bác sĩ Huy nói bản thân anh xác định đây không phải chỉ là hỗ trợ, mà đây chính là cuộc chiến của mình, phải chiến đấu bằng 200% sức lực để san sẻ với các đồng nghiệp TP HCM. "Động lực của chúng tôi đến từ những điều giản dị, đó là trách nhiệm của một người làm nghề y trước bệnh tật, là tình đồng loại trước nỗi đau của đồng bào" - bác sĩ Huy bộc bạch.
Gặp chúng tôi tại buổi lễ, bác sĩ Trần Hoàng Hiệp, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, nói nhẹ nhàng: Nghĩa đồng bào thôi thúc mà chúng tôi lên đường! Bác sĩ Hiệp kể cùng 852 giảng viên, sinh viên của trường tham gia chi viện cho TP HCM từ ngày 21-8. Trong đợt tuyên dương của TP lần này, đoàn có 12 người nhận huy hiệu. "Xin đừng gọi chúng tôi là người hùng, chúng tôi chỉ đóng góp một phần nhỏ bé để đem lại sự bình yên cho người dân. Đạt được thành quả như hôm nay là sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân tộc, của người dân và lực lượng chống dịch, nếu là người hùng thì tất cả chúng ta đều là người hùng. Bởi những đóng góp nhỏ bé của xã hội, cộng dồn lại tạo thành sức mạnh lớn, thành rừng cây. Chúng tôi hạnh phúc vì được ghi nhận bình an" - bác sĩ Hiệp bày tỏ và tin TP sẽ đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh.
Vào TP HCM cùng 59 đồng nghiệp khi dịch bệnh ở giai đoạn đỉnh điểm, lúc đó nhiều khoa phòng đã quá tải, bác sĩ Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa), nói nhờ cố gắng nỗ lực, thành quả nhận được là số bệnh nhân được xuất viện ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân không qua khỏi dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức, trước những trường hợp này y - bác sĩ phải nén nước mắt động viên tinh thần người thân của bệnh nhân, rồi quay lại tiếp tục công việc.
"Tính chất cấp bách của công việc khiến chúng tôi không cho phép mình được đau buồn nhiều, đứng trước sinh ly tử biệt cũng phải lên dây cót tinh thần tiếp tục làm việc. Anh em vào đây với tinh thần xung phong, chống dịch như chống giặc, nên gác lại cảm xúc cá nhân, nhiều khi nhớ nhà chỉ có thể tranh thủ thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi để gọi về cho gia đình. Khi đi, tôi hẹn với hai con đánh thắng trận sẽ trở về" - bác sĩ Toàn bộc bạch. Như nhiều nhân viên y tế khác, bác sĩ Toàn cũng cho biết khi nào TP kiểm soát được dịch anh cùng đồng đội mới về.
Là điều dưỡng chi viện cho Bệnh viện dã chiến số 10 (Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM phụ trách), chị Nguyễn Thị Hạnh (34 tuổi) đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) luôn làm hết tất cả những gì có thể cho bệnh nhân, từ đấm bóp đến vệ sinh cá nhân. Mỗi khi có bệnh nhân không qua khỏi, chị lại khóc, giữ nỗi buồn riêng trong lòng, tự trách mình và hứa phải cố gắng hơn nữa. "Khi xung phong đi chi viện, quyết tâm của tôi là cùng TP dập dịch, lúc đi chưa biết ngày về. Mong ước lớn nhất của tôi bây giờ là TP sớm kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, trở về cuộc sống bình thường. Vậy là hạnh phúc rồi!" - chị Hạnh nói trong lúc con nhỏ qua điện thoại hỏi mẹ bao giờ về chở con đi học.
"Vừa qua, TP có tổ chức các đoàn y - bác sĩ, nhân viên y tế đến tham quan Rừng Sác (Cần Giờ) và huyện Củ Chi nhưng số lượng còn rất hạn chế. Tôi mong muốn sẽ được tiếp đón các anh, chị, em cùng gia đình, bạn bè đến thăm TP HCM khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, để cảm nhận về một thành phố phương Nam ấm áp, nghĩa tình, thân thiện và hiếu khách".
Ông PHAN VĂN MÃI - Chủ tịch UBND TP HCM
143 tập thể, cá nhân được tuyên dương
Tại buổi lễ, lãnh đạo TP HCM đã trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND TP HCM cho 43 tập thể cùng 20 triệu đồng tiền thưởng/tập thể và 100 cá nhân được nhận Huy hiệu TP HCM.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, tính đến ngày 30-9, tổng lực lượng tham gia phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM là 187.275 người. Trong đó, tổng số nhân lực của các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ TP HCM là gần 29.000 người. Cụ thể, Bộ Y tế hỗ trợ 2.656 nhân sự, Bộ Quốc phòng tăng cường 16.637 nhân sự, Bộ Công an tăng cường 1.749 nhân sự. Bên cạnh đó, 4.031 người được tăng cường từ trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo chuyên ngành y.
Bình luận (0)