Ngày 3-12, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã khai mạc kỳ họp thứ 11, kỳ họp diễn ra trong 3 ngày. HĐND TP sẽ xem xét, thảo luận và thông qua 14 báo cáo và 6 nghị quyết thường kỳ, 6 báo cáo và 16 nghị quyết chuyên đề, đây là những chuyên đề rất quan trọng cho quá trình điều hành của các cấp chính quyền và đáp ứng yêu cầu của cử tri.
Sớm trình đề án cơ chế đặc thù
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, khách mời của kỳ họp, cho biết kỳ họp lần này rất quan trọng, trong đó có đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; 7 năm thi hành Luật Thủ đô để đề ra những giải pháp, tạo cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội khi thực hiện Đề án chính quyền đô thị.
Về vấn đề này, trong kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận và thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 và bắt đầu từ ngày 1-7-2021. Đây là một trong những căn cứ pháp lý rất quan trọng để thủ đô có điều kiện phát triển nhanh, bền vững. "Đề nghị TP sớm trình Chính phủ đề án cơ chế chính sách đặc thù để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết này, tạo cơ sở điều kiện cho thủ đô phát triển" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XV, ngày 3-12
Theo tờ trình do ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - trình bày, năm 2018, trên địa bàn TP có 2.294 công trình, dự án trong danh mục phải thu hồi đất; 594 công trình, dự án trong danh mục chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Đến ngày 30-9, TP đã thu hồi đất của 1.294 dự án với diện tích 4.197,51 ha, đạt 56%. Tại kỳ họp này, UBND TP Hà Nội trình HĐND TP quyết nghị thông qua danh mục 2.142 dự án thu hồi đất năm 2020 với diện tích là 8.051,01 ha (trong đó số dự án thu hồi đất năm 2019 chuyển tiếp sang Danh mục thu hồi đất năm 2020 là 1.577 dự án, với diện tích 5.355,22 ha). UBND TP trình HĐND TP Hà Nội quyết nghị thông qua danh mục 209 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2020 với diện tích 358,84 ha.
Phần mềm của Nhật Cường vẫn hoạt động
Ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội, cho biết theo kế hoạch từ nay đến trước Tết nguyên đán 2020, cơ quan này sẽ đưa ra xét xử một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, vụ án được dư luận quan tâm, vụ án kinh tế lớn. Cụ thể, đưa ra xét xử vụ án giết cả gia đình vì mâu thuẫn nhỏ nhặt tại huyện Đan Phượng vào ngày 12-12, vụ án AVG từ ngày 16-12 đến cuối tháng 12. Đầu tháng 1-2020, đưa ra xét xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") và các đồng phạm...
Liên quan đến vụ Nhật Cường Mobile, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết các phần mềm do Nhật Cường cung cấp như: dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, phần mềm đăng ký doanh nghiệp, phần mềm đăng ký kinh doanh qua mạng... vẫn hoạt động bình thường. Cơ quan điều tra đang vào cuộc, sẽ có kết luận cụ thể và TP phải hợp tác với cơ quan điều tra. Còn ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cho hay sở này đang thanh tra, rà soát lại việc đấu thầu các dự án lớn về công nghệ của Hà Nội, đã có báo cáo với lãnh đạo TP.
JEBO muốn đầu tư 100% chi phí xử lý sông Tô Lịch, hồ Tây
Chiều 3-12, Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản (JEBO) phát đi thông cáo, đưa ra một số giải pháp xử lý nước cho cả sông Tô Lịch. JEBO đưa ra đánh giá 12 ưu điểm của công nghệ nano - bioreactor Nhật Bản có thể giải quyết được các vấn đề xử lý nước thải sông Tô Lịch và các "dòng sông chết, ao hồ ô nhiễm" khác, như: chi phí đầu tư ban đầu thấp, xử lý triệt để tận gốc mùi hôi thối, tạo ra nước đạt quy chuẩn Việt Nam để dùng làm nguồn cấp bổ cập tại chỗ cho các "dòng sông chết, ao hồ ô nhiễm"... Đồng thời, thông cáo của JEBO cũng nêu rõ đã báo cáo UBND TP về phương án JEBO sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xử lý toàn bộ sông Tô Lịch, Hồ Tây nếu thành công thì cho Hà Nội thuê và chuyển giao cho Hà Nội quản lý, vận hành.
Trước đó, tổ chức này cũng phát đi thông cáo phản bác nội dung phát biểu của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Lê Văn Dục, cho rằng "công nghệ xử lý trên sông Tô Lịch đã thất bại". Tổ chức này nhận định Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cố tình phát biểu vô căn cứ, không hiểu mục tiêu, trái kết luận của UBND TP Hà Nội, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của công nghệ Nhật Bản.
Bình luận (0)