Ngày 11-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp QH thứ 6, dự kiến khai mạc vào ngày 22-10.
Bổ sung công tác nhân sự
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự kiến chương trình kỳ họp để xin ý kiến UBTVQH. Theo dự kiến, tổng thời gian làm việc của QH tại kỳ họp là 22 ngày rưỡi. QH sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22-10, bế mạc vào ngày 20-11. Đáng chú ý, nội dung công tác nhân sự đã được bổ sung, xin ý kiến của UBTVQH nhằm đưa vào dự kiến chương trình họp để trình QH thông qua.
Cho ý kiến về dự kiến chương trình kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết QH có thể tiến hành miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vào chiều 22-10, là ngày khai mạc kỳ họp thứ 6, sau đó sẽ xem xét phê chuẩn bổ nhiệm tân bộ trưởng Bộ TT-TT vào sáng 23-10.
Chủ tịch QH đề nghị sau khi bổ nhiệm bộ trưởng TT-TT mới, đề nghị QH bố trí thời gian để tân bộ trưởng ra mắt và phát biểu trước QH vào ngày 24-10.
Trước đó, ngày 23-7, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ TT-TT đối với ông Trương Minh Tuấn. Tiếp đó, ngày 25-7, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định giao quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT cho ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Cũng theo dự kiến chương trình kỳ họp, QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, QH dự kiến bố trí các nội dung thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn và trả lời chất vấn trước ngày 2-11 (2 tuần đầu kỳ họp).
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày nhiều nội dung về kỳ họp thứ 6 sắp tới của Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Thành lập TP Hà Tiên
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm: Tiếp thu ý kiến của UBTVQH và các cơ quan hữu quan, dự kiến có một số nội dung sẽ chưa được QH xem xét tại kỳ họp lần thứ 6. Đáng chú ý là dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc tạm thời chưa được trình QH tại kỳ họp này để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện.
Một số nội dung được bổ sung vào kỳ họp, gồm: Việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt; các dự án trọng điểm quốc gia: Thủy điện Sơn La; Thủy điện Lai Châu; Thủy điện Sông Bung 4 và Thượng Kon Tum; Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn; Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Khai thác phát triển mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh (gửi đại biểu QH tự nghiên cứu)…
Đặc biệt, về dự án đường sắt đô thị TP HCM (tuyến 1: Bến Thành - Suối Tiên; tuyến 2: Bến Thành - Tham Lương), ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại phiên họp tháng 7, UBTVQH đã cho ý kiến và đề nghị Chính phủ báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, đến nay, Ban Cán sự Đảng Chính phủ vẫn chưa báo cáo Bộ Chính trị nên đề nghị chưa bổ sung nội dung này trong dự kiến chương trình kỳ họp.
Cuối phiên họp, UBTVQH đã biểu quyết thông qua nghị quyết thành lập phường Mỹ Đức và TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), với 100% ĐB có mặt tán thành. Theo đó, phường Mỹ Đức được thành lập trên cơ sở toàn bộ 16,96 km2 diện tích tự nhiên và 9.108 người của xã Mỹ Đức (thuộc thị xã Hà Tiên hiện nay). Toàn bộ 100,49 km2 diện tích tự nhiên và 81.576 nhân khẩu của thị xã Hà Tiên sẽ thuộc TP Hà Tiên. Địa giới hành chính TP Hà Tiên: Đông giáp huyện Giang Thành, Tây giáp vịnh Thái Lan, Nam giáp huyện Kiên Lương, Bắc giáp Vương quốc Campuchia; có 7 đơn vị hành chính cấp xã. Như vậy, tỉnh Kiên Giang sẽ có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 2 TP là Rạch Giá và Hà Tiên.
Đề nghị rút dự án Luật Hành chính công
Cùng ngày, UBTVQH đã thảo luận về dự án Luật Hành chính công. Đây là dự án luật đầu tiên được một đại biểu QH là bà Trần Thị Quốc Khánh đề xuất và trực tiếp xây dựng (dự thảo), thể hiện quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu QH. Nhiều thành viên UBTVQH cho rằng dự án này chưa đạt yêu cầu, có thể chồng chéo hệ thống pháp luật hiện hành.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết khái niệm hành chính công rất rộng. Qua ý kiến thẩm tra, ý kiến của Chính phủ và tại phiên họp hôm nay thì thấy tính thống nhất, tính đồng bộ, tính khả thi và tính quy phạm chưa bảo đảm; nhiều chính sách chưa đánh giá kỹ tác động... Vì thế, đề nghị Ủy ban Pháp luật có báo cáo QH xin rút dự án này ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH.
Bình luận (0)