Ngày 13-7, Ban Nội chính trung ương tổ chức hội nghị sơ kết kết quả công tác 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.
Chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc
Ban Nội chính trung ương cho biết trong 6 tháng đầu năm, thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng (gọi tắt Ban Chỉ đạo PCTN), Ban Nội chính trung ương đã tích cực chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện ban phải theo dõi (cả 3 cấp độ). Qua đó, đốc thúc để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc trong năm 2018. Ban cũng tham mưu, chỉ đạo xử lý 7 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận đặc biệt quan tâm.
Ông Đinh Ngọc Hệ, còn gọi là Út "trọc" (đứng giữa) tại một buổi ký kết hợp đồng(Ảnh từ trang web của Bộ Giao thông Vận tải)
Đáng chú ý là các vụ việc lớn như vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỉ đồng vào OceanBank, vụ án Phạm Công Danh giai đoạn II... Đặc biệt là vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ "nhôm" - PV), Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út "trọc" - PV), vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên mạng xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương, vụ việc Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG)…
Ban Nội chính cũng đề xuất đưa 4 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi chỉ đạo; tham mưu, chỉ đạo xét xử sơ thẩm 11 vụ án, xét xử phúc thẩm 9 vụ án đúng yêu cầu kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN.
Hoàn thành xét xử các vụ án nghiêm trọng
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Trưởng Ban Nội chính trung ương Phan Đình Trạc yêu cầu các cơ quan phải chuẩn bị nội dung, phục vụ tốt phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo PCTN (dự kiến diễn ra cuối tháng 7), hoàn thiện 3 đề án trình Bộ Chính trị trong quý III, trong đó có đề án xây dựng cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác tham nhũng và đề án xây dựng quy định người đứng đầu cấp ủy tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất.
Một nhiệm vụ quan trọng là các bộ phận bám sát xử lý các khó khăn, vướng mắc để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 21 vụ án, vụ việc, kết thúc xác minh xử lý 21 vụ việc khác trong năm 2018 theo kế hoạch. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thành xét xử sơ thẩm giai đoạn I các vụ án: vụ đường dây đánh bạc qua mạng ngàn tỉ đồng, vụ án Út "trọc", Vũ "nhôm", vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á, các vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Dương Thanh Cường, Vũ Quốc Hảo và các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), PVN.
Đặc biệt, Ban Nội chính cần phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước để theo dõi, đôn đốc việc thanh tra, kiểm toán làm rõ đúng - sai, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận quan tâm; thanh tra việc quản lý, sử dụng 2.200 tỉ đồng PVN trả nợ cho Vinashin và số tiền 4.190 tỉ đồng Chính phủ tạm ứng cho Vinashin tái cơ cấu; thanh tra các dự án có liên quan đến Út "trọc".
Trưởng Ban Nội chính trung ương nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm của Ban Nội chính trung ương là tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo PCTN hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tạo cơ sở chính trị, pháp lý đồng bộ cho công tác PCTN, tập trung vào xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng "đẩy mạnh giáo dục đạo đức công vụ để "không muốn tham nhũng".
Đánh thuế với tài sản không rõ nguồn gốc
Ngày 13-7, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến một số vấn đề của Luật PCTN sửa đổi. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết vấn đề xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý về nguồn gốc còn nhiều ý kiến khác nhau.
Cơ quan thẩm tra và cơ quan trình dự án luật đã đề nghị 2 phương án xử lý. Phương án 1, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN); đồng thời sửa đổi Luật Thuế TNCN để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất. Phương án 2, chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để phân loại tài sản, thu nhập nào chứng minh được thuộc diện chịu thuế thì yêu cầu nộp thuế; các tài sản, thu nhập khác vẫn thuộc về người có nghĩa vụ kê khai. Với phương án này, không cần sửa Luật Thuế TNCN.
Bên cạnh đó, một số ý kiến của Ủy ban Tư pháp cơ bản thống nhất với cơ quan trình dự án về mức thuế suất 45%, tuy nhiên nhiều ý kiến còn băn khoăn về căn cứ xác định mức thuế suất này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định dự thảo luật chưa thuyết phục về cơ sở pháp lý và lý luận thực tiễn. Nếu tài sản tham nhũng tịch thu 100% nhưng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp mà thu thuế, gọi là thu nhập vãng lai thì không có cơ sở thuyết phục. Bà Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục lắng nghe ý kiến, nghiên cứu, tổ chức thảo luận với các cơ quan trong Ban Chỉ đạo PCTN để có lý lẽ thuyết phục, sau đó tổng hợp ý kiến để xin ý kiến Bộ Chính trị.
M.CHIẾN
Bình luận (0)