. Phóng viên: Sách giáo khoa (SGK) phát hành trong nhà trường hiện nay bao gồm cả sách bài tập, sách tham khảo và nhiều sách của dự án mô hình trường học mới. Điều này dẫn tới ở nhiều trường, học sinh (HS) phải mua tới 27 đầu sách. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có ý kiến gì về việc này?
- Ông TẠ NGỌC TRÍ: SGK là sản phẩm cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục của các môn học ở mỗi lớp của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông. Do đó, SGK là cần thiết đối với HS, để HS sử dụng trong học tập.
Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông tại Công văn số 2372/BGDĐT-GDTrH ngày 11-4-2013 và tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7-7-2014 quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; trong đó có việc quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục, giáo viên và quy trình lựa chọn xuất bản phẩm tham khảo.
Trước phản ánh của báo, chúng tôi sẽ yêu cầu các cơ quan quản lý giáo dục các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng có cơ sở giáo dục yêu cầu HS mua nhiều tài liệu tham khảo mà không sử dụng dẫn đến tình trạng lãng phí.
Bộ GD-ĐT đã có những quy định rất cụ thể về việc sử dụng các xuất bản phẩm tham khảo. Do đó, theo phân cấp quản lý, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc thực hiện những quy định về việc sử dụng sách tham khảo theo đúng quy định. Bộ GD-ĐT cũng sẽ tổ chức kiểm tra một số địa phương để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên.
Cha mẹ HS cũng cần biết những quy định trên để từ chối các sản phẩm tham khảo (sách tham khảo) nếu thấy con em mình không cần thiết phải sử dụng.
SGK toán lớp 4 thiết kế cho học sinh viết vào sách, chỉ sử dụng một lần rồi bỏ. Ảnh: YẾN ANH
. Danh mục SGK tiểu học của Bộ GD-ĐT chỉ có chưa đầy 10 cuốn, liệu HS có thể chỉ học từng đó cuốn sách trong nhà trường để tránh giảm tải theo tinh thần của Bộ GD-ĐT hay không?
- Như Công văn số 2372/BGDĐT-GDTrH đã hướng dẫn, thông thường, mỗi môn học có một SGK. Đối với cấp tiểu học có những môn học không có SGK, tùy theo từng khối lớp mà số môn học khác nhau nên số SGK cho một khối lớp có thể khác nhau.
Về mặt nguyên tắc, các nội dung trong SGK đã bảo đảm các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về tổ chức dạy học, dạy học phân hóa… có thể nhà trường sẽ thấy cần phải có thêm các tài liệu tham khảo. Việc đưa các tài liệu tham khảo đó vào nhà trường phải bảo đảm theo đúng quy định (trong Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7-7-2014), bảo đảm đúng mục đích và góp phần giúp nâng cao chất lượng dạy học.
. Rất nhiều phụ huynh phản ánh tình trạng HS viết bài trực tiếp lên SGK, do đó sách không thể tái sử dụng, gây lãng phí hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Quan điểm của bộ trước cách làm sách này?
- Tinh thần của chúng tôi là SGK được xuất bản để có thể sử dụng lâu dài. Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương yêu cầu các nhà trường, giáo viên quán triệt tinh thần này để hướng dẫn HS trong quá trình dạy và học.
. Cụ thể, Bộ GD-ĐT chỉ đạo hay yêu cầu gì?
- Tôi khẳng định một lần nữa, quan điểm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là SGK được biên soạn để có thể sử dụng lâu dài.
Trong thời gian tới đây, trong quá trình khi biên soạn các bộ SGK để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục yêu cầu ban biên soạn và các NXB tham gia làm SGK phải biên soạn và thiết kế làm sao để SGK có thể sử dụng lâu dài, không có tình trạng lãng phí như trên.
Ông CAO HUY THẢO, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt - Úc:
Lãng phí sách dạy tiếng Anh
Các loại sách tiếng Anh như hiện nay trong trường học, kể cả SGK chính thống của Bộ GD-ĐT, đều đang tập trung vào một mục đích duy nhất là luyện thi, tập trung cho thi cử. Từ đó kéo theo mục tiêu dạy và học tiếng Anh trong nhà trường hiện nay sai hướng, phụ thuộc sách.
Hiện các chương trình tiếng Anh trong trường học rất rối. Có thể kể tiếng Anh tích hợp, tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh theo đề án… Với mỗi loại hình, phụ huynh phải mua sách và các tài liệu bổ trợ kèm theo. Tuy nhiên, hiệu quả đào tạo tiếng Anh trong nhà trường hiện nay là không cao. Điều này gây ra nhiều lãng phí tiền của, thời gian của HS, phụ huynh.
TS LÊ VIẾT KHUYẾN, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT:
Cần sự quyết liệt của người đứng đầu
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 30-8, liên quan tới vấn đề dư luận quan tâm là các sách có viết trực tiếp lời giải, chỉ sử dụng một lần, một thứ trưởng phụ trách mảng phổ thông của Bộ GD-ĐT khẳng định đó chỉ là sách bài tập, sách tham khảo. Sách tham khảo tùy theo từng điều kiện, các gia đình, nhà trường có thể lựa chọn. Thứ trưởng cũng khẳng định tinh thần của Bộ GD-ĐT là không khuyến khích việc viết trực tiếp tên các sách tham khảo. Việc thứ trưởng của Bộ GD-ĐT lại là người phụ trách mảng phổ thông lại không nắm được thông tin bài tập được in thẳng vào SGK suốt mười mấy năm qua là chưa quán xuyến công việc toàn diện.
Cách làm chương trình giữa khu vực phổ thông và ĐH là hoàn toàn khác nhau. Làm chương trình của phổ thông kinh phí cực lớn, dễ giải ngân nhưng với ĐH thì lại khác. Nếu có tâm thì người ta sẽ tính khác, phải làm sao tiết kiệm tối đa cho đất nước, vì đó là tiền của dân, của nước. Giữa người bán sách và người dùng sách đang có những quan điểm khác nhau. Người quản lý phải có cái nhìn thấu đáo. Xử lý việc này phải có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu.
Đ.Trinh - Y.Anh ghi
Bình luận (0)