Ngày 27-3, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 do ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Tây Ninh.
Nâng công suất xét nghiệm Covid-19 cho Tây Ninh
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Tây Ninh, do địa phương có cửa khẩu quốc tế và địa hình thuận tiện cho việc qua lại nên số lượng người nhập cảnh phải cách ly rất lớn. Tính đến ngày 26-3, bình quân tỉnh tiếp nhận 30 người/ngày, có đợt cao điểm về hơn 1.000 người/ngày.
Đến nay, tổng công suất xét nghiệm Covid-19 của tỉnh chỉ đạt 250 mẫu/ngày. Khó khăn lớn là Tây Ninh vẫn đang thực hiện nhập cảnh, cách ly cho người dân Việt Nam từ các cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh với số lượng tăng liên tục. Ngoài ra, tỉnh phải tiếp nhận nhập cảnh và cách ly đối với lưu học sinh nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (áo trắng, bìa phải) làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Tây Ninh sáng 27-3 .Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Viện Pasteur TP HCM sẵn sàng lên phương án hỗ trợ tỉnh Tây Ninh xét nghiệm, nâng công suất lên 1.000 mẫu/ngày.
"Hiện nay, người nhập cảnh trái phép sợ bị phát hiện thường tìm đến các phòng khám ngoài công lập. Vì vậy, phải tăng cường công tác tập huấn, nâng cao mức cảnh giác đối với các phòng khám tư nhân. Khi tiến hành kiểm tra nếu cơ sở y tế nào không chấp hành yêu cầu thì rút giấy phép hoạt động ngay. Đối với các cửa hàng bán thuốc, có trách nhiệm phải ghi chép báo cáo với các trung tâm y tế" - Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo.
Cùng ngày, đoàn đã kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, khai báo y tế tại cửa khẩu biên giới Mộc Bài, công tác cách ly tại khu cách ly tập trung K71 (huyện Gò Dầu). Kiểm tra, giám sát tại cửa khẩu Mộc Bài, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu lực lượng biên phòng phải phối hợp chặt chẽ với công an, chính quyền địa phương kiểm soát chặt đường mòn, lối mở và những nơi người ngoài dễ dàng nhập cảnh trái phép.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị tỉnh Tây Ninh sẵn sàng các phương án cho việc mở cửa giao thương hai chiều qua cửa khẩu trong tương lai, cũng như chuẩn bị tình huống trong trường hợp số lượng người cách ly, nhập cảnh, số ca mắc Covid-19 gia tăng.
Đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc-xin trong nước
Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia sáng 27-3, sau 19 ngày triển khai, vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca đã được tiêm cho 44.000 người, đạt hơn 50% tổng số liều vắc-xin tiêm trong đợt đầu tiên phân bổ cho các địa phương và cơ sở y tế.
Bộ Y tế cho biết trong đợt 1, Việt Nam đã nhận 117.600 liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca. Ngoại trừ 600 liều vắc-xin Covid-19 được sử dụng để kiểm định chất lượng, lưu mẫu tại đơn vị nhập khẩu và Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế theo quy định, 30.000 liều được cấp cho 2 bộ Quốc phòng và Công an, số 87.000 liều còn lại được cấp cho 13 tỉnh, thành và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.
Đến nay, Hải Dương là địa phương có số người tiêm vắc-xin lớn nhất cả nước với gần 17.300 người, tiếp đến là TP Hà Nội với gần 7.600 người, Bắc Ninh 2.900 người, Bình Dương 1.854 người, Gia Lai 1.513 người, TP HCM 1.337 người…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đến thời điểm này, vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn đang khan hiếm trên thế giới. Theo thông báo mới nhất về việc phân bổ vắc-xin của COVAX Facility, khoảng 811.200 liều vắc-xin Covid-19 sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng 4 tới, chậm hơn so với kế hoạch gần 1 tháng.
Dự kiến trong năm nay Việt Nam sẽ nhận được 60 triệu liều vắc-xin AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều từ COVAX Facility, 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua. Tuy nhiên. kế hoạch phân phối vắc-xin Covid-19 có thể bị đẩy lùi một phần sang năm 2022.
Với mục tiêu tăng độ bao phủ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn dân, Bộ Y tế vừa phê duyệt có điều kiện vắc-xin Sputnik V của Nga cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Trong những ngày tới, Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất vắc-xin và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) thuộc Bộ Y tế sẽ thương thảo với phía Nga kế hoạch cụ thể về cung ứng vắc-xin Sputnik V.
Hiện Bộ Y tế và các đơn vị cung ứng vắc-xin, dược cũng đã khẩn trương làm việc với hãng Johnson & Johnson và Moderna, các nhà sản xuất của Ấn Độ và các nước khác đề nghị thông báo chính thức khả năng cung ứng vắc-xin phòng Covid-19. Cho đến nay, chưa có đơn vị nào trong số các hãng nêu trên cho biết về khả năng cung ứng vắc-xin trong năm 2021. Do đó, ngoài nguồn vắc-xin nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vắc-xin trong nước.
Bình luận (0)