Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị có liên quan trong ngành đôn đốc, nhắc nhở, yêu cầu đeo khẩu trang tại các sân bay và trên mọi phương diện giao thông công cộng để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tiếp tục thực hiện nghiêm quy định yêu cầu toàn bộ hành khách (bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài) bắt buộc phải đeo khẩu trang đúng cách trong suốt thời gian trên máy bay, khi làm thủ tục, trong thời gian ở sân bay. Hành khách và người đưa tiễn bắt buộc đeo khẩu trang trong phạm vi sân bay.
Hành khách và người đưa tiễn bắt buộc đeo khẩu trang trong phạm vi sân bay - Ảnh: Dương Ngọc
Các cảng vụ hàng không tổ chức kiểm tra, giám sát việc đảm bảo thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam.
Trước đó, Bộ GTVT đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc có liên quan yêu cầu đôn đốc, nhắc nhở hành khách phải đeo khẩu trang tại các cảng hàng không, bến tàu, bến xe, nhà ga và trên mọi phương tiện giao thông công cộng phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tiếp tục tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đăng tải "Thông điệp 5K" gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế, đặc biệt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các cảng hàng không, bến tàu, bến xe, nhà ga và trên mọi phương tiện giao thông công cộng.
Sau gần 2 tháng không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới lây lan trong cộng đồng, người dân bắt đầu lơ là, chủ quan, phớt lờ những cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi mùa đông sắp đến. Trong đó, tại hai sân bay lớn nhất cả nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, dù lượng người đi lại tấp nập nhưng không ít hành khách vẫn tháo bỏ khẩu trang.
Sẽ bị phạt tiền
Bộ Y tế đang hoàn tất dự thảo hướng dẫn đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, những nơi tập trung đông người.
Cụ thể, hướng dẫn áp dụng đối với các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người bao gồm: Nơi có nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh như cơ sở y tế, khu cách ly y tế tập trung, hộ gia đình có người cách ly y tế tại nhà, nơi có người đi từ vùng dịch trở về; nơi có không gian kín như quán bar, vũ trường, karaoke, cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage), làm đẹp, phòng tập thể dục, thể hình; trụ sở làm việc, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ, cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn; nơi tập trung đông người như chung cư, trường học, nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ và trên phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh, đám tang, đám cưới, địa điểm tham quan, du lịch, vui chơi, giải trí, khu tâm linh, sự kiện tập trung đông người trong nhà, ngoài trời, khu vui chơi, rèn luyện sức khỏe, tham gia các hoạt động ngoài trời, điểm dừng khi tham gia giao thông; nơi có sự giao tiếp gần dưới 2 m.
Sau khi hướng dẫn được ban hành, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai việc thực hiện, kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên phạm vi địa bàn; đồng thời quyết định các khu vực, địa điểm công cộng mà người dân phải thực hiện đeo khẩu trang để phòng chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đó đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trước hết là Hà Nội và TP HCM, chỉ đạo việc thực hiện đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng. Sau khi Bộ Y tế ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người, người vi phạm có thể bị phạt hành chính từ 1-3 triệu đồng theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ giữa tháng 11-2020.
Bình luận (0)