Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành nghị định thay thế Nghị định số 55/2013/NĐ-CP ngày 22-5-2013 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành khoản 3 điều 54 của Bộ Luật Lao động, về việc cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.
Nâng mức ký quỹ
Theo Bộ LĐ-TB-XH, cho thuê lại lao động là một nội dung hoàn toàn mới được quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2012. Đánh giá kết quả 5 năm tình hình thực hiện cho thấy còn một số điểm hạn chế; một số quy định chưa phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay như: Quy định về mức ký quỹ 2 tỉ đồng không đủ để thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp (DN) trong thanh toán tiền lương hoặc bồi thường cho người lao động (NLĐ) trong trường hợp DN cho thuê vi phạm hợp đồng lao động với NLĐ thuê lại hoặc gây thiệt hại do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ thuê lại.
Không những vậy, quy định cho phép DN nước ngoài liên doanh với DN trong nước để thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động là không còn phù hợp bởi hình thức liên doanh không quy định trong Luật DN năm 2014. Quy định người đứng đầu DN cho thuê là thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông chưa chặt chẽ, dễ bị DN lợi dụng để sử dụng hồ sơ của một thành viên hoặc cổ đông không phải là thành viên sáng lập hoặc có tỉ lệ vốn góp thấp để đáp ứng điều kiện về người đứng đầu của DN cho thuê lại lao động.
Lao động đang học nghề ở một doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại Hà Nội
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng hiện nay, trong các công ước và khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tuy không quy định trực tiếp về vấn đề cho thuê lại lao động, song gián tiếp thể hiện thông qua các quy định về việc làm tạm thời (Khuyến nghị việc làm 198) và đặc biệt là các quy định về tổ chức việc làm tư nhân (Công ước số 181 và Khuyến nghị 188).
"Do đó, việc xây dựng nghị định thay thế Nghị định 55/2013/NĐ-CP là cần thiết và phù hợp. Nghị định sửa đổi sẽ góp phần công khai, minh bạch, giảm điều kiện kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí của DN; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN hiện nay" - ông Dung cho hay.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, dự thảo nghị định mới cơ bản kế thừa các quy định của Nghị định số 55/2013/NĐ-CP, song sửa đổi 12 điều, bổ sung mới 5 điều và bãi bỏ 3 điều, tập trung vào 3 nhóm nội dung: Cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động (trong đó, quy định điều kiện cấp giấy phép, trình tự thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép), ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.
Tăng cường bảo vệ quyền lợi NLĐ
Cụ thể, về cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, sẽ giảm điều kiện của DN khi đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động (sau đây gọi là giấy phép) từ 4 điều kiện còn 2 điều kiện; thực hiện ký quỹ 3 tỉ đồng. Dù vậy, trong quá trình xây dựng dự thảo, theo Bộ LĐ-TB-XH, vẫn còn những ý kiến khác nhau. Về mức ký quỹ 2 tỉ đồng, ý kiến thứ nhất cho là cao so một số loại hình kinh doanh có điều kiện cùng lĩnh vực và không khuyến khích DN nhỏ và vừa tham gia hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai cho rằng ký quỹ với mức 2 tỉ đồng là thấp, khi loại hình kinh doanh cho thuê lại lao động mang lại nhiều rủi ro đối với NLĐ cho thuê lại, như không được trả lương hoặc trả lương thấp hơn so mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; không được tham gia BHXH; NLĐ thuê lại bị tai nạn lao động nhưng DN cho thuê và DN thuê lại không thừa nhận trách nhiệm bồi thường. Chưa kể trường hợp DN cho thuê lại lao động vi phạm đối với nhiều NLĐ thì số tiền ký quỹ 2 tỉ đồng không đủ để thanh toán tiền lương hoặc bồi thường cho NLĐ thuê lại. Trong tờ trình Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị lựa chọn phương án nâng mức ký quỹ lên 3 tỉ đồng.
"Quy định này bảo đảm để thanh toán tiền lương hoặc bồi thường cho NLĐ cho NLĐ thuê lại; bảo đảm người đứng đầu DN phải có các điều kiện, năng lực thực hiện công việc cho thuê lại lao động" - Bộ LĐ-TB-XH lý giải.
Tờ trình cũng quy định người đứng đầu DN phải có đủ điều kiện là người đại diện theo pháp luật ghi trong giấy đăng ký kinh doanh của DN; lý lịch rõ ràng, không có án tích, trong 3 năm liền kề không là người đứng đầu DN bị thu hồi; không có hành vi giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép; có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại từ 3 năm trở lên.
Về thẩm quyền cấp giấy phép, mẫu, thời hạn của giấy phép, sẽ sửa đổi thẩm quyền cấp giấy phép theo hướng phân cấp UBND cấp tỉnh hoặc sở LĐ-TB-XH được UBND cấp tỉnh ủy quyền cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép. Điều này nhằm tăng cường việc tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; tiết giảm chi phí cho DN; cải cách thủ tục hành chính.
Quy định mới cũng bổ sung các trường hợp không được gia hạn giấy phép, gồm: Không bảo đảm các điều kiện cấp giấy phép; không bảo đảm quyền lợi của NLĐ; không thực hiện chế độ báo cáo; nộp hồ sơ đề nghị gia hạn sau thời hạn quy định; có hành vi giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn; tẩy xóa, sửa chữa giấy phép. Bổ sung thêm các trường hợp thu hồi giấy phép, gồm: Không bảo đảm chế độ đối với NLĐ cho thuê lại, không thực hiện báo cáo định kỳ từ 2 lần trở lên; giấy phép hết hạn mà DN không đề nghị làm thủ tục gia hạn hoặc cấp lại; DN chấm dứt hoạt động cho thuê lại.
Không mở rộng danh mục
Về danh mục thực hiện công việc cho thuê lại lao động, đề nghị giữ nguyên danh mục 17 công việc và thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng.
Có 17 công việc được thực hiện cho thuê lại lao động, gồm: Phiên dịch/biên dịch/tốc ký; thư ký/trợ lý hành chính; lễ tân; hướng dẫn du lịch; hỗ trợ bán hàng; hỗ trợ dự án; lập trình hệ thống máy sản xuất; sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông; vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất; dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy; biên tập tài liệu; vệ sĩ/bảo vệ; tiếp thị/chăm sóc khách hàng qua điện thoại; xử lý các vấn đề tài chính, thuế; sửa chữa/kiểm tra vận hành ôtô; scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/trang trí nội thất; lái xe.
Bình luận (0)