Ông Lê Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Yến Sào Khánh Hòa, cho biết từ năm 2014 - 2017, cả nước tăng gần 2.500 nhà nuôi yến; dự kiến đến năm 2020, cả nước sẽ có 10.000 nhà nuôi yến. Theo ông Hoàng, sự phát triển quá nhanh và mang tính tự phát cao là do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chưa có quy định cũng như chế tài đủ mạnh. Điều này gây nhiều hệ lụy về môi trường và rủi ro cho người nuôi, đầu tư nhà nuôi hàng tỉ đồng nhưng không dẫn dụ được yến đến làm tổ.
Tăng trưởng nóng do quy định lỏng lẻo
Theo số liệu điều tra từ nhóm nghiên cứu đề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam", đến tháng 3-2017, cả nước có 36 tỉnh, thành có nhà nuôi yến với 5.069 nhà. Tiền Giang là tỉnh nuôi nhiều nhất với 697 nhà yến, TP HCM 612, Kiên Giang 548. Các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có trên 200 nhà yến. Thậm chí, không ít khách sạn lớn ven biển Bình Sơn - Ninh Chử (Ninh Thuận) đã dành hẳn tầng trên để nuôi yến.
Đầu năm 2013, dịch cúm A/ H5N1 xuất hiện trên đàn yến nuôi của Công ty Yến Việt ngay trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm khiến chính quyền tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các nhà nuôi yến phải di dời ra khỏi khu dân cư; đồng thời chỉ đạo ngành NN-PTNT Ninh Thuận quy hoạch vùng nuôi. Tuy nhiên, suốt gần 5 năm qua, chính quyền địa phương vẫn thờ ơ với chỉ đạo này nên nhà nuôi yến "mọc" ngày càng nhiều trong khu dân cư. Quy hoạch vùng nuôi chim yến mà tỉnh này phê duyệt từ giữa năm 2013 bị… "phá sản".
Sẽ mất nhiều thời gian di dời các nhà nuôi yến ra khỏi nội đô khi thực hiện quy hoạch. Trong ảnh: Một nhà yến ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Khánh Hòa, cho biết khó khăn hiện nay là không có tiêu chuẩn cụ thể cho nhà yến; thiết kế thế nào để bảo đảm an toàn kỹ thuật, vệ sinh môi trường. Xây nhà yến mới chỉ phải báo cho địa phương, không thông qua chi cục nên việc giám sát dịch bệnh hiện chủ yếu là trên gia cầm. Những đơn vị nào đăng ký thì chi cục mới có căn cứ kiểm tra định kỳ.
Theo ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, hầu hết hộ nuôi yến hiện nay trên địa bàn tỉnh này là tự phát, không theo quy hoạch và số hộ nuôi trong nội đô, thị trấn chiếm tỉ lệ rất cao. "Hiện nay, chi cục đang hoàn chỉnh kế hoạch quy hoạch vùng để người dân đầu tư nuôi yến. Cái khó là các hộ đã nuôi yến trong các khu dân cư không thuộc vùng quy hoạch. Không thể buộc di dời ngay được vì họ đã lỡ đầu tư khá nhiều tiền của. Phương án di dời đối với những hộ này phải có thời gian và lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, sẽ mất khá lâu mới có thể giải quyết được vấn đề này" - ông Thông nói.
Chỉ 6/36 tỉnh, thành có quy hoạch
Ông Lê Hữu Hoàng cho biết dù nghề yến nuôi phát triển rất nhanh nhưng về quy hoạch thì rất ít địa phương chú trọng. Hiện chỉ có Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, TP HCM, Trà Vinh và Tiền Giang tiên phong thực hiện quy hoạch vùng nuôi yến. Các tỉnh, thành khác đến nay vẫn chưa thực hiện quy hoạch nên công tác khảo sát quy hoạch ngành nghề này phải được khẩn trương tiến hành. Nhiệm vụ này cần được Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh, thành chỉ đạo thực hiện đồng bộ vì lợi ích chung của địa phương, người nuôi yến và cộng đồng xã hội.
Tại Khánh Hòa, từ năm 2015, UBND tỉnh này đã ban hành quyết định về việc phê duyệt vùng nuôi yến trên địa bàn đến năm 2020 với 5 làng nghề tại TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và các huyện: Diên Khánh, Cam Lâm, Vạn Ninh. Quy hoạch định hướng phát triển đàn yến từ 58.000 con hiện nay lên hơn 1,3 triệu con vào năm 2020, tương ứng với gần 40.000 m2 nhà yến. Quy hoạch này sẽ lấy kỹ thuật khoa học được áp dụng thành công trong những năm gần đây của Công ty Yến sào Khánh Hòa để phát triển, mở rộng quy mô làng nghề nuôi yến bền vững. Quy hoạch này không phát triển nuôi yến tại đô thị.
Các tỉnh đã quy hoạch như Phú Yên có đàn chim yến tương đối đông với số lượng khoảng hơn 15.000 con được quy hoạch khu vực ngoại ô phía Nam TP Tuy Hòa, huyện Đông Hòa, huyện Phú Hòa - đây là những khu vực có nhiều chim sinh sống.
Tỉnh Ninh Thuận đã quy hoạch vùng nuôi ở mạn Bắc - Nam sông Dinh, khu vực nội đô TP Phan Rang - Tháp Chàm, đặc biệt là phường Tấn Tài, trong thời gian qua có những tác động không tốt về an ninh, an toàn cho cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh. Ông Trần Minh Thái, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết hiện các đơn vị tư vấn đang khảo sát các vùng quy hoạch để việc di dời nhà yến có thể thực hiện trong năm 2018.
TP HCM có số lượng nhà yến và đàn chim yến đông bậc nhất cả nước, với khoảng hơn 96.000 con, là điều kiện cực kỳ thuận lợi cho nghề nuôi yến phát triển nên việc quy hoạch nhà yến ra các khu vực ngoại thành như Cần Giờ, Nhà Bè là cần thiết.
Khu vực Tây Nam Bộ, tỉnh Kiên Giang mặc dù có số lượng đàn yến nhà đông nhất nước với 131.000 con nhưng vẫn chưa có quy hoạch.
Công bằng mà nói, vì lợi nhuận, người dân mới xây nhà yến, nay di dời thì họ phải chịu thiệt hại. Tuy nhiên, cũng có phần lỗi của các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương nếu ngay từ đầu, tình trạng xây nhà yến tràn lan được ngăn chặn kịp thời thì không xảy ra việc quy hoạch bị vỡ, người dân cũng đỡ thiệt hại.
Bất cập quy định
Thông tư 35 (ngày 22-7-2013) quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến) của Bộ NN-PTNT, ở điều 3 quy định việc xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến phải phù hợp với quy hoạch hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện. Điều 4 quy định khi sử dụng âm thanh dẫn dụ yến thì cường độ không vượt quá 70 dBA và chỉ từ 6 giờ đến 21 giờ.
Tuy nhiên, ngày 29-6-2016, Bộ NN-PTNT lại có Quyết định số 2655 bãi bỏ 2 điều kể trên. Đây là 2 điều rất quan trọng bảo đảm cho việc nuôi yến đúng quy hoạch, tránh ảnh hưởng đến khu dân cư, dịch bệnh… Việc bãi bỏ 2 điều này khiến địa phương rất lúng túng trong việc quản lý nuôi yến.
Bình luận (0)