TÂN PHÚ - 17 NĂM VƯƠN VAI
Năm 2003, quận Tân Phú chính thức được "khai sinh". Sau 17 năm hình thành và phát triển, quận Tân Phú đã vươn mình mạnh mẽ, mang đến những đổi thay tươi đẹp cho cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Cư ngụ ở vùng đất này từ năm 1991, trong ký ức của ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1959), quận Tân Phú từng là khu vực kém phát triển, phức tạp về an ninh trật tự. Sau khi nghỉ việc, được xí nghiệp điện hỗ trợ xây dựng căn nhà hơn 40 m2, ông Tiến cùng vợ và 3 người con chuyển về phường 15, quận Tân Bình (nay là phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) sinh sống. Bấy giờ, khu vực này ít dân, nhà cửa thưa thớt giữa những cánh đồng lúa và hoa màu. Quá trình đô thị hóa diễn ra giữa lúc tình hình trật tự xã hội dần phức tạp. Nỗi ám ảnh về những con đường đất tối đèn, tội phạm ma túy, trộm cướp... lẩn khuất xung quanh khiến người dân luôn đóng kín cửa từ 18 giờ.
"Đến tháng 11-2003, các phường 14 đến 20 thuộc quận Tân Bình được tách ra để thành lập quận Tân Phú, người dân khấp khởi vui mừng, hy vọng quận mới sẽ có bước chuyển mình để chất lượng đời sống người dân được nâng cao" - ông Tiến hồi tưởng.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị An (chủ cửa hàng gỗ Minh Khôi thuộc phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) thì cho rằng quận Tân Phú là mảnh đất lành để gia đình chị an cư lạc nghiệp. Đến bây giờ, vợ chồng chị An vẫn nhớ như in cái đêm kinh hoàng bị nhóm cướp táo tợn đâm trọng thương, lấy đi giỏ xách chứa hơn 80 triệu đồng. Bọn cướp tẩu thoát, không để lại manh mối gì ngoài những hình ảnh lờ mờ được trích xuất từ camera an ninh. Gia đình chị An cũng không dám nuôi hy vọng lấy lại được tài sản nhưng với quyết tâm trừng trị kẻ gây án, sau 15 ngày lần theo dấu vết, lực lượng công an phát hiện các đối tượng đang trú ngụ tại một căn chòi hoang giữa cánh đồng rau ở huyện Bình Chánh (TP HCM). Bị vây bắt, một tên trong nhóm rút dao chống trả, quyết "mở đường máu" cho đồng bọn thoát thân. Cuối cùng, các trinh sát đã tóm gọn băng cướp, vợ chồng chị An nhận lại được tài sản bị mất.

Những dãy nhà cao tầng khang trang trên tuyến đường “không dây điện” Lũy Bán Bích (quận Tân Phú, TP HCM) góp phần tạo nên dáng dấp của một quận đô thị hóa
Nhiều người dân quận Tân Phú hôm nay có thể kể vanh vách các câu chuyện được mắt thấy, tai nghe thể hiện những tâm huyết, nỗ lực của các nhiệm kỳ lãnh đạo cũng như các lực lượng, ban, ngành, đoàn thể… vì sự bình yên cho nhân dân và sự phát triển chung của đô thị mới hình thành.
Gia đình bà Võ Thụy Hồng (SN 1970, phường Phú Thạnh) có 3 đời sống tại địa phương. Chứng kiến những đổi thay từng ngày của quận nhà, bà Hồng hào hứng kể những nỗ lực chuyển hóa các địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự giúp kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự mỗi năm, niềm tin của người dân vào chính quyền ngày một tăng lên. "Nói đâu xa, mấy năm trở lại đây, xe hủ tiếu gõ của vợ chồng tôi đậu trong con hẻm kế bên nhà thờ Phú Thọ Hòa đã đắt khách hơn vào mỗi đêm. Người ra đường nhiều hơn, hàng quán thi nhau mọc lên để đáp ứng nhu cầu ăn uống, mua sắm… Sắp tới, chúng tôi dự định sẽ dùng số tiền tích cóp được để mở cái quán nho nhỏ, buôn bán cố định" - bà Hồng phấn khởi khoe.
Hướng cái nhìn về phía tuyến đường Lê Trọng Tấn rộng thênh thang với 6 làn xe lưu thông, ông Nguyễn Thành Nhân (SN 1965, ngụ phường Tây Thạnh) tự hào nói: "Sau khi tách quận, gần như toàn bộ đường sá đều được thảm nhựa. Các tuyến đường tiêu biểu Lê Trọng Tấn, Lũy Bán Bích, Hòa Bình, Tân Hóa… đã giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, kết nối xuyên suốt các địa bàn lân cận. Bây giờ, đường sá dày đặc, nhiều khi tôi đi còn bị lạc nhưng mà vui lắm vì Tân Phú nay phát triển quá!" - ông Nhân cười vui.
Quả thật, chạy dọc các tuyến đường từ khu vực trung tâm đến vùng ven của quận Tân Phú mới thấy hạ tầng giao thông của quận ngày nay đã gần như hoàn thiện. Sự ổn định về mặt an ninh, trật tự cùng với sự phát triển các công trình hạ tầng đã giúp quận Tân Phú thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Nhân nói thêm: "Nét mới mà ai cũng dễ nhận thấy là bộ mặt đô thị ngày càng hiện đại, văn minh. Ngày trước, tôi còn không dám nghĩ ở đây sẽ mọc lên một siêu thị. Vậy mà bây giờ, trường học, bệnh viện khang trang, chất lượng, nhiều dãy nhà ở cao tầng, nhiều khu chung cư cao cấp, công ty, xí nghiệp, trung tâm thương mại quy mô lớn… đã và đang tạo nên dáng dấp của một quận đô thị. Vui hơn khi hiện nay trên địa bàn quận không còn hộ nghèo".
Tại Đại hội Đại biểu lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ quận Tân Phú, ông Phạm Hưng Quốc Bảo, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tân Phú, cho biết trong giai đoạn 2015-2020, kinh tế quận tiếp tục phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng thương mại - dịch vụ đến nay đạt 4,10%, thu ngân sách nhà nước đạt 12.363,8 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân 7,57%/năm, đưa quận Tân Phú trở thành đơn vị có nguồn thu ngân sách trên 2.000 tỉ đồng của TP HCM. Công tác chỉnh trang và phát triển đô thị được tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các tuyến giao thông đối nội cơ bản hoàn chỉnh; ngầm hóa điện, điện thoại, cáp quang tại một số tuyến đường và triển khai các công trình chống ngập, cải thiện môi trường, cảnh quan đã góp phần nâng cao diện mạo đô thị quận. Ngoài ra, hoạt động văn hóa - xã hội trên địa bàn quận Tân Phú nhiệm kỳ qua cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ quận Tân Phú đưa ra 22 chỉ tiêu và 7 chương trình, công trình trọng điểm để xây dựng quận Tân Phú phát triển bền vững.

Quận Thủ Đức với diện mạo mới sau khi đại lộ Phạm Văn Đồng hình thành
THỦ ĐỨC - DIỆN MẠO ĐÔ THỊ MỚI
Sau ngày 30-4-1975, Thủ Đức là huyện ngoại thành. Ngày 6-1-1997, Chính phủ ban hành Nghị định 03/1997/NĐ-CP, theo đó quận Thủ Đức được thành lập trên cơ sở tách huyện Thủ Đức thành 3 quận mới: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Quận Thủ Đức mới có diện tích 4.726 ha gồm 12 phường, trở thành quận nội thành của TP HCM.
Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc TP HCM, quận Thủ Đức là cầu nối giữa TP HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ giàu tiềm năng về công nghiệp. Trong nhiều năm qua, cùng với quá trình xây dựng và phát triển TP HCM, quận Thủ Đức đã có sự chuyển mình rõ nét, phát triển theo hướng đô thị bền vững, tiếp tục phát huy các tiềm năng trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục…; vị trí địa lý của quận có tính kết nối cao về lợi thế địa lý ở cửa ngõ Đông Bắc TP.
Đặc biệt, nhiều năm qua, việc quy hoạch và quản lý quy hoạch đã được quận thực hiện ngày càng đồng bộ, góp phần chỉnh trang đô thị phù hợp với quá trình đô thị hóa của quận, của TP HCM; từng bước nâng cao cuộc sống người dân. Việc huy động nguồn lực xã hội thông qua phương thức vận động "Nhân dân tự nguyện hiến đất", "Nhà nước và nhân dân cùng làm" được duy trì với 23 dự án mở rộng đường, hẻm; 75 công trình cải tạo hệ thống thoát nước và nâng cấp đường hẻm với tổng đầu tư là 168,896 tỉ đồng. Những con đường được mở rộng, vỉa hè được cải tạo, công viên tăng mảng xanh, đèn chiếu sáng, hệ thống nước sạch… Những thành tựu này góp phần chỉnh trang đô thị, bảo đảm điều kiện đi lại, sinh hoạt của người dân.
Ngoài đại lộ huyết mạch Phạm Văn Đồng chạy từ Tây sang Đông, nối liền sân bay Tân Sơn Nhất với nút giao thông cầu vượt Linh Xuân - Quốc lộ 1K, còn có 2 tuyến giao thông quan trọng, cửa ngõ giao thương với các tỉnh Đông Nam Bộ, là xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1. Bên cạnh đó phải kể đến tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, tuyến đường Vành đai 2… đã từng bước góp phần tạo nên diện mạo đô thị mới, hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Song song đó, khu phố thương mại sầm uất nhất của quận Thủ Đức là đường Võ Văn Ngân, ở đó có chợ Thủ Đức truyền thống, bây giờ hiện diện nhiều trung tâm mua sắm lớn: Vincom (thuộc Vingroup) có mặt khá sớm trên con đường này. Đầu năm 2019, trên đường Phạm Văn Đồng có Trung tâm Thương mại Giga Mall với 7 tầng nổi và 1 tầng thượng, diện tích sàn 110.000 m2…, hằng ngày người dân TP và du khách đến mua sắm đông đúc. Thủ Đức gần như "lột xác" hoàn toàn so với hơn 20 năm trước!
"Những năm đầu chuyển nhà về phường Trường Thọ sinh sống, tôi thật sự thất vọng khi đường sá xuống cấp, bụi và ngập nước. Ba năm trở lại đây, đường số 2, phường Trường Thọ nâng cấp mở rộng, thông thoáng, sạch sẽ, hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng đồng bộ. Rồi nhiều con đường khác của quận cũng khang trang, rộng rãi hơn nên điều kiện sinh hoạt, đi lại cải thiện nhiều" - bà Đặng Thị Kim Chi (phường Trường Thọ) cho biết.
Là địa bàn đông dân, quận Thủ Đức đã đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhiệm kỳ 2015-2020, quận đã triển khai 37 phần mềm ứng dụng quản lý văn bản, hồ sơ công việc, mô hình một cửa điện tử, hệ thống thư điện tử công vụ cho 100% cán bộ - công chức, quản lý đơn thư hành chính và khiếu nại, tố cáo. Cùng với đó, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; triển khai ứng dụng "Đô thị Thủ Đức", "Thủ Đức trực tuyến"; tiếp tục nâng cấp hoàn thiện cổng thông tin điện tử quận với giao diện đơn giản, thân thiện, kết nối hệ thống một cửa điện tử của TP để phục vụ người dân và tổ chức. Việc quận Thủ Đức thành lập trung tâm xử lý hình ảnh camera với hơn 600 camera quan sát được lắp đặt trên toàn địa bàn 12 phường đã kéo giảm đáng kể tội phạm. Quận cũng đã cải tạo, chỉnh trang 30 khu đất trống, bãi rác tự phát với tổng diện tích 15.978 m2 thành vườn hoa, sân vui chơi, thể dục thể thao phục vụ người dân với tổng giá trị gần 4,9 tỉ đồng… Đặc biệt, quận Thủ Đức là địa phương đầu tiên của cả nước có bệnh viện quận hạng 1 và là bệnh viện quận đầu tiên cả nước phẫu thuật thành công chấn thương sọ não.
Báo cáo tại Đại hội Đại biểu lần thứ VI nhiệm kỳ 2020-2025, ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Quận ủy Thủ Đức, thông tin: Nhiệm kỳ qua, kinh tế của quận Thủ Đức đạt mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Lĩnh vực công nghiệp - thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng theo hướng hiện đại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,6% (vượt so với chỉ tiêu nghị quyết). Thu ngân sách hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Pháp lệnh, tốc độ tăng bình quân khoảng 7,3%/năm.
Về định hướng phát triển quận Thủ Đức, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết TP HCM đã và đang triển khai nhiều đề án mang tính đột phá; tập trung xây dựng TP thông minh, năng động, hiện đại, gắn với quy hoạch xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông tại 3 quận (2, 9 và Thủ Đức). Trong đó, quận Thủ Đức được chọn với 2 trọng điểm sáng tạo, gồm Trung tâm Công nghệ giáo dục ĐHQG TP HCM và khu đô thị tương lai (thuộc phường Trường Thọ). Lợi thế của quận Thủ Đức là các tuyến giao thông chính với các trục xuyên tâm đã và đang được hình thành sẽ là đòn bẩy thúc đẩy sự thay đổi về cấu trúc đô thị, thu hút người dân đến học tập, sinh sống và làm việc.

Một góc kênh Tân Hóa - Lò Gốm yên bình, đời sống người dân nơi đây đã đổi thay rất nhiều
Hồi sinh những vùng đất dữ
KÊNH TÂN HÓA - LÒ GỐM từng bị đặt tên là "dòng kênh thối" với nhiều khu dân cư ổ chuột, lụp xụp. Rác ở dưới kênh nhiều đến mức chó, mèo có thể lội bộ từ bờ này sang bờ đối diện.
Gần 40 năm gắn bó với dòng kênh, bà Nguyễn Thị Năm (61 tuổi, kế cầu Hậu Giang) cho biết lúc trước ngủ ở đây, người lạ sẽ bị chuột cắn. Muỗi bay o e tối ngày. Những người bà con ở quê lên tá túc, ở được 1-2 hôm là bỏ đi vì không chịu nổi mùi hôi thối từ con kênh. "Nhiều lần thấy chính quyền thông báo sẽ cải tạo dòng kênh. Có lúc đào lên, lấp xuống rồi lại đào lên..., tôi nghĩ chắc cả đời mình cũng không thấy được dòng kênh này thay đổi tốt hơn. Bây giờ thì khác. Sướng lắm. Kênh đẹp, đời sống mình cũng thay đổi" - bà Năm cười tươi kể.
Lúc trước chồng bà Năm chạy xe ôm, bà bán hàng rong. Nhà bà Năm nằm trong hẻm, sau chỉnh trang đô thị nay đã ra mặt tiền. Mỗi tháng gia đình bà thu hơn 6 triệu đồng nhờ cho thuê mở tiệm hớt tóc. Bà Năm nhẩm tính lúc trước căn nhà rộng 100 m2 bán 500 triệu đồng chẳng ai mua, nay bị "cấn" giải tỏa, còn 65 m2, giá lên đến 6 tỉ đồng mà không muốn bán. Hai bên bờ kênh những chậu hoa được trồng thẳng tắp, tươi tốt, nở bung, tôn tạo thêm vẻ đẹp của dòng kênh, giúp cuộc sống người dân nơi đây thêm khởi sắc.
KHU DÂN CƯ PHÚ LÂM (quận 6) từng có tên là phố "tàu nhanh" khi mỗi tối hàng chục cô gái bán dâm túa ra đường. Bên trong khu dân cư là những con hẻm nhỏ loằng ngoằng như hang chuột. Sự phức tạp ấy khiến cho nhiều đối tượng xấu tìm đến đây bám víu, ban đêm làm bảo kê, chạy xe ôm cho những cô gái bán hoa; ngày thì đến khu vực Cây Da Sà (tiếp giáp giữa quận 6 và quận Bình Tân) để mua ma túy. Một thời người dân có việc phải đi ngang đây vào ban đêm đều "nín thở" vì sợ.
Ông Trịnh Chí Phước (74 tuổi), chủ sự miếu Cây Da Sà, thuật lại: "Gái mại dâm ở Phú Lâm có lúc lên đến 100 người. Tính thêm những thành phần xấu sống bám theo thì "tổ hợp" Cây Da Sà và Phú Lâm có khi lên đến 500 người. Rất nhiều băng nhóm hình thành như A Hào, Vòng A Sáng… Đây là những đầu nậu buôn bán thuốc phiện và điều hành những hoạt động phi pháp. Không ai nghĩ nơi đây bây giờ lại đổi thay đến vậy…".
Cuộc chuyển mình mạnh mẽ nhất ở nơi đây vào năm 2010 khi Công an TP HCM thực hiện hàng loạt các vụ trấn áp và kết hợp theo đó là công tác chỉnh trang lại đô thị. Những gia đình từng một thời sống bằng buôn bán ma túy nay đã bắt đầu làm việc, kinh doanh lương thiện. Cái xấu, cái cũ mất đi; cái mới, cái tốt đẹp hơn nhờ đó mà hồi sinh.
Bình luận (0)