Sáng 8-4, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng đã bàn giao cho Bệnh viện Đà Nẵng 10 máy rửa tay sát khuẩn tự động do nhóm sinh viên trường này sáng chế. Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm 4 sinh viên khoa Điện – Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng gồm: Nguyễn Văn Thuần, Nguyễn Đắc Quy, Phan Ben và Phan Thị Mai, dưới sự hướng dẫn của giảng viên - TS Ngô Đình Thanh.
Sáng chế máy rửa tay sát khuẩn tự động do nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nghiên cứu
Theo nhóm nghiên cứu, cấu tạo chính của máy rửa tay sát khuẩn gồm 4 bộ phận chính: mạch điều khiển, các cảm biến, hệ thống phun dung dịch, bình đựng dung dịch, vỏ thiết bị, giá đỡ và các linh kiện điện tử khác. Người sử đụng đưa tay vào khu vực phun dung dịch sát khuẩn, thiết bị sẽ tự động phun dung dịch lên tay. Chỉ mất khoảng 3-5 giây sau, máy sẽ cung cấp lượng dung dịch đủ để rửa tay. Giá mỗi sản phẩm hoàn thiện là 1,2 triệu đồng.
Người sử dụng chỉ cần đưa tay vào, nước sát khuẩn sẽ tự phun ra 1 lượng vừa đủ
Phan Thị Mai, thành viên nhóm nghiên cứu cho hay, cả nhóm đã lên ý tưởng và thực hiện sáng chế này trong vòng 3 ngày. Sau đó, nhóm đã cho ra sản phẩm đầu tiên và gửi đến Bệnh viện Đà Nẵng để sử dụng thử nghiệm.
Máy rửa tay sát khuẩn tự động do nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng sáng chế
Bệnh viện Đà Nẵng đã lắp đặt và lấy ý kiến người sử dụng sau đó góp ý lại cho nhóm nghiên cứu. Dựa trên các góp ý, nhóm nghiên cứu đã tiếp tục sản xuất 10 máy hoàn thiện để bàn giao theo đơn đặt hàng của bệnh viện. Giá thành mỗi sản phẩm được cho bệnh viện là 900.000 đồng. Theo nhóm nghiên cứu, đây là giá thành ưu đãi mà nhà trường dành cho Bệnh viện Đà Nẵng để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Mỗi máy rửa tay sát khuẩn tự động này có giá 1,2 triệu đồng
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, việc rửa tay sát khuẩn là vô cùng cần thiết đối với nhân viên y tế và người bệnh trong công tác phòng chống dịch. Thiết bị máy rửa tay sát khuẩn tự động do nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng sáng chế là sản phẩm giúp rửa tay đúng quy trình, tiết kiệm thời gian. Bác sĩ Nhân hy vọng sáng chế này được nhân rộng để các cơ sở y tế khác sử dụng.
Bình luận (0)