Đề tài nghiên cứu thiết kế phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước đã vượt gần 800 đề tài khác để đoạt giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2019 do Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng phối hợp với Thành đoàn TP tổ chức.
Đề tài do nhóm sinh viên Khoa Kỹ thuật tàu thủy - cơ khí giao thông của Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng thực hiện, gồm: Võ Anh Khoa, Trương Văn Bình, Trần Văn Nhật, Võ Văn Khoa, Lê Thanh Trãi, Đinh Văn Hiệp.
Chiếc máy này có thể gom được rác trên bãi biển và cả dưới nước, với vận tốc 12 km/giờ, hoạt động liên tục trong 10 giờ.
Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng nhận định mô hình này là một nghiên cứu mới không dựa trên các mẫu có sẵn trên thị trường. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng dựa trên kinh nghiệm thực tế, kiến thức chuyên ngành từ tàu thủy, kết hợp với kiến thức của các lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, động lực học... Bên cạnh đó, nhóm cũng tham khảo các loại máy móc trên thị trường để tìm ra ưu, nhược điểm nhằm hoàn thiện và thiết kế phù hợp với điều kiện hoạt động tại Việt Nam.
Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa (TP Đà Nẵng) cùng chiếc máy thu gom rác thải đa năng
Sinh viên Võ Anh Khoa, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết ý tưởng thiết kế máy thu gom rác xuất phát từ những giờ đi dạo trên bãi biển và những buổi đi nhặt rác cùng bạn bè. "Chúng tôi rất trăn trở khi thấy nhiều người vất vả thu gom rác trên mặt nước. Rác thải tràn ngập ở công viên, bờ hồ ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đã thôi thúc chúng tôi nghĩ ra một mô hình có thể thay con người làm sạch môi trường" - Khoa nói. Từ đó, Khoa cùng các bạn trong nhóm nghiên cứu đã lên ý tưởng cho chiếc máy có thể "lội trên cát lẫn dưới biển" để nhặt rác thay con người.
Sau khi lập kế hoạch, nhóm sinh viên bắt tay vào thiết kế mô hình ban đầu sau 5 tháng mày mò. Lúc này, nhóm đã sáng chế được máy gom rác dễ dàng di chuyển trên địa hình cát biển nhờ bộ bánh xích linh hoạt. Khi di chuyển trên mặt nước, máy nổi ổn định, chịu được va đập từ sóng biển và xoay trở dễ dàng nhờ 2 thiết bị phụt nước gắn hai bên thân.
Ngoài ra, để chiếc máy thân thiện với môi trường, nhóm đã chú trọng khâu thẩm mỹ khi thiết kế và sử dụng nguồn năng lượng điện. Khoa tự tin khẳng định mô hình này hoàn toàn có thể sử dụng được để thu gom rác ở các môi trường biển phục vụ cho du lịch, đồng thời có thể tiếp tục cải tiến về công nghệ. Khoa cũng cho biết đã cùng các bạn trong nhóm hoàn thiện thiết kế và gửi cho một cuộc thi ở nước ngoài với hy vọng quảng bá được đến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dự toán kinh phí sản xuất một chiếc máy gom rác như trên khoảng hơn 800 triệu đồng. Còn chi phí sản xuất đại trà khoảng 650 triệu đồng.
Nhóm của Khoa đang có thư ngỏ và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào mô hình này với mong muốn sản phẩm có thể sớm phục vụ cộng đồng.
Bình luận (0)